Xã hội

TS Phạm Hà: Di sản, văn hóa, phát triển bền vững là ‘chìa khóa vàng’ của du lịch Việt Nam

Hồ nga 12/04/2025 08:00

Dù đã gần 6 năm nhưng mỗi khi nhắc đến Covid-19, người ta vẫn không khỏi “rùng mình” bởi những thiệt hại mà đại dịch để lại. Covid-19 như một trận đại hồng thủy ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả mọi mặt về cuộc sống, kinh tế. Cũng từ đây, con người bắt đầu quan tâm đến sức khỏe, chú trọng đến việc bảo vệ môi trường sống, hướng tới phát triển bền vững.

cover-pc.jpg

Không nằm ngoài vòng quay này, du lịch bền vững đang trở thành một xu hướng không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, du lịch được xác định là ngành kinh tế trọng điểm, không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế mà còn phải đảm bảo sự phát triển lâu dài, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và gìn giữ những giá trị di sản văn hóa. Chính vì vậy, việc phát triển du lịch bền vững trở thành một chiến lược quan trọng, không thể thiếu trong kế hoạch phát triển du lịch của đất nước.

Du lịch bền vững không chỉ chú trọng đến sự tăng trưởng về số lượng du khách, mà còn nhấn mạnh các yếu tố bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, xã hội, đồng thời mang lại lợi ích lâu dài cho cộng đồng địa phương. Tại Việt Nam, nhiều địa phương cùng các doanh nghiệp du lịch đã và đang triển khai các chiến lược du lịch bền vững, với những mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, cũng như du lịch gắn liền với bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa, thiên nhiên.

asset-16.png
asset-4.png

TS Phạm Hà, nhà sáng lập và CEO của Lux Travel DMC, một thành viên của LuxGroup, vừa được trao chứng nhận Travelife Certified Excellence in Sustainability Award, chia sẻ rằng, du lịch bền vững đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, gìn giữ bản sắc văn hóa và nâng cao chất lượng trải nghiệm du khách. Đồng thời, du lịch bền vững giúp cộng đồng địa phương được hưởng lợi từ sự phát triển du lịch, tạo việc làm và thúc đẩy nền kinh tế phát triển một cách bền vững. Du khách từ châu Âu đặc biệt quan tâm đến những điểm đến và dịch vụ lữ hành cam kết bảo vệ môi trường, duy trì văn hóa bản địa và thực hành các nguyên tắc quản trị bền vững. Việc bảo tồn văn hóa không chỉ tạo việc làm bền vững thông qua các hoạt động như hướng dẫn du lịch, nghề thủ công và phát triển dịch vụ homestay, mà còn giúp tái đầu tư nguồn thu từ du lịch vào việc bảo tồn các công trình di sản và văn hóa.

asset-6.png

Ông Hà nhấn mạnh: "Điểm đặc biệt của du lịch Việt Nam so với các quốc gia khác chính là chiều sâu văn hóa. Từ kiến trúc, ẩm thực, thiên nhiên, con người đến lối sống, tất cả đều tạo nên một bản sắc độc đáo. Du khách không chỉ muốn đi du lịch, mà còn muốn hòa mình vào những câu chuyện lịch sử, văn hóa đầy cảm xúc".

Mặc dù có đầy đủ điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch bền vững nhưng không có con đường nào trải hoa hồng. Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Ông Phạm Hà cho rằng ngành du lịch Việt Nam còn thiếu các chiến lược và quy hoạch dài hạn. Hạ tầng du lịch ở nhiều địa phương chưa đồng bộ, trong khi nhận thức của cả du khách lẫn doanh nghiệp về du lịch bền vững vẫn còn hạn chế. Đặc biệt, nhiều điểm du lịch nổi tiếng đang phải đối mặt với tình trạng quá tải, ảnh hưởng đến chất lượng trải nghiệm của du khách.

Để giải quyết các vấn đề này, ông cho rằng cần kiểm soát số lượng du khách, tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng xanh và khuyến khích du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó, việc nâng cao nhận thức của cộng đồng và du khách thông qua các chương trình truyền thông và đào tạo cũng là yếu tố quan trọng. Dù nhận thức đang có cải thiện, nhưng vẫn chưa được phổ biến rộng rãi, do đó cần đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông và khuyến khích du khách tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường.

asset-7.png

Dưới cái nhìn của TS Phạm Hà, tương lai của ngành du lịch không thể chỉ dựa vào một cá nhân hay một doanh nghiệp đơn lẻ. Đó là sự thay đổi sâu rộng của toàn bộ hệ sinh thái du lịch. Khi các khách sạn, nhà hàng, điểm đến, đơn vị vận chuyển và hướng dẫn viên... đều cùng cam kết xây dựng một nền du lịch bền vững thì ngành du lịch Việt Nam sẽ vươn lên với một diện mạo mới: xanh hơn, bền vững hơn và có những trải nghiệm sâu sắc, đáng nhớ.

Để doanh nghiệp dễ dàng chuyển mình sang mô hình du lịch bền vững, ông cho rằng Chính phủ Việt Nam cần có những chính sách rõ ràng và cụ thể, đồng thời đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng xanh, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi và thúc đẩy sự tham gia tích cực của cộng đồng vào hoạt động du lịch.

Không chỉ riêng TS Phạm Hà, LuxGroup và Luxer đang nỗ lực tiên phong trong việc xây dựng một ngành du lịch bền vững. Họ mong muốn lan tỏa một "làn sóng xanh", khuyến khích các doanh nghiệp khác cùng chung tay thay đổi. Từ những khách sạn trong mạng lưới Travelife cho đến các đối tác, tất cả đều có chung mục tiêu: du lịch bền vững không chỉ là sự lựa chọn, mà là con đường duy nhất dẫn đến sự phát triển lâu dài. LuxGroup cam kết sẽ luôn đồng hành cùng ngành du lịch Việt Nam, mang đến những trải nghiệm đẳng cấp, sáng tạo và đầy trách nhiệm, góp phần xây dựng hình ảnh Việt Nam như một điểm đến bền vững, hấp dẫn trên bản đồ du lịch thế giới.

asset-9.png
asset-5.png

Ngành du lịch Việt Nam đang phấn đấu đạt mục tiêu đón từ 22 đến 23 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2025, đồng thời đóng góp từ 6% đến 8% vào GDP, doanh thu dự kiến đạt từ 980 đến 1.050 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu này, ngành du lịch không ngừng cải tiến và đổi mới, mang đến những trải nghiệm không chỉ đẳng cấp mà còn đậm đà bản sắc văn hóa và giá trị tinh thần của dân tộc. Năm 2024, Việt Nam đã thu hút hơn 17,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 39,5% so với năm trước, minh chứng cho sức hút mạnh mẽ và tiềm năng phát triển của đất nước.

Đặc biệt, sự xuất hiện của những tỷ phú danh tiếng tại Việt Nam thời gian qua càng khẳng định tiềm năng phát triển du lịch cao cấp. Một ví dụ điển hình là sau chuyến thăm Đà Nẵng và chuyến leo núi Bàn Cờ (Sơn Trà) của Bill Gates vào năm 2024. Tháng 8/2024, một tỷ phú Ấn Độ cũng đã đưa 4.500 nhân viên cùng gia đình đến Hà Nội, Ninh Bình, Hạ Long, tận hưởng kỳ nghỉ đáng nhớ.

asset-12.png

Không chỉ Đà Nẵng, Quảng Ninh cũng đang nỗ lực mạnh mẽ để phát triển du lịch cao cấp, với kế hoạch khai thác những khu đảo hoang sơ và bãi tắm riêng biệt dành cho giới siêu giàu. Vào đầu năm 2025, hai triệu phú Mỹ trong lĩnh vực tài chính, Jeff Grinspoon và John Thomas Foley, đã đến Việt Nam không chỉ để khám phá du lịch mà còn tìm kiếm cơ hội đầu tư trong ngành sản xuất giày dép và bất động sản. Họ đã có một kỳ nghỉ đặc biệt kéo dài ba ngày hai đêm tại Quảng Ninh, trải nghiệm du thuyền cá nhân, khám phá vẻ đẹp tuyệt mỹ của Vịnh Bái Tử Long, Vịnh Hạ Long và các khu vực di sản thiên nhiên. Đây là lần đầu tiên, những triệu phú này tham gia các tour du lịch siêu sang tại Quảng Ninh, và dự báo sẽ có thêm bốn đoàn tỷ phú quốc tế khác đến thăm trong thời gian tới, bao gồm một đoàn gồm 106 tỷ phú người Đức.

asset-13.png

Dự kiến vào năm 2025, Quảng Ninh sẽ tổ chức nhiều sự kiện quốc tế lớn, nổi bật là sự kiện “Nghệ thuật vì khí hậu - Vịnh Hạ Long 2025”, dự kiến thu hút khoảng 80.000 người tham gia, bao gồm các nhà hoạch định chính sách, nghệ sĩ, nhà đầu tư và đặc biệt là sự tham gia của gần 200 tỷ phú từ khắp nơi trên thế giới.

Không chỉ riêng Đà Nẵng hay Quảng Ninh, nhiều tỉnh thành khác của Việt Nam cũng đang ra sức thu hút du khách thuộc tầng lớp thượng lưu. Trong tương lai, du lịch Việt Nam sẽ không chỉ đơn giản là thu hút số lượng khách đông đảo mà còn tập trung vào phân khúc du khách tinh hoa – những người có khả năng chi tiêu cao và yêu cầu dịch vụ đẳng cấp. Ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, cho rằng để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần thực hiện một chiến lược xúc tiến du lịch mạnh mẽ, sáng tạo và chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ.

Điều này đòi hỏi phải phát triển các sản phẩm du lịch mới mẻ, độc đáo và hấp dẫn, với chất lượng vượt trội. Trước đây, khi nghĩ đến Việt Nam, người ta nhớ đến một mảnh đất hình chữ S với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, vừa lãng mạn, thơ mộng, vừa hùng vĩ cùng văn hóa phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Việt Nam không chỉ tập trung vào vẻ đẹp thiên nhiên mà còn nỗ lực bảo tồn, gìn giữ di sản, văn hóa nhằm mang đến cho du khách những trải nghiệm thực tế, khó quên. Để làm được điều này, Việt Nam đang không ngừng nâng cao chất lượng, cung cấp những dịch vụ đẳng cấp, mang lại trải nghiệm độc quyền và cá nhân hóa cho nhóm khách hàng thượng lưu.

Việc hiểu rõ nhu cầu, mong muốn của du khách là điều vô cùng quan trọng để tiếp cận đúng đối tượng. Du khách tinh hoa đến Việt Nam không chỉ để du lịch mà còn để tận hưởng những khoảnh khắc quý giá giữa thiên nhiên nguyên sơ, sạch đẹp nhất và khám phá sự độc đáo của giá trị văn hóa, lịch sử. Du lịch không chỉ là những chuyến đi mà còn là sự kết nối, là nơi mỗi hành trình đều khắc ghi dấu ấn của sự trân trọng và trách nhiệm với thế giới tự nhiên, với môi trường sống. Vì vậy, việc đọc vị, phân tích hành vi và sở thích của du khách từ các quốc gia khác nhau sẽ giúp xây dựng chiến lược quảng bá hiệu quả, chính xác hơn.

asian-woman-wearing-vietnam.jpg

Bên cạnh đó, Việt Nam cần mở rộng mạng lưới xúc tiến du lịch bằng cách thiết lập các văn phòng du lịch tại các thị trường trọng điểm như Dubai, London, New York, Tokyo… để tiếp cận trực tiếp du khách tinh hoa. Ngoài ra, các sự kiện quc tế có tầm ảnh hưởng lớn như APEC, SEA Games, hay các sự kiện toàn cầu như World Cup, Olympic cũng là những cơ hội lớn để quảng bá du lịch Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Đặc biệt, việc phát triển các sự kiện du lịch cao cấp như lễ hội du thuyền, giải golf "triệu đô", tuần lễ thời trang quốc tế và các liên hoan phim cũng là yếu tố thu hút giới siêu giàu. Những sự kiện này không chỉ là công cụ quảng bá mạnh mẽ mà còn giúp nâng cao thương hiệu quốc gia, khẳng định Việt Nam là một điểm đến lý tưởng của tầng lớp thượng lưu.

Để thành công trong việc thu hút giới tinh hoa, Việt Nam cần phải có chiến lược phát triển rõ ràng, táo bạo và bài bản. Bắt đầu từ việc nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch đến đầu tư mạnh vào quảng bá, làm chủ công nghệ và tổ chức các sự kiện đẳng cấp quốc tế sẽ giúp Việt Nam khẳng định mình trên bản đồ du lịch cao cấp toàn cầu.

Với sự đầu tư mạnh mẽ và cam kết nâng cao chất lượng không ngừng, du lịch Việt Nam đang dần vươn lên và khẳng định mình như một điểm đến lý tưởng dành cho giới thượng lưu – nơi hội tụ những trải nghiệm tinh hoa, dịch vụ xa xỉ nhưng vẫn bảo tồn giá trị bản địa và hướng đến sự phát triển bền vững.

untitled-5.jpg

>> CEO Phạm Hà: Du lịch Việt Nam cần có ‘kỷ nguyên mới' văn minh, chuyên nghiệp hơn

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/ts-pham-ha-di-san-van-hoa-phat-trien-ben-vung-la-chia-khoa-vang-cua-du-lich-viet-nam-140087.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    TS Phạm Hà: Di sản, văn hóa, phát triển bền vững là ‘chìa khóa vàng’ của du lịch Việt Nam
    POWERED BY ONECMS & INTECH