Chuyên gia khuyên các doanh nghiệp, hiệp hội và người nông dân cần thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh để từng bước thích nghi với yêu cầu mới của thị trường.
Lạng Sơn còn ùn tắc khoảng 2.900 xe
Những ngày qua, câu chuyện ùn tắc nông sản tại cửa khẩu phía Bắc trở thành vấn đề nóng. Trong bối cảnh hiện tại và tương lai, nhiều chuyên gia, nhà quản lý cho rằng các doanh nghiệp, hiệp hội và người nông dân cần thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh để từng bước thích nghi với yêu cầu mới của thị trường. Đặc biệt là chú trọng nhiều hơn đến thị trường tiêu thụ nội địa.
Bà Đinh Thị Thu - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lạng Sơn cho biết, lượng xuất khẩu tại các cửa khẩu của tỉnh hiện nay chỉ vào khoảng 100 xe/ngày/cửa khẩu, và đa số là sản phẩm khô chứ rất ít hoa quả tươi. Đến nay, tổng lượng xe ùn tắc tại tỉnh Lạng Sơn vào khoảng 2.900, đang giảm dần. Một trong những nguyên nhân chính là do nhiều xe quay đầu về tiêu thụ nội địa.
Theo bà Đinh Thị Thu, trong thời gian tới việc xuất khẩu nông sản dự kiến gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là 2 dịp nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nhâm Dần 2022 đang đến gần. Phía Trung Quốc sẽ tạm dừng nhập khẩu hàng hóa trên container lạnh trong 28 ngày của dịp Tết Nhâm Dần, trong đó 14 ngày trước Tết và 14 ngày sau Tết…
Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lào Cai Hoàng Chí Hiền cho biết, tỉnh không còn tồn đọng xe hàng nào tại các cửa khẩu. Tuy nhiên ở phía Trung Quốc còn tồn 1.700 xe. Các doanh nghiệp cho biết đó là rau củ quả, hàng tiêu dùng. Theo Sở Công Thương tỉnh Lào Cai, trước dịch Covid-19, trung bình 600 - 800 xe thông quan mỗi ngày qua các cửa khẩu của tỉnh, trong đó 80% là xe từ Trung Quốc sang.
“Tỷ lệ phía Trung Quốc là chủ hàng chiếm 60%. Doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu thực hiện khai báo, do đó không bị ách tắc. Tỉnh Lào Cai đã chủ động giảm phí hạ tầng, bố trí điều kiện cho lái xe trong lúc chờ giao nhận hàng. Thời gian qua chỉ ách tắc cục bộ ngắn ngày…” - ông Hoàng Chí Hiền cho hay.
Khai thác thị trường nội địa
Trước tình trạng ùn tắc nông sản ở cửa khẩu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lạng Sơn Đinh Thị Thu kiến nghị các đơn vị cấp trên cần tổ chức thêm những cuộc hội đàm cấp cao để thông quan nốt 2.900 xe đang còn ùn tắc trước Tết Nguyên đán 2022. Ngoài ra, bà Đinh Thị Thu cũng đề xuất đàm phán với Trung Quốc để tăng thời gian làm việc tại các cửa khẩu vẫn còn hoạt động, từ 4 giờ, 8 giờ lên 12 giờ mỗi ngày để nâng cao năng lực thông quan.
Đại diện ngành nông nghiệp và PTNT tỉnh Lạng Sơn cũng đề nghị các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng có phương án đẩy mạnh chế biến; đặc biệt là thúc đẩy tiêu thụ nông sản nội địa trong tình hình xuất khẩu đang gặp khó khăn hiện nay.
Đồng quan điểm với đại diện tỉnh Lạng Sơn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đề nghị các đơn vị xuất khẩu cần lưu ý thông tin cửa khẩu và quan tâm hơn đến vấn đề tiêu thụ nội địa, vì sắp bước vào kỳ nghỉ Tết kéo dài. Bên cạnh đó, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng lưu ý các doanh nghiệp, hiệp hội xuất khẩu cần tìm hiểu, đẩy mạnh chế biến và xuất khẩu đi các thị trường khác. Với các đơn vị chế biến trong nước, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị kết nối thông tin với các vùng nguyên liệu để hỗ trợ tiêu thụ trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng bày tỏ vui mừng khi thấy nhiều doanh nghiệp lên tiếng sẵn sàng chế biến, thu mua xe nông sản quay đầu về từ biên giới. “Qua đây, chúng ta cần nhìn nhận rõ vấn đề là tiềm năng của thị trường nội địa rất lớn. Chúng ta cần tích cực thay đổi tư duy, Chính phủ cũng đã có chủ trương đa thị trường, đa lợi ích. Các hiệp hội, doanh nghiệp, địa phương cần tăng cường kết nối để tiêu thụ. Đây là trách nhiệm chung của chúng ta. Bộ NN&PTNT sẽ làm hết mình với vai trò kết nối” - Thứ trưởng Trần Thanh Nam chia sẻ.
Tăng cường năng lực chế biến
Theo Phó Cục trưởng Cục Chế biến & Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Lê Thanh Hoà, hiện nhiều nông sản vào vụ, có nhu cầu tiêu thụ lớn. Ngoài ra, các chính sách giám sát Covid-19 của Trung Quốc ngày càng tăng cường, duy trì chế độ “Zero Covid”, trong khi Việt Nam lại chủ trương sống chung với đại dịch.
Những vấn đề ở biên giới đặt ra yêu cầu về việc chế biến nông lâm thủy sản của Việt Nam phải thay đổi, nhất là khi Tết Nguyên đán 2022 đang đến gần. Một số mặt hàng như thủy sản, rau quả bảo quản lạnh sẽ được Trung Quốc giám sát chặt chẽ. Theo ông Lê Thanh Hòa, đây là một trong những nguyên nhân chính khiến năng lực thông quan tại cửa khẩu giảm khoảng một nửa thời gian qua.
“Từ ngày 1/1/2022, Trung Quốc áp dụng Lệnh 248, Lệnh 249, chủ trương quản lý chặt kinh tế biên mậu, và thúc đẩy việc xuất nhập khẩu chính ngạch. Đây là vấn đề mà các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng Việt Nam cần lưu ý, tiến tới cải tiến, nâng cao quy trình sản xuất để đảm bảo chất lượng sản phẩm, đảm bảo khả năng có thể tham gia vào các chuỗi siêu thị lớn của Trung Quốc...” – Phó Cục trưởng Cục Chế biến & Phát triển thị trường nông sản bày tỏ quan điểm.
Đại diện một số địa phương cũng kiến nghị các bộ ngành cần sớm ban hành cơ chế chính sách, hoặc gói hỗ trợ đặc biệt cho ngành chế biến sâu. Các địa phương cũng cần chủ động phát triển lĩnh vực chế biến. Đơn cử như tại Lào Cai, vừa qua tỉnh này đã mời gọi được một nhà đầu tư chế biến dứa, có thời điểm không đủ hàng, phải vào tận Thanh Hóa tìm nguồn hàng. Hiện một số địa phương cũng đang rà soát, nghiên cứu xây dựng cửa khẩu xanh, vùng đệm an toàn. Đây là vấn đề mà phía Trung Quốc đã làm, và sắp tới còn siết chặt hơn đối với xuất khẩu nông sản.
Các hiệp hội, doanh nghiệp, địa phương cần tăng cường kết nối để tiêu thụ nông sản. Đây là trách nhiệm chung. Bộ NN&PTNT sẽ làm hết mình với vai trò kết nối.
Lãnh đạo ngành nông nghiệp đã làm việc thường xuyên với Tổng cục Hải quan Trung Quốc, đồng thời thống nhất từ năm 2022 sẽ tổ chức họp 6 tháng một lần. Phía bạn rất tạo điều kiện cho việc thông quan nông sản của Việt Nam...
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thành Nam
‘Hạt tỷ đô’ của Việt Nam lập kỷ lục mới, khiến Mỹ, Trung Quốc, EU mê mẩn 
Thủ tướng: Nông nghiệp phải tăng tốc và bứt phá, phấn đấu xuất khẩu 70 tỷ USD