Tỷ giá USD/VND có thể tăng 3–4,5%: Vì sao chuyên gia Techcombank vẫn tin vào một kịch bản ổn định?
Dự báo tỷ giá USD/VND sẽ tăng trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang, nhưng theo Bộ phận MA - Techcombank, đây vẫn là biến động trong vùng kiểm soát. Điều gì đang củng cố cho niềm tin này?
Tỷ giá USD/VND đang bước vào giai đoạn nhạy cảm khi nền kinh tế toàn cầu chao đảo vì sóng gió thuế quan do Mỹ kích hoạt. Tuy nhiên, trong bối cảnh các dòng vốn, chính sách và kỳ vọng vĩ mô chuyển động mạnh mẽ, Bộ phận Phân tích Kinh tế và Thị trường Tài chính (MA), Ngân hàng Techcombank vẫn giữ lập trường thận trọng nhưng tích cực: tỷ giá dù có thể tăng 3–4,5% trong năm 2025, song vẫn nằm trong “vùng dao động có kiểm soát” – phản ánh sức đề kháng đáng kể của kinh tế Việt Nam trước các cú sốc toàn cầu.
Tỷ giá USD/VND biến động độc lập với DXY
Một điểm đáng chú ý trong báo cáo tháng 4/2025 của Bộ phận Phân tích Kinh tế và Thị trường Tài chính (MA), Ngân hàng Techcombank là mối tương quan giữa tỷ giá USD/VND và chỉ số Dollar Index (DXY) – vốn đã suy yếu.
Trong quý I/2025, DXY giảm gần 4% YTD, nhưng tỷ giá USD/VND gần như đi ngang, cho thấy các yếu tố nội tại đang trở thành “trọng số chính” dẫn dắt biến động tỷ giá.
![]() |
Tỷ giá USD/VND tách nhịp với đà suy yếu của chỉ số DXY từ đầu năm 2025. Nguồn: Cục Thống kê (GSO), Bộ Tài chính (MOF), Bộ phận Phân tích Kinh tế và Thị trường Tài chính (MA), Ngân hàng Techcombank. |
Cụ thể, cán cân thương mại của Việt Nam trong tháng 3 ghi nhận thặng dư 1,7 tỷ USD, với kim ngạch xuất khẩu đạt 38,6 tỷ USD – mức cao nhất trong lịch sử quý I. Trong khi đó, nhập khẩu cũng tăng mạnh lên 36,9 tỷ USD – cho thấy cầu nhập khẩu nguyên vật liệu vẫn cao. Dòng vốn FDI giải ngân giữ ổn định ở mức 2 tỷ USD/tháng, dù FDI đăng ký mới giảm 9,3% YoY. Đây là cơ sở củng cố niềm tin rằng dòng tiền thực vẫn đang giữ vai trò chủ đạo trong ổn định thị trường ngoại hối.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục điều tiết thanh khoản hiệu quả thông qua thị trường mở, giữ lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 1 tuần quanh mức 4,5%, tạo một “mỏ neo kỳ vọng” vững chắc chống lại đầu cơ tỷ giá ngắn hạn.
Hai kịch bản cho tỷ giá: Biến động có kiểm soát
Theo Bộ phận MA – Ngân hàng Techcombank, biến động tỷ giá năm 2025 sẽ xoay quanh hai kịch bản chính. Kịch bản tích cực dự báo tỷ giá USD/VND sẽ tăng 3% vào cuối năm. Biến động chủ yếu đến từ yếu tố mùa vụ – với nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh trong các tháng 3, 5 và 7, khi doanh nghiệp đẩy mạnh nhập nguyên vật liệu.
Dữ liệu lịch sử cho thấy trong 10 năm qua, các tháng này đều ghi nhận mức tăng trưởng nhập khẩu từ 20–43% MoM, đẩy cao nhu cầu ngoại tệ.
![]() |
Chu kỳ mùa vụ rõ nét: Tăng trưởng nhập khẩu tháng 3, 5, 7 luôn vọt mạnh trong suốt hơn một thập kỷ. Nguồn: Bộ phận Phân tích Kinh tế và Thị trường Tài chính (MA), Ngân hàng Techcombank. |
Kịch bản bi quan là khi tình hình thuế quan leo thang, Mỹ áp thuế 46% sau thời gian tạm hoãn 90 ngày. Khi đó, xuất khẩu sẽ giảm, dòng vốn FDI và FII có thể đảo chiều, gây áp lực lớn lên cung ngoại tệ và khiến tỷ giá tăng tới 4,5%. Tuy nhiên, trong cả hai kịch bản, Techcombank nhấn mạnh rằng chính sách tỷ giá và lãi suất của NHNN hiện tại đủ linh hoạt để làm dịu các cú sốc vĩ mô.
Lãi suất – công cụ điều tiết mềm cho ổn định tỷ giá
Lãi suất tiền gửi 6 tháng của nhóm G14 hiện duy trì quanh mức 4,6% – thấp hơn nhiều so với đỉnh 8,1% vào đầu năm 2023. Theo phân tích từ Bộ phận Kinh tế và Thị trường Tài chính, Ngân hàng Techcombank, mặt bằng lãi suất này sẽ được điều chỉnh nhẹ tùy theo diễn biến tỷ giá: trong kịch bản lạc quan, lãi suất có thể nhích lên 4,7%; còn trong kịch bản bi quan sẽ hạ về 4,3% nhằm hỗ trợ tăng trưởng.
![]() Dự báo xu hướng lãi suất tiền gửi 6 tháng của nhóm G14 giai đoạn 2019–2025. Nguồn: Bộ phận Phân tích Kinh tế và Thị trường Tài chính (MA), Ngân hàng Techcombank. |
Trong quý I/2025, tín dụng đã tăng mạnh 3,9% YTD – cao gần gấp 3 lần cùng kỳ 2024 (1,42%), phản ánh nhu cầu tín dụng khởi sắc. Trong khi đó, CPI tháng 3 chỉ tăng 0,3% MoM và lạm phát cơ bản ở mức 2,9% YoY – thấp hơn nhiều so với ngưỡng mục tiêu 4,5%. Những yếu tố này tạo dư địa cho NHNN linh hoạt “neo” kỳ vọng tỷ giá bằng công cụ lãi suất, thay vì can thiệp trực tiếp gây sốc thị trường.
Nền tảng vĩ mô vững chắc: Tâm lý ổn định, tăng trưởng cao
Điều đặc biệt quan trọng, là thị trường không hoảng loạn trước triển vọng tỷ giá tăng. Điều này phản ánh niềm tin vào nền tảng vĩ mô ổn định của Việt Nam – nơi GDP quý I/2025 tăng 6,9%, cao nhất 5 năm; chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng 12% MoM; và PMI vượt ngưỡng 50 điểm (đạt 50,2) cho thấy chuỗi cung ứng và sản xuất đang hồi phục mạnh mẽ.
Dù FDI đăng ký mới giảm, nhưng giải ngân vẫn đều đặn, cho thấy nhà đầu tư quốc tế vẫn duy trì sự tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam. Đáng chú ý, trong khi thị trường quốc tế kỳ vọng Fed giảm 1,1 điểm % trong năm 2025 (từ 4,3% xuống 3,2%), thì tỷ giá USD/VND lại tách khỏi xu hướng USD yếu – cho thấy chính sách nội địa của Việt Nam đủ sức “trung hòa” các cú sốc từ bên ngoài.
Cuối cùng, Techcombank cho rằng Việt Nam không chỉ phòng thủ tốt, mà còn đang ở vị thế chủ động. Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công, duy trì đối thoại thương mại, và giữ vững dự trữ ngoại hối. Trong bối cảnh thuế quan toàn cầu leo thang, sự chủ động của Việt Nam là điều khác biệt so với nhiều nền kinh tế mới nổi khác.
Tỷ giá tăng giờ đây không còn là dấu hiệu bất ổn, mà trở thành “nhiệt kế” phản ánh sức bền của một nền kinh tế đang thích nghi mạnh mẽ với thế giới nhiều biến động.
>> Chuyên gia lý giải: Tỷ giá USD/VND tăng mạnh không phải vì DXY
Tỷ giá USD/VND chịu sức ép trước rủi ro chính sách thuế quan của Mỹ
Chuyên gia Dragon Capital: Mỹ áp thuế 46%, tỷ giá USD/VND vẫn ‘điềm tĩnh’