'Tượng đài hồi sinh': Sony lật ngược thế cờ, kiếm tỷ đô trong khi đối thủ chật vật nhờ dám 'buông bỏ' một thứ quen thuộc
Từ một đế chế điện tử, Sony đã chuyển mình thành một ông trùm giải trí toàn cầu.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh mới nhất, Sony  đã ghi nhận mức lợi nhuận kỷ lục lên tới 279,11 tỷ yên (tương đương 1,9 tỷ USD) trong quý II/2024. Con số này vượt xa mức dự báo 214,3 tỷ yên của thị trường và đánh dấu một giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ của tập đoàn Nhật Bản .
Điều đáng chú ý là thành công của Sony không đến từ mảng kinh doanh truyền thống như tivi hay các thiết bị điện tử tiêu dùng mà chủ yếu tập trung vào lĩnh vực giải trí.
Cụ thể, mảng giải trí hiện chiếm đến gần 60% tổng doanh thu của Sony, tăng gấp đôi so với con số chỉ 30% cách đây 10 năm.
Đặc biệt, dòng máy chơi game PlayStation đã đóng góp một phần lớn vào thành công này, với doanh thu tăng 12% so với cùng kỳ năm trước lên 864,9 tỷ yên. Mảng âm nhạc và hình ảnh cũng ghi nhận đà tăng trưởng ấn tượng, lần lượt đạt 23% và 21%.
Sự thành công của Sony đặt ra câu hỏi rằng liệu hãng có còn được coi là một công ty điện tử truyền thống hay không.
Với việc lợi nhuận chủ yếu đến từ mảng giải trí, Sony đang dần định hình lại bản sắc của mình, trở thành một "ông lớn" trong ngành công nghiệp giải trí toàn cầu.
Cuộc lột xác ngoạn mục
Trong thế giới game, cái tên Sony gắn liền với những trò chơi kinh điển như "The Last of Us". Không chỉ dừng lại ở đó, Sony còn là một thế lực lớn trong ngành âm nhạc và điện ảnh.
Chuyên gia phân tích David Gibson của MST Financial nhận xét rằng, dưới sự lãnh đạo của 2 đời CEO trước, Sony đã đặt nền móng cho sự phát triển của mảng trò chơi.
Và đến đời thứ 3 là CEO Kenichiro Yoshida, hãng đã có một cú chuyển mình ngoạn mục, thoát khỏi tình cảnh khó khăn như các đối thủ cùng ngành.
Nhiều “ông lớn” điện tử Nhật Bản như Toshiba, Sharp và Panasonic đã phải đối mặt với những khó khăn chồng chất, thậm chí là bán doanh nghiệp hoặc nhận sự hỗ trợ từ Chính phủ.
Trong khi đó, Sony đã nhanh chóng nhận ra xu hướng của thị trường và quyết định tập trung vào các lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng cao hơn như trò chơi, âm nhạc và điện ảnh.
Ngược lại, sự bảo thủ lại khiến nhiều hãng điện tử nổi tiếng Nhật Bản không thể cạnh tranh với LG và Samsung trong cuộc cách mạng màn hình phẳng.
Chuyên gia Gibson nhận định: “Sony đã quyết định thay vì làm dàn trải thì tập trung vào những mảng thế mạnh có lợi hơn, và điều đáng ngạc nhiên là họ đang kinh doanh rất tốt trong mảng giải trí".
Theo Financial Times (FT), Sony đã đầu tư mạnh mẽ vào mảng trò chơi điện tử, đặc biệt là dòng máy chơi game PlayStation, ngay cả khi ngân sách còn eo hẹp và phải đối đầu với sự cạnh tranh từ ngành dịch vụ Streaming.
Kết quả là, mảng giải trí hiện chiếm đến gần 60% doanh thu của hãng, mang lại lợi nhuận vượt xa dự kiến. Giá cổ phiếu Sony đã tăng hơn 10 lần kể từ khi bắt đầu thực hiện chiến lược này vào năm 2013.
Nước đi táo bạo
Theo các chuyên gia phân tích, anime (hoạt hình Nhật Bản) chính là chìa khóa giúp Sony mở rộng thị trường và tăng trưởng doanh thu. Với sự bùng nổ của internet và toàn cầu hóa, anime không chỉ là một hiện tượng văn hóa tại Nhật Bản mà còn trở thành một ngành công nghiệp tỷ đô trên toàn thế giới.
Tận dụng tối đa tiềm năng của thị trường này, Sony đã mua lại dịch vụ streaming hoạt hình Crunchyroll (có hơn 10 triệu lượt đăng ký) với giá 1,2 tỷ USD vào năm 2020. Không dừng lại ở đó, tập đoàn này còn có một nước đi táo bạo khác khi phân phối các sản phẩm anime của mình cho cả những nền tảng streaming là đối thủ của Crunchyroll để tối đa hóa lợi nhuận.
Quyết định này cho thấy tham vọng của Sony trong việc trở thành đế chế kinh doanh hoạt hình lớn nhất thế giới.
Chuyên gia phân tích Atul Goyal của Jefferies bình luận: "Nếu xét về quyền phân phối các bộ phim anime thì Sony đang sở hữu bản quyền. Họ có những nước đi cực kỳ đúng đắn trong ngành game, hoạt hình và cả phim ảnh. Sony giờ đây là tập đoàn giải trí chứ không còn là công nghệ nữa".
Báo cáo của Hiệp hội hoạt hình Nhật Bản (AJA) chỉ ra, đại dịch COVID-19 đã trở thành chất xúc tác mạnh mẽ cho sự bùng nổ của ngành công nghiệp anime. Khi mọi người buộc phải ở nhà, nhu cầu giải trí trực tuyến tăng cao, kéo theo đó là sự tăng trưởng đột biến của thị trường anime trên toàn cầu.
Số liệu thống kê cho thấy tổng giá trị thị trường toàn cầu của ngành hoạt hình Nhật Bản đạt kỷ lục 2,7 nghìn tỷ yên (khoảng 20 tỷ USD) trong năm 2021. Các chuyên gia dự báo con số này sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ khoảng 10%/năm và có thể đạt 47,14 tỷ USD vào năm 2028.
Đặc biệt, thị trường ngoài Nhật Bản đang đóng góp một phần không nhỏ vào tổng doanh thu của ngành. Năm 2021, thị trường này chiếm tới 1,3 nghìn tỷ yên doanh thu.
Thậm chí, có những dự đoán cho rằng trong tương lai gần, doanh thu anime ở thị trường quốc tế sẽ vượt qua cả thị trường nội địa.
Bên cạnh thương vụ mua lại Crunchyroll, việc chuyển thể các tựa game thành công như "The Last of Us" thành phim truyền hình cũng là bước ngoặt quan trọng giúp Sony mở rộng sân chơi từ mảng game sang các hạng mục phim ảnh, âm nhạc khác.
Ra mắt vào năm 2013, tựa game do một studio trực thuộc Sony sản xuất đã ngay lập tức trở thành hiện tượng khi bán được 37 triệu bản và thu hút vô số người hâm mộ. "The Last of Us" cũng được HBO ký hợp đồng dựng thành phim truyền hình, qua đó cho thấy sức lan tỏa của Sony.
Ngoài ra, hãng điện tử này còn nhiều sản phẩm game khác đang được dựng thành phim như "Horizon Zerro Dawn" (Netflix) hay "God of War" do Amazon Prime Video sản xuất.
Theo CNBC, FT