Để khỏa lấp cho việc dòng tiền kinh doanh sụt giảm mạnh, Chứng khoán Rồng Việt (VDS) đã liên tục thực hiện các đợt phát hành trái phiếu ngắn hạn trong nước qua đó huy động thêm cả nghìn tỷ đồng.
CTCP Chứng khoán Rồng Việt (Mã VDS - HOSE) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2022
Trong quý, VDSC ghi nhận tổng doanh thu đạt 153 tỷ đồng - giảm 53% với với cùng kỳ 2021. Doanh thu hoạt động môi giới ghi nhận giảm mạnh 24,5% so với quý II/2021. Bù lại, thu từ cho vay margin tăng đáng kể 38% trong bối cảnh lượng tài khoản chứng khoán đăng ký mở mới tăng đột biến và nhu cầu sử dụng đòn bẩy để xử lý danh mục đầu tư của khách hàng tăng đáng kể.
Cụ thể, doanh thu hoạt động cho vay (bao gồm margin và ứng trước tiền bán) quý II/2022 đạt 97,4 tỷ đồng - tăng 38% so với quý II/2021. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, hoạt động cho vay của VDS đạt doanh thu 200 tỷ đồng - tăng 52% trong đó doanh thu từ hoạt động cho vay margin đạt 171 tỷ đồng, hoạt động ứng trước tiền bán đạt 21,8 tỷ đồng, còn lại là doanh thu khác như nghiệp vụ lưu ký chứng khoán với giá trị đạt 7,6 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm 30/6/2022, dư nợ cho vay margin của công ty chứng khoán này đạt 2.149 tỷ đồng.
Trong quý II, VDS bất ngờ ghi nhận khoản lỗ từ các tài sản tài chính (chủ yếu là các cổ phiếu đầu ngành) lên đến 269 tỷ đồng trong đó lỗ đã thực hiện khoảng 60 tỷ và lỗ tạm tính chênh lệch giá mua và giá thị trường 209 tỷ đồng.
Thua lỗ nặng từ đầu tư cổ phiếu, VDS báo lỗ trước thuế hơn 267 tỷ đồng, lỗ sau thuế 234 tỷ đồng trong quý 2/2022. Đây cũng là quý lỗ đầu tiên kể từ mức lỗ 88 tỷ đồng hồi quý I/2020.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty chứng khoán này ghi nhận tổng doanh thu đạt 456 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm 129 tỷ - giảm sâu so với mức lãi 246 tỷ đồng trong cùng thời điểm.
Giải trình về kết quả kinh doanh "bết bát" này, phía VDS cho biết, kết thúc quý II/2022, VN-Index đóng cửa ở mức 1.197,60 điểm - giảm 20,07% so với cuối năm 2021; thanh khoản bình quân của thị trường cũng giảm mạnh. Những diễn biến không thuận lợi nói trên của thị trường chứng khoán Việt Nam đã ảnh hưởng mạnh đến kết quả kinh doanh của Rồng Việt, đặc biệt là hoạt động đầu tư tự doanh và hoạt động kinh doanh môi giới.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, hoạt động đầu tư tự doanh cũng tiếp tục là khoản đầu tư khiến VDS lỗ nặng.
Tính đến 30/6/2022, trong cơ cấu tài sản của VDS, các khoản cho vay dù đã giảm mạnh so với thời điểm cuối năm 2021 song vẫn chiếm tỷ trọng 57% cơ cấu tài sản. Đồng pha, tổng tài sản của VDS cũng ghi nhận giảm từ mức 5.015 tỷ đồng hồi quý I/2022 về còn 4.159 tỷ đồng - thời điểm kết quý II.
Trong khi đó, nợ của công ty có xu hướng gia tăng từ 3.707 tỷ đồng (quý I/2022) và vượt 4.100 tỷ đồng trong đó khoản vay từ kênh trái phiếu tăng mạnh - vượt mức 50% tỷ trọng nguồn vốn.
Trong bối cảnh dòng tiền sụt giảm, Chứng khoán Rồng Việt đã liên tục thực hiện các đợt phát hành trái phiếu ngắn hạn trong nước với kỳ hạn từ 1 - 2 năm. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, công ty này đã có 5 đợt huy động vốn từ kênh trái phiếu với tổng giá trị phát hành gần 1.050 tỷ đồng.
TPDN riêng lẻ: tổng giá trị giao dịch tháng 10/2023 cao hơn gấp 2,5 lần 
Chủ tịch LDG đi công tác xa, quên hướng dẫn thư ký mới bán 2,6 triệu cổ phiếu đúng quy định?