Từ 1/7 tới, người vay tiền qua app sẽ bị kiểm tra CIC
Vay tiền qua app sẽ bị kiểm tra CIC, hạn mức nợ và chỉ được giải ngân qua tài khoản chính chủ theo Nghị định 94/2025.
Người vay tiền online phải khai báo thông tin lên CIC từ 1/7/2025
Từ ngày 1/7/2025, người vay tiền online qua ứng dụng (app vay tiền - theo Nghị định 94 được gọi là "giải pháp cho vay ngang hàng") sẽ phải tuân thủ loạt quy định mới theo Nghị định 94/2025/NĐ-CP được Chính phủ ban hành.
Một trong những điểm đáng chú ý là việc các nền tảng cho vay buộc phải khai thác và báo cáo thông tin người vay lên Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC). Việc này nhằm kiểm soát hạn mức dư nợ cũng như tình trạng tín dụng của từng cá nhân.
Theo quy định tại Nghị định, các công ty công nghệ tài chính (Fintech) cung cấp dịch vụ cho vay ngang hàng (P2P Lending) phải triển khai biện pháp xác định dư nợ tối đa cho mỗi người vay, đồng thời kết nối trực tiếp với CIC để đảm bảo hạn mức tín dụng không bị vượt quá giới hạn cho phép.
Điều này có nghĩa, người vay sử dụng nhiều app vay tiền cùng lúc hoặc có lịch sử tín dụng xấu rất có thể sẽ bị từ chối khoản vay mới do đã vượt ngưỡng tín dụng cá nhân.

Tất cả các giao dịch trong quá trình giải ngân, trả lãi hay thanh toán phí dịch vụ đều bắt buộc phải được thực hiện qua tài khoản thanh toán hoặc ví điện tử đứng tên chính chủ người vay. Việc sử dụng tài khoản của người khác hay thực hiện các giao dịch chuyển tiền không minh bạch sẽ không còn được chấp nhận trong mô hình thử nghiệm sắp tới.
Đây được xem là một bước đi nhằm tăng cường tính minh bạch, đồng thời ngăn chặn tình trạng vay hộ, vay trá hình đang phổ biến trên thị trường vay trực tuyến hiện nay. Nghị định cũng quy định thời hạn hợp đồng vay không được vượt quá 2 năm. Các nền tảng cho vay có trách nhiệm công khai rõ ràng điều khoản này trong quá trình kết nối giữa bên vay và bên cho vay.
Các app vay tiền không minh bạch bị siết từ 1/7
Mỗi mô hình cho vay ngang hàng chỉ được triển khai trong phạm vi thử nghiệm đã được ngân hàng Nhà nước cấp phép. Việc tự ý mở rộng quy mô hoạt động vượt quá giới hạn được phê duyệt hoặc hợp tác với các tổ chức không rõ nguồn gốc sẽ không được phép thực hiện.
Ngoài ra, chỉ các doanh nghiệp Fintech có vốn trong nước mới đủ điều kiện tham gia thử nghiệm. Những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ không thuộc diện được cấp phép để vận hành mô hình cho vay ngang hàng tại Việt Nam.
Nhiều người vay tiền online hiện vẫn chưa nhận thức rõ về vai trò của CIC. Đây là cơ quan quản lý thông tin tín dụng quốc gia, nơi lưu trữ toàn bộ dữ liệu liên quan đến lịch sử vay vốn, tiến độ trả nợ, tình trạng nợ quá hạn cũng như phân loại và xếp hạng tín dụng cá nhân. Khi điểm tín dụng thấp hoặc bị phân loại nợ xấu, khả năng tiếp cận nguồn vốn từ các ứng dụng vay tiền hay hệ thống ngân hàng sẽ bị hạn chế nghiêm trọng.

Dù chưa được công nhận là mô hình chính thức, việc Chính phủ đưa dịch vụ vay ngang hàng vào khuôn khổ thử nghiệm thể hiện rõ nỗ lực nhằm kiểm soát tình trạng tín dụng đen núp bóng công nghệ. Đồng thời, đây cũng là bước đi quan trọng trong việc xây dựng hành lang pháp lý minh bạch cho các mô hình tài chính mới.
Với hàng loạt thay đổi sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7, người dân cần thận trọng hơn khi sử dụng các ứng dụng vay tiền online, đặc biệt là những nền tảng không rõ nguồn gốc hoặc không công khai minh bạch các điều kiện vay. Việc ưu tiên lựa chọn các ứng dụng được cấp phép thử nghiệm không chỉ giúp đảm bảo quyền lợi người vay mà còn hạn chế tối đa rủi ro về pháp lý trong trường hợp phát sinh tranh chấp.
>> Vay tiền ngân hàng rồi qua đời, số nợ có được ngân hàng xoá?