Từ 2G lên 4G: Cơ hội để người dân tiếp cận dịch vụ số
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho rằng, tắt sóng 2G, chuyển sang 4G là cơ hội để người dân tiếp cận dịch vụ số, dần hình thành xã hội số.
Từ ngày 16/9/2024, các nhà mạng viễn thông sẽ dừng cung cấp dịch vụ cho các thiết bị đầu cuối chỉ hỗ trợ tiêu chuẩn GSM (2G). Nếu chỉ hỗ trợ duy nhất công nghệ mạng 2G , các mẫu máy di động sẽ không còn sử dụng được sau thời điểm này.
Chia sẻ tại tọa đàm “Tắt sóng 2G, người dân cần chuẩn bị gì?” do Báo VietNamNet phối hợp với Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) tổ chức ngày 18/7, ông Nguyễn Phong Nhã khẳng định người dùng 2G không phải e ngại khi chuyển đổi sang 4G vì các dịch vụ thường xuyên, truyền thống vẫn được duy trì, không có sự thay đổi nào. Điện thoại 4G phím bấm (feature phone) cũng có chất lượng thoại tốt hơn. Bên cạnh đó, nhà mạng có trách nhiệm cung cấp vùng phủ 4G tương đương, thậm chí tốt hơn so với 2G.
Tắt sóng 2G là xu hướng tất yếu và đang được triển khai rộng khắp trên toàn cầu. Phó Cục trưởng Cục Viễn thông thông tin thêm, đã có 77 nước có kế hoạch dừng công nghệ 2G, 3G và đa phần đều dừng vào năm 2028.
Người dùng 2G khi chuyển sang 4G có cơ hội trải nghiệm dịch vụ mới mà từ trước đến nay chưa sử dụng. Chẳng hạn, thay vì vào website để sử dụng dịch vụ hành chính công, người dân có thể dùng ngay ứng dụng trên smartphone 4G.
“Đây là cơ hội để người dân tiếp cận dịch vụ số, dần dần hình thành xã hội số, với mục tiêu tạo điều kiện cho người sử dụng tiếp cận công nghệ mới. Việc dừng công nghệ 2G là cơ hội tốt cho người sử dụng làm quen với dịch vụ trên môi trường số”, ông Nguyễn Phong Nhã chia sẻ.
Để người dùng sẵn sàng chuyển đổi từ 2G sang 4G, các nhà mạng đã triển khai các giải pháp hỗ trợ, trợ giá, đặc biệt với đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo. Bộ TT&TT cũng làm việc với UBND các tỉnh, thành phố, đề nghị các Sở TT&TT tham mưu, đề xuất sử dụng nguồn vốn, tài trợ hợp pháp trên địa bàn để phối hợp với nhà mạng.
Ngoài ra, để trang bị kỹ năng cho người sử dụng, ông Nguyễn Phong Nhã đề nghị nhà mạng, kênh bán hàng, doanh nghiệp cung cấp thiết bị đầu cuối hướng dẫn một cách đơn giản, dễ hiểu về các nguy cơ khi sử dụng ứng dụng trên smartphone, tránh cho người dân gặp khó khăn trong quá trình chuyển đổi.
Về phía nhà mạng, trong thời gian tới, đại diện Cục Viễn thông đề nghị đẩy mạnh truyền thông đến nhóm người yếu thế như người già, trẻ em, người sống ở vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo… để cung cấp thông tin đầy đủ nhất, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tốt nhất. Các hãng viễn thông cần tiếp tục phân tích người dùng 2G tại các khu vực chưa được tiếp cận thông tin, nơi đổi máy còn là vấn đề, dựa trên dữ liệu thuê bao.
Các nhà mạng đang quyết liệt đầu tư nâng cấp mạng lưới 4G, đảm bảo chất lượng và vùng phủ cho người sử dụng. Việc dừng công nghệ cũ như 2G góp phần chuyển đổi thành mạng lưới để khai thác hiệu quả, sử dụng công nghệ xanh trong sản xuất, giảm thiểu chi phí vận hành, sử dụng tài nguyên tần số hiệu quả.
Người dùng khi chuyển đổi từ 2G sang 4G cũng là đang chung tay với cả xã hội và nhà mạng để xây dựng mạng lưới xanh, thông minh, hiệu quả, tiết kiệm. Bởi lẽ, theo ông Nguyễn Phong Nhã, tại một thời điểm, một người chỉ có thể dùng một công nghệ để thực hiện dịch vụ nào đó. Khi một nhà mạng duy trì nhiều công nghệ, mạng lưới sẽ rất tốn kém, chưa kể chi phí sử dụng tần số, nhà trạm, nguồn điện.
Nhà mạng nâng cấp mạng lưới 4G sẽ góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng hạ tầng viễn thông tiên tiến, sẵn sàng đáp ứng dịch vụ của các bộ, ngành khác.
>> VNPT lên phương án đảm bảo quyền lợi khách hàng khi tắt sóng 2G
Tắt sóng 2G: Điện thoại “cục gạch” sắp bị khai tử 
VNPT kiến nghị hỗ trợ tắt sóng 2G, phủ sóng vùng lõm