Ưu tiên xếp 'lương nhà giáo cao nhất hệ thống thang bậc lương', có thêm phụ cấp
Đây là yêu cầu của Bộ Chính trị tại Kết luận 91-KL/TW tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.
Theo đó, Bộ Chính trị  yêu cầu phát triển, nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; bảo đảm đủ số lượng giáo viên theo định mức quy định.
Nghiên cứu cơ chế, chính sách điều động, luân chuyển giáo viên giữa các địa phương để giải quyết căn bản tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và nâng cao chất lượng giáo dục cho các vùng khó khăn...
Đổi mới quản lý Nhà nước  đối với nhà giáo một cách đồng bộ, gắn với quản lý chuyên môn và chất lượng. Đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách phát hiện, tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng, đãi ngộ và trọng dụng nhân tài làm việc trong ngành giáo dục.
Kết luận của Bộ Chính trị nhấn mạnh: "Thực hiện chủ trương lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng. Phát huy dân chủ, tôn trọng tự do sáng tạo, chuyên môn học thuật, đề cao đạo đức, trách nhiệm của nhà giáo".
Ngoài ra, Bộ Chính trị cũng yêu cầu tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, bảo đảm đủ điều kiện cơ sở vật chất và nguồn lực tài chính cho phát triển giáo dục và đào tạo; bảo đảm Ngân sách Nhà nước  cho giáo dục và đào tạo tối thiểu 20% tổng chi Ngân sách Nhà nước như Nghị quyết số 29-NQ/TW đã đề ra; đồng thời, kịp thời điều chỉnh tổng mức chi Ngân sách Nhà nước cho giáo dục và đào tạo phù hợp với tăng trưởng của nền kinh tế.
Nhà nước bảo đảm kinh phí cho giáo dục bắt buộc, giáo dục phổ cập, miễn học phí cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi và thực hiện các nhiệm vụ trọng điểm trong lĩnh vực giáo dục; ưu tiên đầu tư cho giáo dục, đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo...
Hoàn thiện cơ chế, chính sách đầu tư cho giáo dục  và đào tạo trên tinh thần Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, huy động sự tham gia hiệu quả của toàn xã hội vào sự nghiệp giáo dục và đào tạo; nghiên cứu cơ chế phân bố nguồn lực, chuyển từ hỗ trợ theo cơ chế cấp phát bình quân sang cơ chế Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ giáo dục theo kết quả đầu ra.
Bộ Chính trị còn đặt ra nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, bảo đảm cạnh tranh công bằng, minh bạch; có cơ chế, chính sách mạnh mẽ thúc đẩy, khuyến khích phát triển giáo dục ngoài công lập, nhất là các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng nhằm huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo; tháo gỡ những vướng mắc trong cơ chế tự chủ tài chính đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập.
Hoàn thiện chính sách hỗ trợ người học từ Ngân sách Nhà nước thông qua cấp học bổng hoặc hỗ trợ miễn giảm học phí đối với các ngành, nghề cần ưu tiên phát triển ở các trình độ đào tạo, mở rộng đối tượng và nâng mức ưu đãi cho vay tín dụng.
>> Bảng lương mới nhất, chi tiết mức tăng lương của giáo viên Việt Nam kể từ ngày 1/7