Vĩ mô

UBND tỉnh có quyết định thu hồi, khách sạn Bcons Bình Dương vẫn tồn tại trên đất công?

Khắc Thành 04/10/2023 - 15:25

Dù Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi và UBND tỉnh Bình Dương đã có quyết định thu hồi từ tháng 4/2021, nhưng không hiểu vì sao tổ hợp khách sạn Bcons Bình Dương đến nay vẫn tồn tại và hoạt động tại trụ sở cũ của Nhà khách Tỉnh ủy Bình Dương.

1f37cb59248ff0d1a99e-6934.jpg

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Kết luận số 785/KL-TTCP về nhiều lĩnh vực trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Kết quả thanh tra chỉ ra trong giai đoạn 2011 – 2019, Bình Dương đã để xảy ra nhiều sai phạm, đặc biệt là các sai phạm về công tác quản lý và sử dụng đất, trong đó có nhiều quỹ đất công bị chiếm dụng, sử dụng trái phép hoặc cho thuê không thông qua đấu giá, để xảy ra sai phạm trong quá trình đấu giá đất công.

Vì sao tổ hợp khách sạn Bcons vẫn tồn tại trên đất công?

Theo Thanh tra Chính phủ, việc quản lý, sử dụng một số cơ sở nhà đất dôi dư chưa đúng quy định, điển hình là UBND tỉnh Bình Dương thu hồi các cơ sở nhà đất của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Nhà khách Tỉnh ủy và Văn phòng Tỉnh ủy. Sau đó, cho Công ty TNHH MTV Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương thuê đất để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ mà không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, trái với quy định tại Điều 118 Luật Đất đai 2013, đồng thời vi phạm quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công (tài sản công đã được Nhà nước thu hồi do đã được bố trí trụ sử mới, phải thực hiện bán đấu giá theo quy định).

Tuy nhiên, trong quá trình Đoàn thanh tra đang thanh tra trực tiếp tại Bình Dương, ngày 15/4/2021, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 970/QĐ-UBND, thu hồi 4 cơ sở nhà đất nêu trên và quản lý theo quy định.

Trong Kết luận 785, Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị UBND tỉnh Bình Dương chấm dứt ngay việc giao đất, cho thuê đất công, đất sạch do Nhà nước quản lý không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất. Chỉ đạo cơ quan chức năng khẩn trương xây dựng và trình duyệt phương án quản lý, sử dụng và khai thác có hiệu quả 4 cơ sở nhà, đất đã thu hồi.

Theo ghi nhận của phóng viên, trụ sở cũ của Nhà khách Tỉnh ủy Bình Dương (50 đường Bạch Đằng, phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một) được chuyển giao cho Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương từ giữa năm 2016. Đến tháng 8/2017, doanh nghiệp này đã ký hợp đồng cho Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Bcons (Bcons) thuê lại.

UBND tỉnh có quyết định thu hồi, khách sạn Bcons Bình Dương vẫn tồn tại trên đất công? ảnh 1
Nhiều tài sản công bỏ hoang tại tỉnh Bình Dương nhiều năm nay sau khi nhiều cơ quan chuyển trụ sở vào Trung tâm Hành chính Bình Dương.

Công ty Bcons sau đó đã biến Nhà khách Tỉnh ủy Bình Dương thành tổ hợp khách sạn 3 sao Bcons Bình Dương với 70 phòng nghỉ, đi kèm với hệ thống quán cà phê, phòng họp, nhà hàng, quầy bar, bể bơi, spa và phòng gym. Được biết, giá phòng hiện nay tại khách sạn Bcons Bình Dương là 750.000 đồng – 1,25 triệu đồng/đêm. Ngoài ra, những mặt bằng còn trống, Công ty Bcons còn cho các doanh nghiệp, cá nhân khác thuê lại để kinh doanh.

Hoạt động cho thuê tại Nhà khách Tỉnh ủy Bình Dương được Thanh tra Chính phủ kết luận có sai phạm vì cho thuê đất công không thông qua đấu giá và kiến nghị UBND tỉnh Bình Dương chấm dứt ngay tình trạng này. UBND tỉnh Bình Dương cũng đã có Quyết định 970/QĐ-UBND vào tháng 4/2021, thu hồi 4 cơ sở nhà đất của Tỉnh ủy Bình Dương, trong đó có Nhà khách Tỉnh ủy. Tuy nhiên, không rõ vì lý do gì, đến thời điểm hiện tại, tổ hợp khách sạn Bcons Bình Dương vẫn chưa bị thu hồi và vẫn hoạt động kinh doanh tấp nập.

Được biết, Công ty Bcons được thành lập từ năm 2013, thời gian đầu chủ yếu thiết kế và thi công dự án cho các chủ đầu tư khác, gần đây mới lấn sân sang bất động sản và nhanh chóng nổi lên là một trong những doanh nghiệp bất động sản hàng đầu tại Bình Dương với hàng loạt dự án bất động sản, văn phòng, khách sạn tại địa phương này. Trong 5 năm trở lại đây, Bcons cùng hệ thống các doanh nghiệp thành viên đã và đang triển khai 10 dự án chung cư mang thương hiệu Bcons trên địa bàn TP.Dĩ An (tỉnh Bình Dương).

Kiến nghị thu hồi 4 nhà, đất công đấu giá trái luật

Trong thời kỳ 2011 – 2019, UBND tỉnh Bình Dương cũng giao Sở Tài chính tổ chức bán đấu giá 4 tài sản Nhà nước gồm: Trụ sở cũ Sở Công thương (đường Đại lộ Bình Dương, phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một), diện tích hơn 4.133 m2; Trụ sở cũ của Sở Giao thông Vận tải (đường Cách Mạng Tháng Tám, phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một), diện tích hơn 5.725 m2; Trụ sở cũ Hội Chữ thập đỏ tỉnh (số 182 Lý Thường Kiệt, phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một), diện tích 1.677 m2; Trụ sở cũ Hội Cựu chiến binh tỉnh (số 100 đường Ngô Quyền, TP.Thủ Dầu Một), diện tích 218 m2).

Căn cứ vào các chứng thư thẩm định giá cùng với các buổi họp với các Sở, ngành liên quan, Sở Tài chính tỉnh Bình Dương đã tham mưu UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt giá bán khởi điểm lần 1 cho 4 tài sản này hơn 273 tỷ đồng. Ngày 24/3/2016, Sở Tài chính ký hợp đồng với Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Bình Dương thuộc Sở Tư pháp để tổ chức bán đấu giá các tài sản nói trên.

Do việc bán đấu giá lần 1, lần 2 không thành công do không có người mua, UBND tỉnh Bình Dương đã 2 làn điều chỉnh giá khởi điểm. Cụ thể, giá khởi điểm lần 2 hơn 265 tỷ đồng, giảm 3% so với giá khởi điểm lần 1 và giá khởi điểm lần 3 hơn 257 tỷ đồng, giảm 3% so với giá khởi điểm lần 2. Sau 3 lần đấu giá không thành, ngày 13/12/2016, Sở Tài chính đã có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Dương đề nghị tạm dừng việc đấu giá.

Sau đó 1 tuần, bà Võ Thị Ánh Tuyết (ngụ TP.Thuận An, Bình Dương) có đơn gửi Sở Tài chính Bình Dương xin mua đấu giá 4 cơ sở nhà, đất trên. Sở Tài chính sau đó không tổ chức xác định lại giá khởi điểm và có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bình Dương tiếp tục bán đấu giá lần 4 bằng giá khởi điểm lần 3.

Ngày 28/2/2017, UBND tỉnh Bình Dương có văn bản về việc thống nhất xét đề nghị của Sở Tài chính về việc bán trụ sở sau khi di dời và thống nhất phê duyệt cho bà Võ Thị Ánh Tuyết là người duy nhất tham gia đấu giá. Như vậy, sau 3 lần đấu giá không thành công, bà Tuyết là người duy nhất được mua 4 tài sản trên với giá 257 tỷ đồng, bằng giá khởi điểm lần 3.

Theo Thanh tra Chính phủ, việc Sở Tài chính đề xuất UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt giá khởi điểm bằng cách giảm 3% so với giá khởi điểm trước đó, đồng thời lấy giá khởi điểm lần 3 để đấu giá lần 4 là vi phạm Điều 11 Thông tư 137/2010/TT-BTC ngày 15/9/2010 của Bộ Tài chính. Mặt khác, tại thời điểm UBND tỉnh Bình Dương cho phép lấy giá khởi điểm lần 3 để đấu giá lần 4, các Chưng thư thẩm định giá của các đơn vị tư vấn thẩm định giá đối với 4 tài sản công đã hết thời hạn hiệu lực theo quy định.

Như vậy, việc Sở Tài chính không tổ chức xác định lại giá khởi điểm trình UBND tỉnh phê duyệt lại để làm căn cứ bán đấu giá qua các lần tổ chức đấu giá là vi phạm pháp luật về đấu giá tài sản và pháp luật về thẩm định giá, cần phải được xem xét, xử lý theo quy định. Thanh tra Chính phủ kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương xem xét hủy kết quả đấu giá 4 tìa sản công này (nếu đủ điều kiện) và xử lý theo đúng quy định, tránh thất thoát ngân sách Nhà nước.

UBND tỉnh có quyết định thu hồi, khách sạn Bcons Bình Dương vẫn tồn tại trên đất công? ảnh 2
Trụ sở cũ Sở Công thương Bình Dương liên quan đến sai phạm trong đấu thầu hiện nay là chi nhánh của ngân hàng Vietcombank.

Nhiều quỹ đất, nhà đất công bị chiếm dụng trái phép

Toàn tỉnh Bình Dương hiện nay có 8.771 thửa đất công với tổng diện tích hơn 2.885 ha. Theo Thanh tra Chính phủ, một số thửa đất công bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích, gây lãnh phí tài sản của Nhà nước.

Cụ thể, thửa đất số 105, tờ bản đồ số 40-2 có diện tích hơn 6.410 m2 tại phường Phú Hòa (TP.Thủ Dầu Một) thuộc quản lý của TP.Thủ Dầu Một hiện nay đang cho thuê làm bãi đỗ xe. Tại TP.Dĩ An, thửa đất hơn 225 m2 trên đường Nguyễn An Ninh (phường Dĩ An) được bồi thường giải tỏa từ năm 2002 nhưng hiện đang bị 6 hộ dân lấn chiếm làm ki ốt kinh doanh; Khu đất 30.613 m2 tại phường An Bình, được UBND tỉnh giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.Dĩ An quản lý bị một số hộ dân lấn chiếm, sử dụng trái phép.

Một phần khu đất diện tích 1.761 m2 thuộc trường THPT Dầu Tiếng (huyện Dầu Tiếng) vào năm 1992 được Ban Giám hiệu cho 7 hộ gia đình giáo viên của trường mượn làm nhà ở, đến nay chưa thu hồi được. Tại TX.Tân Uyên có một khu đất diện tích 4.299 m2 bị một số hộ dân sử dụng làm sân bóng tự phát.

Tại huyện Bàu Bàng, khu đất di tích ấp chiến lược kiểu mẫu Bến Tượng, diện tích 1.772 m2 và khu đất Lô cốt, diện tích 1.193 m2 bị 2 hộ dân lấn chiếm trồng cây lâu năm, dù UBND huyện đã thanh tra, chỉ đạo UBND xã thu hồi nhưng đến nay vẫn chưa thu hồi được. Cá biệt, khu đất Trường Thanh thiếu niên 3, diện tích hơn 87 ha tại xã Trừ Văn Thố, dù là đất công nhưng đã được Ban Giám hiệu trường phân chia đất cho các học viên và sang nhượng đất cho nhiều người, hiện do 41 hộ gia đình, cá nhân sử dụng trái phép với tổng diện tích gần 85 ha.

Cháy lớn tại trụ sở UBND tỉnh Bình Phước

Thủ tướng phê chuẩn Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình

Theo ngaynay.vn
https://ngaynay.vn/ubnd-tinh-co-quyet-dinh-thu-hoi-khach-san-bcons-binh-duong-van-ton-tai-tren-dat-cong-post139014.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    UBND tỉnh có quyết định thu hồi, khách sạn Bcons Bình Dương vẫn tồn tại trên đất công?
    POWERED BY ONECMS & INTECH