Từ ngày 27/1, miễn phí vé tham quan Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh dịp Tết
Chương trình miễn phí sẽ diễn ra từ ngày 27/1 đến hết ngày 1/2 (tức từ ngày 28 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến hết ngày mùng 4 tháng Giêng năm Ất Tỵ).
Mới đây, Ban quản lý Di tích lịch sử Lam Kinh  (huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) thông báo sẽ miễn phí  vé tham quan nhằm phục vụ du khách trong dịp Tết Ất Tỵ 2025.
Theo Ban quản lý, chương trình miễn phí sẽ diễn ra từ ngày 27/1 đến hết ngày 1/2 (tức từ ngày 28 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến hết ngày mùng 4 tháng Giêng năm Ất Tỵ). Trong khoảng thời gian này, người dân và du khách thập phương có thể tham quan khu di tích mà không cần trả phí.
Đến với Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh dịp Tết này, du khách sẽ được chiêm ngưỡng miễn phí các công trình kiến trúc, tâm linh cùng nhiều bảo vật quốc gia. Nổi bật trong số đó là chín tòa Thái miếu, Chính điện Lam Kinh, đền thờ và mộ vua Lê Thái Tổ, bia Vĩnh Lăng…
Nhân dịp này, Ban quản lý cũng tổ chức trưng bày ảnh tại sân rồng và dọc đường đá trong khuôn viên di tích. Đây là hoạt động nhằm tuyên truyền, quảng bá hình ảnh các công trình kiến trúc, hiện vật và lễ hội đầu xuân tại Lam Kinh đến đông đảo du khách.
Ngoài ra, khu vực còn được thiết kế nhiều tiểu cảnh đậm nét Tết xưa, mang đến trải nghiệm độc đáo, tạo điều kiện cho người dân và du khách ghi lại những khoảnh khắc đẹp nhân dịp đầu năm mới.
Đặc biệt, vào ngày mùng 4 Tết Ất Tỵ (1/2), Ban quản lý sẽ tổ chức lễ dâng hương tại đền thờ vua Lê Thái Tổ, nằm trong khuôn viên di tích. Tiếp đó, lễ hội đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai sẽ diễn ra vào ngày 8 tháng Giêng năm Ất Tỵ (5/2) tại xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc.
Thời gian đón tiếp du khách tại Khu Di tích Lam Kinh kéo dài từ 6h30 đến 18h mỗi ngày. Riêng tối 29 Tết, di tích sẽ mở cửa từ 19h đến 3h sáng ngày mùng 1 Tết Ất Tỵ 2025. Các địa điểm đón tiếp bao gồm Thái miếu, Chính điện, đền thờ vua Lê Thái Tổ và đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai.
Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh không chỉ là nơi gắn liền với sự nghiệp khởi nghĩa chống quân Minh của anh hùng Lê Lợi, mà còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử quan trọng. Sau chiến thắng, năm 1428, Lê Lợi lên ngôi vua, lấy niên hiệu Lê Thái Tổ, đặt tên nước là Đại Việt, đóng đô tại Thăng Long (Hà Nội).
Đồng thời, ông dựng một kinh thành tại quê hương Lam Sơn – nơi được gọi là Lam Kinh hoặc Tây Kinh (để phân biệt với Đông Kinh – Hà Nội). Kinh thành này bao gồm các điện miếu, lăng tẩm quy mô lớn, vừa là nơi thờ cúng tổ tiên, vừa là nơi an nghỉ của các nhà vua.
Được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt từ năm 2012, Lam Kinh không chỉ nổi bật ở giá trị lịch sử và thắng cảnh mà còn ở kiến trúc và nghệ thuật đương thời. Đây là minh chứng rõ nét về truyền thống văn hóa, văn minh Đại Việt ở thế kỷ XV, góp phần làm giàu thêm kho tàng di sản văn hóa dân tộc.