Tỷ lệ nam nữ tại trường này là 79,4 nữ và 21,6% nam, trung bình 1 nam thì có gần 4 nữ.
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP. HCM (USSH - VNUHCM) có lịch sử hơn 60 năm hình thành và phát triển. Sau Hiệp định Giơnevơ 1954, trên cơ sở Đại học Văn khoa ở Hà Nội, trường được tái lập ở Sài Gòn vào tháng 11/1955 với tên gọi là Trường Cao đẳng dự bị Văn khoa Pháp và là trường thành viên của Viện Đại học Quốc gia Việt Nam ở Sài Gòn.
Đến ngày 1/3/1957, trường được chính thức thành lập với tên gọi Trường Đại học Văn khoa thuộc Viện Đại học Sài Gòn. Ngày 30/3/1996, trường đổi tên thành Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc hệ thống Đại học Quốc gia  TP. HCM.
Hiện nay, trường đào tạo các trình độ Tiến sĩ, Thạc sĩ, Cử nhân và các khoá đào tạo ngắn hạn theo nhu cầu xã hội. Các chương trình đào tạo đáp ứng tốt nhu cầu học tập, nghiên cứu đa dạng của người học, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước.
Theo giới thiệu trên website, nhiều cựu sinh viên của trường đã và đang đóng góp không ngừng nghỉ cho sự phát triển của đất nước, nhiều người đã trở thành những chính trị gia  xuất sắc của đất nước với các trọng trách như Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Uỷ viên Bộ chính trị, Bí thư các tỉnh thành phố… Ngoài ra, trường cũng là nơi nhiều người nổi tiếng từng theo học như biên tập viên Hoài Anh, ca sĩ Orange, ca sĩ Hari Won, hoa khôi Lan Khuê, ca sĩ Hồ Trung Dũng…
Cơ cấu ngành đào tạo của trường được xác lập theo định hướng nghiên cứu; nâng cao chất lượng các ngành học cơ bản - truyền thống, đồng thời chú trọng phát triển các ngành học ứng dụng - hiện đại; thực hiện quy mô hợp lý đối với các phương thức và loại hình đào tạo: ổn định quy mô hệ chính quy và văn bằng 2, giảm quy mô hệ vừa làm vừa học...
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn là đơn vị tiên phong trong việc khai mở ra những ngành đào tạo mới, đáp ứng nhu cầu xã hội như Việt Nam học, Đông phương học, Nhân học, Quan hệ quốc tế, Đô thị học, Ngữ văn Tây Ban Nha, Ngữ văn Ý...
Năm 2023, trường tuyển 3.600 sinh viên. Điểm chuẩn trúng tuyển của phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông dao động từ 21-28 điểm. Ngành Báo chí (tổ hợp C00) là ngành có điểm trúng tuyển cao nhất với 28 điểm.
Hiện trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn có khoảng 13.000 sinh viên. Mức học phí dao động từ 13-26 triệu đồng/năm. Trường cũng thu hút sinh viên và học viên quốc tế đến từ hơn 95 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đến nay, nhà trường đã đào tạo cho xã hội hơn 80.000 Cử nhân khoa học, hơn 6.000 Thạc sĩ và trên 600 Tiến sĩ.
Về cơ sở vật chất, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn có 2 cơ sở: cơ sở chính đặt tại số 10-12 Đinh Tiên Hoàng, phường Bến Nghé, quận 1 có diện tích 1,2ha; cơ sở còn lại đặt tại khu Đô thị Đại học  Quốc gia TP. HCM, phường Linh Trung, TP. Thủ Đức có diện tích khoảng 20,35ha.
Theo một thống kê năm 2019, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn năm 2019 chỉ có 711 sinh viên nam nhập học, trong khi có đến 2.753 sinh viên nữ. Tỷ lệ nam nữ tại trường này là 79,4 nữ và 21,6% nam, trung bình 1 nam thì có gần 4 nữ.
Từng chia sẻ trên Báo Thanh Niên, Thạc sĩ Trần Nam, Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp trường cho biết: "Vì đặc thù tỷ lệ nam - nữ này, lãnh đạo Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đang rất quan tâm đến việc tạo cảnh quan, cây xanh, hoa... trong khuôn viên vì đặc điểm của một trường đại học có đến 80% sinh viên nữ. Quan tâm về khía cạnh giới trong vận hành trường học là rất quan trọng."
Từ năm 2022, nhà trường thực hiện tự chủ đại học với nhiều thay đổi trong quản trị đại học, đào tạo, nghiên cứu nhằm hướng đến một đại học nghiên cứu trong hệ thống Đại học Quốc gia TP. HCM, nằm trong top đầu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn của châu Á.