Tự ý dùng Tamiflu trị cúm, người phụ nữ phải nhập viện vì bệnh tăng nặng
Sau khi tự sử dụng thuốc Tamiflu để điều trị cúm tại nhà, một phụ nữ ở Hà Nội phải nhập viện do tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
Theo báo Thanh Niên, thông tin từ Bệnh viện E (Hà Nội) cho biết, bệnh nhân N.N.P đang được điều trị tại Khoa Bệnh truyền nhiễm do mắc cúm  bội nhiễm.
Trước khi nhập viện 4 ngày, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốt cao, đau đầu, đau họng, ho có đờm, sổ mũi và đau mỏi cơ thể. Sau khi tự test cúm tại nhà và nhận kết quả dương tính, chị N. đã tự ý sử dụng Tamiflu  trong 2 ngày. Tuy nhiên, tình trạng sốt và mệt mỏi không thuyên giảm, khiến chị phải đến Bệnh viện E để thăm khám.
Tại bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc cúm B bội nhiễm. Chị được điều trị bằng kháng sinh, thuốc kháng virus cúm, kết hợp với các biện pháp hỗ trợ như giảm ho, hạ sốt và bù nước điện giải.

Theo Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện E, số ca mắc cúm có xu hướng gia tăng từ sau Tết Nguyên đán 2025, với trung bình 10 bệnh nhân nhập viện mỗi ngày. Có thời điểm, bệnh nhân mắc cúm chiếm 50% trong số gần 40 người đến khám/ngày. Từ tháng 1 đến nay, đơn vị này đã tiếp nhận khoảng 250 trường hợp nhiễm cúm A và B.
Thạc sĩ Đinh Thị Bích Thục, bác sĩ Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện E cho biết không chỉ người cao tuổi, trẻ nhỏ hay người có bệnh nền như tim mạch, đái tháo đường, hô hấp mà ngay cả những người trẻ khỏe mạnh cũng có nguy cơ mắc cúm và gặp biến chứng nếu chủ quan.
Theo các chuyên gia, những đối tượng có nguy cơ cao gặp biến chứng nặng khi mắc cúm gồm: Phụ nữ mang thai; Trẻ em dưới 5 tuổi; Người trên 65 tuổi; Bệnh nhân có bệnh lý nền như HIV/AIDS, hen suyễn, bệnh tim, phổi, đái tháo đường; Nhân viên y tế và những người có nguy cơ phơi nhiễm cao.
Bác sĩ Thục nhấn mạnh: "Bất kỳ ai cũng có thể mắc cúm với mức độ ảnh hưởng khác nhau. Khi có các triệu chứng như ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, người dân nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và kê đơn thuốc sau khi được đánh giá tình trạng sức khỏe".

Để phòng ngừa cúm mùa, người dân cần thực hiện các biện pháp sau:
- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất dùng khăn giấy và vứt đúng nơi quy định
- Đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, trên phương tiện giao thông công cộng
- Rửa tay thường xuyên với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay
- Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng
- Tiêm vaccine phòng cúm để giảm nguy cơ nhiễm bệnh
Trong trường hợp cần hỗ trợ y tế, người dân có thể liên hệ tổng đài chăm sóc khách hàng 19001548 hoặc hotline Bệnh viện E: 0868891318 - 024.37480648 để được tư vấn.
Liên quan đến tình trạng tự ý sử dụng Tamiflu, ông Nguyễn Thành Lâm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), cho biết Cục đã gửi công văn yêu cầu các sở y tế và bệnh viện trực thuộc Bộ triển khai kiểm soát việc cung ứng và giá thuốc điều trị cúm, đặc biệt là các loại chứa hoạt chất oseltamivir như Tamiflu. Đây là thuốc kê đơn, chỉ được sử dụng khi có chỉ định từ bác sĩ.
Cục Quản lý Dược cũng đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong kinh doanh thuốc kháng virus, đặc biệt là thuốc điều trị cúm A. Những hành vi vi phạm như kê khai giá không đúng quy định, không niêm yết giá, bán thuốc kê đơn mà không có đơn của bác sĩ hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bất hợp lý đều sẽ bị xử lý nghiêm.