Tỷ phú Trần Bá Dương quyết hoàn thiện sớm khu đô thị Sala, 'thay da đổi thịt' đất vàng Thủ Thiêm
Ông Trần Bá Dương cho biết, cách đây hơn 10 năm, THACO đã tham gia đầu tư các dự án ở khu đô thị mới Thủ Thiêm như cầu Ba Son, khu đô thị Sala...
Ngày 6/2, ngay sau khi đồ án quy hoạch chung TP. Thủ Đức được công bố, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Trường Hải (THACO) đã chia sẻ tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào TP. Thủ Đức, Tập đoàn THACO cam kết đồng hành tích cực với TP. HCM để sớm hoàn thành các dự án trong khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Theo Chủ tịch Tập đoàn THACO, cách đây hơn 10 năm, doanh nghiệp đã tham gia đầu tư các dự án ở khu đô thị mới Thủ Thiêm như xây dựng các tuyến đường, cầu Ba Son, khu đô thị Sala. Trong đó, khu đô thị Sala là một dự án kiểu mẫu trong khu đô thị mới Thủ Thiêm. Dù vậy, đến nay dự án vẫn chưa hoàn thành theo đúng quy hoạch.
"Một trong 7 định hướng chiến lược giúp đất nước bước vào kỷ nguyên mới là chống lãng phí. Chúng tôi nhận thấy trách nhiệm của mình", ông Trần Bá Dương chia sẻ.
Do đó, doanh nghiệp cam kết đồng hành cùng TP. HCM, TP. Thủ Đức đẩy mạnh xây dựng các dự án thành phần trong khu đô thị Sala và hoàn thành 4 tuyến đường trong khu đô thị mới Thủ Thiêm.
![]() |
Tỷ phú Trần Bá Dương cam kết sớm hoàn thiện khu đô thị Sala ở Thủ Thiêm |
Ông Trần Bá Dương cũng cho biết thêm, bản thân ông đã học đại học và sinh sống ở TP.HCM từ năm 1978, văn phòng của Tập đoàn THACO cũng đặt tại TP. Thủ Đức. "Chúng tôi cam kết đầu tư, đóng góp nhiều hơn nữa về hạ tầng, xây dựng công trình tập trung vào an sinh xã hội và đồng hành đóng góp các chương trình an sinh của TP. Thủ Đức", Chủ tịch Tập đoàn THACO khẳng định.
Trong khi đó, ông Trần Minh Sơn, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Tập đoàn Sun Group, cho biết doanh nghiệp đã đầu tư vào 16 tỉnh, thành phố trên cả nước nhưng chưa có cơ hội đầu tư dự án nào tại TP. HCM.
Với mong muốn đầu tư vào thành phố năng động bậc nhất cả nước, điểm đến đầu tiên của tập đoàn này là TP. Thủ Đức. Vừa qua, Tập đoàn Sun Group phối hợp với TP. Thủ Đức đóng góp ý tưởng về quy hoạch khu đô thị Trường Thọ, khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc và khu công viên lịch sử văn hóa dân tộc.
"Đây là những lĩnh vực thế mạnh của tập đoàn", ông Sơn nói, đồng thời cam kết sẽ tham gia đấu thầu các dự án phù hợp, triển khai với quy mô lớn nhất, trong thời gian nhanh nhất với phương châm làm đẹp các vùng đất.
Đại diện cho nhóm doanh nghiệp nhà nước, ông Phan Hồng Thái, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP. HCM (Citenco) cho biết, theo quy hoạch mới, TP. Thủ Đức sẽ có hai nhà máy đốt rác thu hồi năng lượng. Cụ thể, nhà máy tại phường Long Bình có diện tích 6,5ha, còn nhà máy tại phường Linh Xuân có diện tích 5,2ha, với công suất mỗi nhà máy đạt 1.000 tấn/ngày.
Ông Thái nhận định nếu đầu tư được hai nhà máy này sẽ đảm bảo an ninh chất thải và xử lý rác cho TP. Thủ Đức và TP. HCM. Khi đó, lượng rác thải sẽ không phải chuyển qua các khu vực khác như Bình Chánh, Củ Chi để xử lý.
Lãnh đạo Citenco đề nghị TP. Thủ Đức sớm làm rõ tiêu chí, điều kiện và công bố minh bạch. Nếu công ty thấy phù hợp với năng lực và kinh nghiệm của mình, sẽ xin UBND TP. HCM tham gia đấu thầu.
Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Bùi Xuân Cường đồng tình với các nhà đầu tư, cho rằng điều quan trọng nhất là thực hiện quy hoạch và các bước triển khai cụ thể.
Ông Bùi Xuân Cường đánh giá rằng với các thẩm quyền được giao như điều chỉnh quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết 1/500 (trừ Khu Công nghệ cao và khu chế xuất, công nghiệp), chấp thuận chủ trương đầu tư dự án sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách, TP. Thủ Đức sẽ rất chủ động trong việc triển khai quy hoạch.
Ông Cường cũng đề nghị sớm cụ thể hóa đồ án quy hoạch chung bằng các quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết.
Lãnh đạo TP. HCM cũng đề nghị TP. Thủ Đức tiếp tục tìm kiếm ý tưởng mới để tối ưu hóa nguồn lực đất đai.