Trường hợp nào vẫn được hưởng 100% BHYT dù khám, chữa bệnh trái tuyến?
Thông thường, để có thể được thanh toán 100% BHYT, người bệnh cần phải khám, chữa bệnh đúng tuyến. Tuy nhiên, có một số trường hợp dưới đây, dù khám, chữa bệnh không đúng tuyến nhưng vẫn được hưởng BHYT 100% mức hưởng đúng tuyến.
Bảo hiểm y tế (BHYT) là một hình thức bảo vệ sức khỏe của người dân khi gặp phải những rủi ro về sức khỏe, bệnh tật, tai nạn,.. Đây là một trong những chính sách an sinh xã hội được tổ chức quản lý bởi tổ chức Nhà nước trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ khám, chữa bệnh thông qua khoản tiền hỗ trợ chi trả.
Căn cứ theo Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế 2008 sửa đổi bởi Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi năm 2014, người có BHYT  khi khám, chữa bệnh trái tuyến sẽ được quỹ BHYT thanh toán theo mức hưởng quy định tại khoản 1 Điều này theo từng tỷ lệ nhất định. Cụ thể như sau:
- Tại bệnh viện tuyến trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú
- Tại bệnh viện tuyến tỉnh là 100% chi phí điều trị nội trú từ ngày 1/1/2021 trong phạm vi cả nước
- Tại bệnh viện tuyến huyện là 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh từ ngày 1/1/2016.
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Những trường hợp sau dù khám, chữa bệnh trái tuyến vẫn sẽ được hưởng 100% BHYT. Cụ thể:
- Người tham gia bảo hiểm y tế đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh
- Người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ gia đình nghèo tham gia BHYT đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn
- Người tham gia BHYT đang sinh sống tại xã đảo, huyện  đảo khi tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với bệnh viện tuyến huyện, điều trị nội trú đối với bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương.