Từng làm mưa làm gió với sản phẩm Izzi, đi qua biến cố melamine - sữa Hà Nội lại đang trở mình thức giấc?
Từng làm mưa làm gió 1 thời với sản phẩm Izzi, Sữa Hà Nội đang có dấu hiệu trở mình, liệu có thành công?
Mới đây Công ty Cổ phần sữa Hà Nội (HNM ) đã công bố báo cáo tài chính quý 3/2023  ghi nhận doanh thu đạt 183 tỷ và lợi nhuận sau thuế hơn 13 tỷ. Đồng thời công ty cũng hoàn hoàn tất đợt phát hành 24,4 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
Được biết lần tăng vốn đầu tiên của công ty diễn ra vào năm 2014 nhưng khá “trầy trật” khi mãi đến năm 2022 Hanoimilk mới hoàn tất thủ tục thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với mức vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Lần tăng vốn mới đây tuy không đáng kể so với các công ty nghìn tỷ cùng ngành nhưng ghi nhận một sự nỗ lực to lớn của doanh nghiệp này từ mức 200 tỷ đồng lên 444 tỷ đồng
Đã từng là một đại gia ngành sữa
Được thành lập từ năm 2001 và chính thức hoạt động với dây chuyền sản xuất sữa công suất 40 triệu lít mỗi năm, Hanoimilk cũng từng “vang bóng” khi một trong những "ông lớn" của ngành sữa Việt Nam bên cạnh Vinamilk  và Dutchlady. Với những sản phẩm sữa có dấu ấn riêng mang nhãn hiệu Izzi, Yotuti, sữa tươi Hanoimilk 100%, sữa chua Hanoimilk,…
Đặc biệt, giai đoạn 2006-2007 được xem là thời hoàng kim khi dòng sản phẩm IZZI của Hanoimilk chiếm lĩnh thị trường nội địa. Năm 2007, doanh thu của công ty này đạt gần 340 tỷ đồng, với lợi nhuận sau thuế 12 tỷ.
Sau giai đoạn thành công với thương hiệu IZZI, Hanoimilk còn tính đến việc đa dạng danh mục sản phẩm để cạnh tranh trực tiếp với những thương hiệu lớn trong và ngoài nước ở dòng sữa bột, sữa đặc có đường và nước ép trái cây.
Biến cố melamine, sai lầm chiếc vỏ hộp và cú trượt dài thê thảm
Chuỗi thành công vang dội của Hanoimilk tạm chấm dứt vào cuối năm 2008. Tại thời điểm này, “cơn bão melamine” tràn vào Việt Nam, Hanoimilk trở thành tâm bão và chịu ảnh hưởng nặng nề. Trong đợt kiểm tra các công ty sữa sau khi cuộc khủng hoảng melamine bùng lên, đoàn thanh tra của Bộ Y tế ghi nhận Hanoimilk vẫn chứa trong kho lượng sữa bột nhập từ Trung Quốc từ đầu năm nay chưa tiêu thụ hết.
Ngay lập tức, các nhà phân phối và siêu thị đồng loạt thông báo sẽ ngừng bán hàng và trả lại sản phẩm trong thời gian chưa có kết quả xét nghiệm các loại sữa của công ty này.
Người tiêu dùng mất niềm tin vào thương hiệu Hanoimilk, doanh thu sụt giảm, sản phẩm bị thu hồi hàng loạt…
Bên cạnh đó, “chiếc vỏ hộp” cũng là một bài học để đời cho chiến lược sau này của công ty. Chuyện bắt đầu từ chiếc vỏ hộp hình tam giác (wed) được đối tác bao bì Tetra Park đưa ra. Ngay lập tức ban lãnh đạo công ty đã áp dụng bao bì mới này cho sản phẩm sữa Izzi chủ lực của công ty.
Không chần chừ, công ty đầu tư ngay 7 chiếc máy rót hộp wed với mức đầu tư ban đầu khoảng 500.000 USD/máy. Nhưng không như kỳ vọng, vỏ hộp tam giác chỉ thu hút bởi sự khác lạ trong thời gian đầu nhưng có quá nhiều nhược điểm như dễ gây trào sữa, khó cắm ống hút, tốn diện tích để tủ. Nên khách hàng đã quay trở lại với dạng hộp hình khối chữ nhật (brik) ban đầu.
Kết quả, công ty đã dừng sản xuất loại hộp wed này vào năm 2015, 7 chiếc máy “đắp chiếu” và nhà máy sản xuất thiếu máy rót cho dạng hộp truyền thống.
Lãnh đạo công ty đã phải thừa nhận sai lầm của mình trước cổ đông khi chưa cân nhắc kỹ đã vội đầu tư.
Nhưng có lẽ “cơn bão melamine” hay chiếc vỏ hộp chỉ là bề nổi của tảng băng trôi. Vì trước đó chiến lược đầu tư dàn trải đã khiến tình hình kinh doanh của ông lớn ngành sữa này không ngừng đi xuống.
Hanoimilk đầu tư vào rất nhiều lĩnh vực như bất động sản, ô tô, siêu thị, chứng khoán,… Đầu tư vào lĩnh vực “nóng” trong khi thiếu hiểu biết về các lĩnh vực này nên Hanoimilk nhận trái đắng, nguy cơ mất trắng vốn đầu tư.
Loay hoay tìm chỗ đứng
Đã có giai đoạn tưởng chừng như Hanoimilk sẽ biến mất khỏi bản đồ ngành sữa nhưng nỗ lực vực dậy của công ty thực sự đáng ghi nhận. Những năm gần đây công ty liên tiếp có sự tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận. Tuy vậy các nhà đầu tư vẫn kỳ vọng vào một chiến lược cụ thể mang tính đột phá của Hanoimilk.
Trong báo cáo của ban Giám đốc công ty năm 2023 cho biết, Công ty sẽ dành ngân sách Marketing nhiều hơn đầu tư cho PR, quảng cáo cho thương hiệu Hanoimilk và các thương hiệu con IZZI, Yotuti, Dinomilk, Yoha để tăng doanh số bán hàng trong nước.
Phía ban lãnh đạo nhận định “Công ty đang có cơ hội rất lớn trở thành nhà máy gia công lớn nhất ở phía Bắc, có các đơn hàng gia công dài hạn đủ để sản xuất 3 ca liên tục trong cả năm”
Đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện đầu tư Dự án trồng cỏ chăn nuôi bò sữa Tự nhiên tại Mê Linh, phấn đấu hoàn thành công tác hỗ trợ đền bù và giải phóng mặt bằng trong Quý III/2023 và Quý I/2024. Trồng cỏ và chăn nuôi bò sữa trong năm 2024.
Đơn vị: Tỷ đồng |
Trên bản đồ ngành sữa Việt Nam, HNM sẽ phải rất vất vả để tìm lại chỗ đứng và tạo dựng thị thị trường vì thời gian Hanoimilk đi lùi các công ty cùng ngành đã phát triển như vũ bão.
Tiểu sử đặc biệt của cựu Phó Thủ tướng Đức vừa gia nhập hội HĐQT Vietravel Airlines 
Cổ đông lớn lâu năm bất ngờ muốn thoái vốn tại doanh nghiệp là chủ thương hiệu sữa IZZI 
HanoiMilk (HNM) vẫn chưa thanh toán khoản nợ bảo hiểm xã hội dù kinh doanh có lãi