Văn hoá '996' làm việc đến kiệt sức bắt đầu lung lay, các công ty Trung Quốc bắt đầu 'đuổi' nhân viên về nhà trước 21h
Văn hóa 996 là cách gọi phổ biến tại Trung Quốc để chỉ mô hình làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày một tuần – tức 72 giờ mỗi tuần.
Từng là biểu tượng của tinh thần làm việc cực đoan, văn hóa "996" tại Trung Quốc đang dần bị thách thức bởi làn sóng mới: tan làm đúng giờ và cấm họp sau giờ hành chính. Một số tập đoàn lớn như Midea, DJI, Haier đang âm thầm áp dụng những quy định mới, phản ánh sự dịch chuyển đáng chú ý trong môi trường lao động nước này.
Những tín hiệu thay đổi đầu tiên
Văn hóa 996 là cách gọi phổ biến tại Trung Quốc để chỉ mô hình làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày một tuần – tức 72 giờ mỗi tuần. Cụm từ này xuất hiện phổ biến từ khoảng cuối những năm 2010, đặc biệt trong ngành công nghệ Trung Quốc. Nhiều công ty công nghệ lớn như Alibaba, Huawei hay ByteDance từng bị cho là vận hành theo mô hình 996, coi đây là một phần văn hóa công ty, thậm chí là "tinh thần cống hiến".
![]() |
Bức ảnh chụp lúc đêm khuya bên ngoài trụ sở làm việc của các tập đoàn công nghệ lớn |
Midea – một trong những nhà sản xuất thiết bị gia dụng hàng đầu Trung Quốc – đã ra quy định buộc nhân viên tan ca lúc 18h20, đồng thời cấm tổ chức họp sau giờ làm việc. Trên tài khoản WeChat chính thức, tập đoàn này đăng tải hình ảnh nhân viên thư giãn nghe nhạc với chú thích: “Tan làm rồi, cuộc sống thực sự mới bắt đầu” – một thông điệp táo bạo tại đất nước vốn coi việc làm ngoài giờ là tiêu chuẩn bất thành văn.
>> Mỹ 'chốt đơn' 5 tỷ USD máy móc, Việt Nam vươn lên Top 2 ASEAN
Không riêng Midea, Haier – một ông lớn khác trong ngành điện gia dụng – cũng đã triển khai tuần làm việc 5 ngày, động thái được nhân viên chia sẻ rộng rãi với tâm trạng phấn khởi. Trong khi đó, tại DJI – hãng sản xuất drone lớn nhất thế giới – người lao động hào hứng khi được yêu cầu rời văn phòng trước 21h.
“Mình không còn lo trễ chuyến tàu điện cuối cùng, không còn sợ làm vợ thức giấc khi về nhà nữa”, một nhân viên DJI từng thường xuyên làm việc đến nửa đêm chia sẻ.
Không chỉ giới doanh nghiệp, chính phủ Trung Quốc cũng bắt đầu thể hiện quyết tâm siết chặt thời gian làm việc. Trong một vụ việc hiếm hoi vào tháng 3, một hãng luật ở Bắc Kinh đã bị xử phạt vì kéo dài giờ làm trái phép mà không có biện pháp khắc phục. Án phạt này ngay lập tức được cộng đồng mạng hoan nghênh.
Theo China Daily, trong kế hoạch hành động công bố hồi tháng 3, Quốc vụ viện Trung Quốc nhấn mạnh cần đảm bảo quyền nghỉ ngơi và nghỉ phép có lương của người lao động. Truyền thông nhà nước cũng liên tục đăng tải các bài viết ủng hộ thay đổi này. Động thái này được cho là phù hợp với chiến lược chuyển đổi mô hình kinh tế, từ phụ thuộc vào xuất khẩu sang thúc đẩy tiêu dùng nội địa, đặc biệt sau các biện pháp siết thuế từ chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Dù các tín hiệu tích cực đã xuất hiện, giới chuyên gia vẫn tỏ ra dè dặt. Nhiều ý kiến cho rằng động thái thay đổi tại các doanh nghiệp lớn phần nào đến từ áp lực quốc tế, thay vì thực sự xuất phát từ nhu cầu cải thiện môi trường lao động.
Cụ thể, tháng 12 năm ngoái, Liên minh châu Âu (EU) ban hành quy định cấm nhập khẩu các sản phẩm liên quan đến lao động cưỡng bức, trong đó bao gồm cả tình trạng làm việc quá giờ. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc buộc phải thay đổi để duy trì thị trường.
“Các công ty lo ngại sẽ mất đơn hàng nếu vi phạm quy định mới”, ông Liu Xingliang – một chuyên gia phân tích ngành tại Bắc Kinh – nhận định. Ông cho biết các doanh nghiệp sản xuất bị ảnh hưởng rõ rệt hơn, trong khi lĩnh vực phần mềm và Internet vẫn ít thay đổi.
Ngay trong nội bộ doanh nghiệp, nhiều nhân viên cũng bày tỏ nghi ngờ về tính bền vững của các quy định mới, khi áp lực công việc vẫn còn nguyên. Một số chia sẻ vẫn phải “trực 24/24”, thậm chí bị gọi họp khi đang nghỉ phép.
Trên thực tế, mặc dù Tòa án Tối cao Trung Quốc đã tuyên bố mô hình "996" là bất hợp pháp từ năm 2021, nhưng tình trạng làm việc quá giờ vẫn phổ biến – đặc biệt trong ngành công nghệ và tài chính. Thậm chí, một thuật ngữ mới còn cực đoan hơn đã xuất hiện – “007”, ám chỉ việc luôn sẵn sàng làm việc 24 giờ mỗi ngày, 7 ngày mỗi tuần.
Người lao động Trung Quốc vẫn làm việc nhiều hơn mức trung bình toàn cầu
![]() |
Chuyên gia kinh tế Trung Quốc cho rằng các chính sách khuyến khích nghỉ ngơi và tiêu dùng của chính phủ là cần thiết, nhưng chưa đủ |
Theo dữ liệu mới nhất từ Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), người lao động Trung Quốc trung bình làm việc 46,1 giờ mỗi tuần, cao hơn đáng kể so với Mỹ (38 giờ), Hàn Quốc (38,6 giờ) và Nhật Bản (36,6 giờ). Số liệu trong nước thậm chí còn cao hơn, với mức 49,1 giờ vào tháng 1/2024 – tăng mạnh so với năm 2022.
Các phong trào chống lại văn hóa làm việc quá độ từng xuất hiện rải rác những năm gần đây. Năm 2019 và 2021, cộng đồng công nghệ Trung Quốc từng phát động chiến dịch phản đối mô hình “996” trên mạng xã hội. Năm ngoái, một lãnh đạo truyền thông tại Baidu buộc phải công khai xin lỗi sau khi yêu cầu nhân viên bật điện thoại 24/7 để sẵn sàng trả lời công việc. Một số "ông lớn" công nghệ như Tencent cũng đã giảm bớt thời gian làm thêm tại một số bộ phận, tuy nhiên công ty từ chối bình luận với truyền thông.
Theo bà Shujin Chen, chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại Jefferies, các chính sách khuyến khích nghỉ ngơi và tiêu dùng của chính phủ là cần thiết, nhưng chưa đủ. Bà nhận định:
“Chính phủ muốn người dân thư giãn nhiều hơn, nghỉ phép nhiều hơn và tiêu dùng nhiều hơn. Nhưng nếu thu nhập bấp bênh và công việc không ổn định, rất khó để làm được điều đó”.
Việc thay đổi một văn hóa làm việc đã ăn sâu trong hàng thập kỷ không phải là điều có thể diễn ra trong một sớm một chiều. Dẫu vậy, việc nhiều doanh nghiệp bắt đầu “đuổi nhân viên về đúng giờ” cũng là bước đầu cho thấy sự dịch chuyển – dù chậm, nhưng đã bắt đầu.