Từ 1/1/2025, phạt vượt đèn đỏ tới 20 triệu: Nếu đèn 'bất ngờ chuyển màu', tài xế có được miễn trừ không?
Từ hôm nay 1/1, Nghị định 168/2024 quy định việc nâng mức phạt tiền hàng loạt hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường bộ chính thức có hiệu lực.
Theo thông tin từ báo Tuổi Trẻ, đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho biết lực lượng CSGT trên cả nước đã sẵn sàng triển khai các quy định mới.
Trước những băn khoăn về việc tăng mức phạt đối với hành vi vượt đèn đỏ và không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông, trong khi xuất hiện thông tin “bỏ đếm giây đèn tín hiệu”, đại diện CSGT khẳng định việc bỏ đếm giây đèn tín hiệu chỉ là đề xuất thí điểm tại một số nút giao ở TP.HCM.
Theo Luật Trật tự An toàn Giao thông Đường bộ, đèn tín hiệu giao thông có ba màu: xanh, vàng, đỏ. Luật cũng quy định vẫn duy trì loại đèn tín hiệu có đồng hồ đếm giây.
Đại diện CSGT giải thích thêm về những lo lắng của người dân liên quan đến trục trặc đèn tín hiệu tại các giao lộ. Hiện nay, phần lớn các nút giao thông trên cả nước đã được trang bị hệ thống camera giám sát. Trong trường hợp người dân bị lập biên bản xử phạt và cảm thấy chưa thỏa đáng, họ có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện ra tòa án hành chính theo quy định của pháp luật. Khi tiếp nhận khiếu nại, lực lượng CSGT sẽ đối chiếu, xem xét các yếu tố liên quan để xử lý.
Về vấn đề dừng xe khi đèn vàng, CSGT cho biết tài xế phải dừng trước vạch khi đèn chuyển sang vàng. Nếu xe đã qua vạch thì được phép tiếp tục di chuyển.
Một phụ nữ thản nhiên chạy tiếp trên đại lộ Phạm Văn Đồng trong khi hàng chục người khác dừng lại chờ đèn đỏ - Ảnh: Ngọc Hiển (Tuổi trẻ) |
Ngoài ra, tài xế sẽ không bị xử phạt khi không chấp hành tín hiệu đèn để nhường đường cho xe ưu tiên, xe cứu thương hoặc các phương tiện đang làm nhiệm vụ khẩn cấp. Điều này phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính, trong đó quy định không xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết.
>> Vì sao tỷ phú Phạm Nhật Vượng quyết định dừng dịch vụ taxi Xanh SM bằng VinFast VF 8? 
Luật cũng nêu rõ tình thế cấp thiết là khi cá nhân hoặc tổ chức buộc phải thực hiện hành vi vi phạm để ngăn ngừa thiệt hại lớn hơn đối với lợi ích của Nhà nước, tổ chức hoặc cá nhân.
Liên quan đến Nghị định mới, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), trao đổi với báo Thanh Niên rằng ông và nhiều người nhận thấy mức phạt tại nghị định mới khá cao. Tuy nhiên, nghị định đã được ban hành và có hiệu lực, người dân cần tuân thủ nghiêm chỉnh.
Vị luật sư đồng tình với giải thích của CSGT, nhấn mạnh rằng nếu hệ thống đèn tín hiệu trục trặc gây ra lỗi cho tài xế thì không thể xử phạt. Áp dụng điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính, cơ quan có thẩm quyền xử phạt phải chứng minh vi phạm hành chính, trong khi cá nhân hoặc tổ chức có quyền tự chứng minh hoặc nhờ đại diện pháp lý chứng minh mình không vi phạm.
Nếu bị xử phạt vượt đèn đỏ, người dân có thể chứng minh mình không có lỗi bằng hình ảnh, video hoặc dữ liệu từ camera hành trình, hoặc yêu cầu CSGT đối chiếu với dữ liệu từ hệ thống giám sát.
Để đảm bảo tính khách quan, luật sư Hùng kiến nghị các cơ quan chức năng phối hợp rà soát, khắc phục các bất cập về hạ tầng giao thông, bao gồm chất lượng đường, biển báo, vạch kẻ đường và hệ thống đèn tín hiệu, tạo điều kiện để người dân an tâm chấp hành luật.
CSGT Hà Nội cho nữ tài xế điều khiển xe máy xem ảnh vượt đèn đỏ, xử phạt 5 triệu 
Từ 1/1/2025: Không chấp hành đèn tín hiệu giao thông sẽ bị trừ điểm GPLX và xử phạt ra sao?