Tuổi nghỉ hưu và tỷ lệ hưởng lương hưu của nam, nữ mới nhất
Những thay đổi trong năm 2025 về chính sách tuổi nghỉ hưu, tỷ lệ hưởng lương hưu sẽ tác động tới quyền lợi của nhiều người lao động.
Tăng tuổi hưu theo lộ trình
Theo Điều 169, Bộ luật Lao động 2019, người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng BHXH theo quy định của pháp luật về BHXH được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu.
Theo đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi lao động nam đủ 62 tuổi vào năm 2028 và lao động nữ đủ 60 tuổi vào năm 2035.
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam; đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.
Như vậy, năm 2025, tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường như sau: lao động nam 61 tuổi 3 tháng, lao động nữ 56 tuổi 8 tháng.
Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Một chuyên gia về lao động - tiền lương cho rằng, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu là quyết sách có tính chiến lược về nhân lực, có tầm nhìn dài hạn. Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu mỗi năm tăng 3 tháng đối với lao động nam cho cho đến khi đủ 62 tuổi và tăng 4 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi là để tránh gây sốc cho thị trường lao động; tránh tình trạng gia tăng đột ngột số người thất nghiệp, có thể gây bất ổn xã hội.
Đóng BHXH 15 năm được hưởng lương hưu
Từ 1/7/2025, khi Luật BHXH 2024 có hiệu lực, người lao động khi nghỉ việc có thời gian đóng BHXH bắt buộc từ đủ 15 năm (luật hiện hành quy định 20 năm) trở lên thì được hưởng lương hưu nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 65 Luật BHXH như: Đủ tuổi nghỉ hưu, có tuổi thấp hơn tối đa 10 tuổi so với tuổi quy định và có từ đủ 15 năm trở lên làm công việc khai thác than trong hầm lò theo quy định của Chính phủ; bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao…
Mặc dù theo Luật BHXH 2024, người lao động được giảm thời gian tham gia BHXH để được hưởng chế độ hưu trí nhưng tỷ lệ hưởng lương hưu cao nhất vẫn ở mức cũ là 75%.
Theo Điều 66 của Luật BHXH 2024 về mức lương hưu hằng tháng, mức hưởng hằng tháng của người đủ điều kiện nghỉ hưu được tính như sau:
Đối với lao động nữ, tỷ lệ hưởng lương hưu của 15 năm đóng BHXH tương ứng 45% mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH. Sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Đối với lao động nam, mức lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH tương ứng 20 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Trường hợp lao động nam có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm, mức lương hưu hằng tháng bằng 40% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH tương ứng 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 1%. Trường hợp nghỉ hưu sớm do suy giảm khả năng lao động thì mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định bị giảm 2%.
Trường hợp thời gian nghỉ hưu trước tuổi dưới 6 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu; từ đủ 6 tháng đến dưới 12 tháng thì giảm 1%.
Chuyên gia lao động Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, việc giảm thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm được hưởng lương hưu không có nghĩa là về hưu lương thấp. Đây chỉ là điều kiện tối thiểu để những người tham gia thị trường lao động muộn (tuổi 35-45) có cơ hội được thụ hưởng chính sách hưu trí. Đối với những người tham gia BHXH trong thời gian dài thì không có gì thay đổi, khi đủ tuổi hưu mức hưởng sẽ cao.
Hơn nữa, lương hưu được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng hằng năm, người hưởng lương hưu được tham gia BHYT miễn phí nên khi về già ốm đau sẽ giảm bớt gánh nặng cho người thân và xã hội.
Luật BHXH 2024 quy định 3 hình thức nhận lương hưu từ 1/7/2025 đối với người lao động tham gia BHXH bắt buộc: Thông qua tài khoản ngân hàng của người thụ hưởng; trực tiếp từ cơ quan BHXH hoặc tổ chức dịch vụ được cơ quan BHXH ủy quyền; thông qua người sử dụng lao động.
Đối với người tham gia BHXH tự nguyện, có 2 hình thức nhận lương hưu: Thông qua tài khoản của người thụ hưởng mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động tại Việt Nam; trực tiếp từ cơ quan BHXH hoặc tổ chức dịch vụ được cơ quan BHXH ủy quyền.
>>Đã tăng lương hưu 2 lần nhưng vẫn thấp, có tiếp tục tăng lần 3?
Đóng 20 năm bảo hiểm xã hội nhưng nghỉ trước tuổi, mức lương hưu thế nào? 
Người đang chấp hành án phạt tù nhận lương hưu thế nào?