Doanh nghiệp

Trước thời điểm quyết định về thuế quan Mỹ, doanh nghiệp dệt may với 1.000 nhân sự báo lãi gấp 56 lần

Huy Hoàng 26/04/2025 20:29

Trong quý I/2025, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của dệt may Việt Nam với kim ngạch đạt 3,8 tỷ USD, tăng hơn 15% so với cùng kỳ.

Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ (STK ) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2025 với doanh thu thuần đạt 376,4 tỷ đồng, tăng mạnh 42% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán ghi nhận 298,8 tỷ đồng, giúp lợi nhuận gộp đạt 77,6 tỷ đồng, gấp hơn hai lần so với quý I/2024.

Thu nhập từ hoạt động khác đóng góp thêm 10,3 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí hoạt động khác, doanh nghiệp dệt may này đạt lợi nhuận hoạt động 54,3 tỷ đồng, cải thiện vượt bậc so với mức chỉ 3,6 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Dù chi phí tài chính tăng lên 6,8 tỷ đồng và thu nhập tài chính chỉ đạt 520 triệu đồng, STK vẫn ghi nhận lợi nhuận sau thuế 34,9 tỷ đồng, gấp 56 lần so với kết quả 603 triệu đồng của quý I/2024.

Trước thời điểm quyết định về thuế quan Mỹ, doanh nghiệp dệt may với 1.000 nhân sự báo lãi gấp 56 lần
Sợi Thế Kỷ ghi nhận lợi nhuận cao gấp 56 lần cùng kỳ

Thành lập năm 2000, tiền thân là Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại Thế Kỷ, STK hiện có hơn 1.000 nhân sự. Khách hàng chính của công ty là các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam (chiếm 70%) và các nhà máy dệt tại Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản (17%). Ngoài ra, STK còn trực tiếp cung cấp sợi cho các thương hiệu thể thao lớn như Nike, Adidas, Lululemon,...

Trong quý I/2025, STK tiếp tục duy trì mạng lưới khách hàng hiện hữu đồng thời mở rộng thêm 13 khách hàng mới. Về cơ cấu doanh thu theo thị trường, doanh thu nội địa đạt 214 tỷ đồng, chiếm 57%, trong khi xuất khẩu mang về 162 tỷ đồng, chiếm 43%.

Ở mảng xuất khẩu, Mỹ hiện là thị trường lớn nhất của dệt may Việt Nam trong quý I/2025, với kim ngạch đạt 3,8 tỷ USD, tăng hơn 15% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, điều này cũng mang đến nhiều rủi ro khi mới đây Mỹ đã công bố mức thuế đối ứng với hàng hóa Việt Nam lên tới 46% - cao hơn nhiều so với hiện tại. Dù mức thuế này đã được hoãn 90 ngày để hai bên tiếp tục đàm phán nhưng vẫn "bỏ ngỏ" những ảnh hưởng đáng kể đến các ngành sản xuất xuất khẩu lớn như dệt may, da giày...

Các doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào doanh số xuất khẩu sang Mỹ sẽ đối mặt với chi phí tăng, đơn hàng giảm và dòng tiền bị siết chặt. Trong ngành dệt may, May Sông Hồng (MSH ) có tới 80% doanh thu đến từ Mỹ, Thương mại TNG (TNG ) 46%, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (VGT ) 35%, Dệt May Thành Công (TCM ) 25%, còn Sợi Thế Kỷ có tỷ lệ xuất khẩu sang Mỹ khoảng 8%.

Dù tỷ trọng thấp hơn so với nhiều doanh nghiệp cùng ngành, STK vẫn cần theo dõi sát diễn biến thuế quan và chủ động các phương án ứng phó để duy trì đà tăng trưởng trong năm 2025.

>>Ông Trump bất ngờ thông báo tái áp thuế trong vài tuần tới với một số quốc gia dù chưa hết 90 ngày đàm phán

Đề xuất giảm thuế cho doanh nghiệp theo kết quả kinh doanh

Bà Mai Kiều Liên: Nếu thuế nhập khẩu về 0, sữa Mỹ vẫn khó cạnh tranh với hàng Việt Nam

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/truoc-thoi-diem-quyet-dinh-ve-thue-quan-my-doanh-nghiep-det-may-voi-1000-nhan-su-bao-lai-gap-56-lan-288018.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Trước thời điểm quyết định về thuế quan Mỹ, doanh nghiệp dệt may với 1.000 nhân sự báo lãi gấp 56 lần
    POWERED BY ONECMS & INTECH