Tuyến đường vành đai hơn 85.000 tỷ đồng, đi qua 3 tỉnh miền Bắc sẽ giảm hơn 2.100 tỷ vốn đầu tư
Dự án này được chia thành 7 dự án thành phần, vận hành độc lập và do UBND của 3 địa phương làm cơ quan chủ quản.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà - Ủy viên Trung ương Đảng vừa có buổi làm việc với UBND TP. Hà Nội và hai tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh cùng các bộ, ngành liên quan để đánh giá tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô.
Theo báo cáo, dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô  có chiều dài 112,8km, đi qua địa bàn Hà Nội (58,2km), Hưng Yên (19,3km) và Bắc Ninh (25,6km). Sơ bộ tổng mức đầu tư được xác định khoảng 85.813 tỷ đồng.
Dự án này được chia thành 7 dự án thành phần, vận hành độc lập và do UBND của 3 địa phương làm cơ quan chủ quản.
Cụ thể, 3 dự án thành phần đảm nhận công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư tại các địa phương bằng vốn đầu tư công (gồm các dự án 1.1, 1.2 và 1.3). Tiếp đó, 3 dự án thành phần khác chịu trách nhiệm xây dựng đường song hành tại các địa phương, cũng bằng vốn đầu tư công (các dự án 2.1, 2.2 và 2.3). Dự án thành phần 3 sẽ tập trung đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư.
Theo kết quả rà soát, điều chỉnh của TP. Hà Nội cùng hai tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh, tổng mức đầu tư của dự án đã giảm khoảng 2.129 tỷ đồng so với mức sơ bộ ban đầu.
>> Sẽ hoàn thành Đề án thành lập khu thương mại tự do đầu tiên ở Việt Nam vào quý IV/2024 
Báo cáo nêu rõ: "Dự án thành phần 1.1 (giải phóng mặt bằng tại Hà Nội) giảm 650 tỷ đồng; dự án thành phần 3 giảm 3.319 tỷ đồng. Trong khi đó, dự án thành phần 1.2 (giải phóng mặt bằng tại Hưng Yên) tăng 600 tỷ đồng, và dự án thành phần 1.3 (giải phóng mặt bằng tại Bắc Ninh) tăng 1.240 tỷ đồng".
UBND hai tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh đã cam kết sử dụng ngân sách địa phương để bổ sung phần vốn tăng thêm cho hai dự án thành phần 1.2 và 1.3. Trong khi đó, UBND TP. Hà Nội đề xuất điều chuyển phần vốn giảm trong dự án 1.1 sang việc đầu tư một số nhánh kết nối tại 5 nút giao liên thông và 2 cầu vượt, nhằm đảm bảo lưu thông tuyến đường song hành trên địa bàn thành phố.
Ngoài ra, TP. Hà Nội cũng đề xuất triển khai tiểu dự án đầu tư công xây dựng các cầu Hồng Hà, Mễ Sở, Hoài Thượng cùng một số đoạn tuyến thuộc dự án thành phần 3. Điều này nhằm đảm bảo kết nối toàn bộ tuyến đường song hành trong trường hợp dự án thành phần 3 chưa hoàn thành.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các địa phương chủ động, linh hoạt trong xử lý các vấn đề liên quan đến điều chỉnh mức vốn đầu tư các dự án thành phần thuộc đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô, đảm bảo thực hiện đúng thẩm quyền.
Đối với dự án thành phần 3, Phó Thủ tướng giao UBND TP. Hà Nội tiếp tục rà soát và làm rõ cơ cấu tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia (bao gồm cả tiểu dự án đầu tư công xây dựng cầu và các đoạn tuyến).
Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo UBND TP. Hà Nội làm việc với hai tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh để thống nhất đề xuất điều chuyển phần vốn của Trung ương giảm từ dự án thành phần 1.1 sang dự án thành phần 3. Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải cần làm rõ trách nhiệm của đơn vị tư vấn khi xác định diện tích cần thu hồi và giải phóng mặt bằng chưa chính xác, dẫn đến phải điều chỉnh lớn về kinh phí.
>> ACV đề xuất bổ sung đường băng thứ hai cho sân bay lớn nhất Việt Nam 
Chuyển động mới của tuyến đường vành đai quy mô 128.000 tỷ đi qua 5 tỉnh thành giàu có 
Thay đổi thời gian thông xe tuyến đường hơn 700 tỷ đồng nối 2 quận trẻ tuổi của Thủ đô