Ứng dụng AI vào doanh nghiệp, không thể '3 tháng đã đòi kết quả’
Chỉ trong vài năm gần đây, AI mới thực sự bùng nổ nhờ sự xuất hiện của AI tạo sinh (AI thế hệ 2.0).
Ngày 25/7, tại hội thảo “Giải pháp AI dành cho doanh nghiệp” diễn ra tại Hà Nội, Thạc sĩ Vũ Thanh Hải, nguyên Trưởng Ban ứng dụng AI Tập đoàn Viettel đã chia sẻ nhiều nội dung thực tiễn về AI.
Cụ thể, ông cho biết AI đã xuất hiện từ lâu dưới các mô hình học máy truyền thống (AI thế hệ 1.0) chẳng hạn như nhận diện khuôn mặt, phát hiện bất thường,... Tuy nhiên, chỉ vài năm trở lại đây, AI mới thực sự bùng nổ nhờ sự xuất hiện của AI tạo sinh (AI thế hệ 2.0) với khả năng tạo ra nhiều nội dung mới như văn bản, hình ảnh, video và được ứng dụng vào nhiều hoạt động chuyên sâu như lập trình, giải bài tập,...
Dù có tiềm năng vô cùng lớn trong việc giúp doanh nghiệp chạm tới sự tăng trưởng vượt bậc, tuy nhiên, theo ông Hải, ứng dụng AI để chuyển đổi hoạt động kinh doanh vẫn là một điều khó khăn. Bởi lẽ, các doanh nghiệp sẽ đồng thời phải thực hiện hai nhiệm vụ bao gồm áp dụng tốt AI thế hệ 1.0 và nắm bắt những cơ hội mới từ AI tạo sinh (AI thế hệ 2.0).
Ảnh minh họa |
Để có thể nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp, việc ứng dụng AI cần diễn ra trong thời gian dài, đồng thời liên tục đào tạo để AI trở nên thông minh hơn. Do đó, lãnh đạo phải là người có tầm nhìn xa.
“Nếu đòi hỏi ứng dụng AI mà 3 tháng sau phải có kết quả, phải tăng thêm doanh thu là điều rất khó. Thế nhưng trí tuệ nhân tạo chắc chắn sẽ tạo ra những tiềm năng khác chẳng hạn như nâng cao trải nghiệm của khách hàng, từ đó có nhiều dữ liệu hơn cho doanh nghiệp”, ông Hải nhận định.
Cũng chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Kim Cương, Tổng Giám đốc Công ty Giải pháp công nghệ CGS - thành viên của IMIP GROUP nhấn mạnh: “Đưa AI vào doanh nghiệp là phải đi từng bước. Các doanh nghiệp phải tìm cách dần biến một mô hình chung thành một mô hình dữ liệu riêng mang lại giá trị thực chất cho doanh nghiệp”.
Khảo sát Chuyển đổi Kỹ thuật số BDO nhấn mạnh tự động hóa sẽ cho phép lực lượng lao động tập trung vào công việc chiến lược. Tuy nhiên, việc áp dụng rộng rãi các công nghệ AI sẽ đòi hỏi nỗ lực thích ứng từ phía lực lượng lao động để sử dụng hiệu quả các công cụ tiên tiến này.
PwC ước tính tới năm 2030, AI dự kiến sẽ đóng góp 15,7 nghìn tỷ USD vào nền kinh tế toàn cầu. Điều này cho thấy việc nắm bắt và ứng dụng hiệu quả trí tuệ nhân tạo sẽ cho phép các doanh nghiệp đạt những bước tăng trưởng mới.
>>Tập đoàn CMC ra mắt AI University, từ đại học số đến đại học AI