Từ 1/1/2025, người dân không phân loại rác có thể bị phạt đến 1 triệu đồng
Quy định này góp phần bảo vệ môi trường, hướng tới nền kinh tế không phát thải năm 2050.
Phân loại rác tại nguồn là một trong những chính sách có hiệu lực từ 1/1/2025, theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Cá nhân, hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành ba loại: tái chế, thực phẩm và khác.
Các trường hợp cá nhân, hộ gia đình không thực hiện phân loại rác thải sẽ bị xử phạt theo Nghị định 45/2022/NĐ-CP với mức phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. UBND các địa phương và thanh tra ngành tài nguyên và môi trường có thẩm quyền xử phạt hành vi trên.
Ngoài ra, Nghị định 45/2022/NĐ-CP cũng quy định các chung cư, tòa nhà văn phòng không bố trí thiết bị, phương tiện, địa điểm để thực hiện phân loại tại nguồn sẽ bị phạt từ 200 – 250 triệu đồng.
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Bên cạnh đó, Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định phân loại, lưu giữ, chuyển giao chất thải  rắn sinh hoạt như sau:
Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc như sau:
- Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế.
- Chất thải thực phẩm.
- Chất thải rắn sinh hoạt khác.
Hộ gia đình, cá nhân ở đô thị phải chứa, đựng chất thải rắn sinh hoạt sau khi thực hiện phân loại theo quy định trên vào các bao bì để chuyển giao như sau:
- Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.
- Chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; chất thải thực phẩm có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi.
Hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn phát sinh chất thải rắn sinh hoạt sau khi thực hiện phân loại theo quy định trên thực hiện quản lý như sau:
- Khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi.
- Chất thải thực phẩm không thực hiện theo quy định trên được chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.
- Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.
- Chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.
Rác thải không phân loại sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường , xã hội và kinh tế. Việc chủ động phân loại rác thải tại nguồn sẽ góp phần bảo vệ môi trường, tăng nguồn nguyên liệu sạch, nguyên liệu tái chế,...
>>Từ hôm nay 1/1/2025, vi phạm những lỗi sau sẽ bị trừ 10 điểm GPLX 
Tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đến 50% với xăng, dầu, mỡ nhờn 
Dự án hồ chứa nước Ka Pét hơn 874 tỷ đồng được duyệt đánh giá tác động môi trường