TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng nền tảng vĩ mô và quản trị rủi ro được tích lũy tốt lên, rủi ro tài khóa ở mức trung bình, dư địa chính sách tài khóa vẫn còn, góp phần giảm bớt áp lực đối với chính sách tiền tệ.
Xu hướng chung là lãi suất sẽ tiếp tục giảm
Tại Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ hai - năm 2024 với chủ đề “Ứng biến trong vạn biến”, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã dự báo xu hướng nền kinh tế toàn cầu  trong thời gian tới sẽ tăng trưởng chậm lại tương đương 2023, tăng trưởng  không đồng đều ở nhiều quốc gia, khu vực, có nơi phục hồi tốt có nơi chậm lại như Trung Quốc, Nhật Bản…
Cụ thể hơn, kinh tế thế giới năm 2023  tiếp tục giảm đà tăng trưởng (tăng 2,7% từ mức 3% năm 2022) và dự báo có thể tăng khoảng 2,7% năm 2024 và 2,8% năm 2025 (theo UN tháng 5/2024).
TS Cấn Văn Lực. |
Về lạm phát, theo số liệu thống kê và dự báo của World Bank, lạm phát đã giảm từ mức 8,6% năm 2022 xuống còn 5% năm 2023; dự kiến 3,5 - 4% năm 2024 và 3% năm 2025. Thương mại toàn cầu tăng 0,6% năm 2023 và IMF dự báo sẽ tăng 2,5 - 3% năm 2024 và 3,3% năm 2025.
“Xu hướng chung là lãi suất giảm, tiếp tục xu hướng chuyển đổi số và tăng trưởng xanh”, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Đồng thời, vị chuyên gia này cũng cho rằng, có 4 rủi ro, thách thức chính trong năm 2024 – 2025, gồm: xung đột địa chính trị phức tạp và gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, lạm phát và lãi suất dù giảm nhưng còn cao; rủi ro nợ công và nợ tư vẫn cao. Ngoài ra cũng cần lưu ý đến các yếu tố như rủi ro an ninh năng lượng, an ninh lương thực vẫn hiện hữu và biến đổi khí hậu bất thường.
Quay trở lại với tình hình kinh tế Việt Nam, ông Lực cho rằng, xu hướng tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế toàn cầu sẽ tác động không nhỏ đến nền kinh tế Việt Nam, đà phục hồi của xuất khẩu và tiêu dùng bị ảnh hưởng.
Ông Lực phân tích, nếu Mỹ giảm lãi suất trong thời gian tới đồng nghĩa sức cầu tiêu thụ của thị trường này sẽ giảm, tác động trực tiếp đến các đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng cho rằng, các động lực tăng trưởng đang có xu hướng phục hồi, dù không đồng đều. Nền tảng vĩ mô và quản trị rủi ro được tích lũy tốt lên, rủi ro tài khóa ở mức trung bình, dư địa chính sách tài khóa vẫn còn, góp phần giảm bớt áp lực đối với chính sách tiền tệ.
Đồng thời, lạm phát tăng trong tầm kiểm soát; lãi suất giảm, tỷ giá và nợ xấu tăng trong tầm kiểm soát; thị trường chứng khoán tăng khá nhờ kỳ vọng nâng hạng thị trường và bất động sản đang dần phục hồi.
Kinh tế Việt Nam đang phục hồi, 5 tháng đầu năm doanh thu bán lẻ tăng 8,7%. Đặc biệt ở khối du lịch (nhất là quốc tế) phục hồi mạnh (tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019). Tuy nhiên, một yếu tố đáng lưu ý là sức cầu tiêu dùng phục hồi nhưng chi tiêu còn ít. Doanh thu dịch vụ lưu trú – ăn uống, du lịch lữ hành 4 tháng đầu năm 2024 đạt 256,7 nghìn tỷ đồng, tăng 14,5% so cùng kỳ.
Ngoài ra, các xu hướng kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng… tiếp tục được đẩy mạnh, qua đó thúc đẩy chuyển đổi số, tài chính xanh, đầu tư xanh. Hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, nhờ đó sẽ thúc đẩy thương mại, đầu tư, du lịch…
>>Thống đốc nêu 4 khó khăn khiến việc chuyển giao ngân hàng 0 đồng kéo dài 
Đa dạng hoá danh mục đầu tư
Chia sẻ thêm về các kênh đầu tư tốt cho các nhà đầu tư trong bối cảnh cơ hội và thách thức đan xen, TS. Cấn Văn Lực cho biết, một nguyên tắc quan trọng “bất di bất dịch” với các nhà đầu tư là phải biết đa dạng hóa danh mục đầu tư. Tuy nhiên, có thể thấy, một số kênh đầu tư hiện nay tương đối khả quan.
Xu hướng chung là lãi suất sẽ tiếp tục giảm. |
Thứ nhất, với kênh đầu tư truyền thống như tiền gửi tiết kiệm vẫn duy trì ở mức lãi suất 5-6% và thời gian tới vẫn sẽ duy trì ở mức này.
Thứ hai, kênh chứng khoán đang phục hồi tích cực, tùy lĩnh vực khác nhau. Cụ thể, thị trường chứng khoán từ đầu năm đến nay chứng kiến đã và đang phục hồi tương đối tích cực, cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán tăng mạnh. Thống kê cho thấy tính đến hết tháng 5/2024 nhóm cổ phiếu ngành bán lẻ tăng 46,45%, ngành giày dép tăng 36,5%, ngành ngân hàng tăng hơn 14%, chứng khoán tăng 13,6%, ngành bất động sản có tăng nhưng còn chậm (1,54%)...
Thứ ba, kênh về bất động sản cũng đã có nhiều dấu hiệu phục hồi tích cực, trong đó phải kể đến phân khúc khu công nghiệp, bất động sản nhà ở. Đặc biệt, với thu nhập và nhu cầu của người dân hiện nay khiến thị trường bất động sản thiếu cung, giá một số phân khúc sẽ tăng trong thời gian tới.
Ngoài ra, với kênh đầu tư khác như vàng, thời gian tới, ông Lực cho rằng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẽ quyết liệt để giảm bớt mức độ quan tâm đến vàng trong nền kinh tế.
Đặc biệt, vị chuyên gia này nhấn mạnh: “Bối cảnh hiện nay cơ hội vẫn nhiều hơn thách thức, nhà đầu tư cần phải biết rõ khẩu vị của mình để đa dạng hóa danh mục đầu tư, sử dụng đòn bẩy hợp lý, hạn chế tâm lý đám đông, chú trọng tích lũy kiến thức, kinh nghiệm”.
>>Infographics: Tổng hợp các FTA của Việt Nam tính đến tháng 05/2024