Vàng mã Song Hồ, bưởi Diễn, đào Đình Bảng: Hương vị Tết qua lăng kính các làng nghề
Tết Nguyên Đán 2025 đang đến gần, ở khắp các làng nghề trên dải đất hình chữ S, không khí Tết đã ngự trị, rộn ràng hơn bao giờ hết.
Những ngày cuối tháng 11 Âm Lịch, khi gió xuân bắt đầu se lạnh, lướt qua từng ngõ phố, người ta có thể cảm nhận rõ rệt rằng mùa Xuân đang đến gần. Tiết trời trong lành, tươi mới ấy như đang gõ cửa từng gia đình, mang theo hương vị của Tết. Tại các làng nghề trên dải đất hình chữ S, không khí ấy lại càng thêm rõ nét hơn.
Tết Nguyên Đán không chỉ là dịp để sum vầy, mà còn là thời khắc để những làng nghề kể lại câu chuyện văn hóa dân tộc qua từng sản phẩm. Có dịp ghé thăm các làng nghề vào dịp cận Tết Nguyên đán 2025, chúng tôi mới thấy rõ không khí Tết còn hiện diện cả trong từng nhịp sống, nụ cười lao động. Đó cũng là lý do mà khi cầm trên tay trái bưởi vàng, chiếc mũ ông Công ông Táo, hay cành đào chớm nở, người ta không chỉ cảm nhận được sắc xuân mà còn thấu hiểu sâu sắc “hồn Việt” trong từng sản phẩm.
Cam Canh, bưởi Diễn từ lâu đã trở thành những tinh hoa đặc sản, biểu tượng của hoa trái đất Hà thành và là một phần không thể thiếu trong mâm ngũ quả truyền thống của người Việt mỗi dịp Tết đến Xuân về. Nếu sắc đỏ tượng trưng cho may mắn và phú quý thì sắc vàng của bưởi lại như một lời nguyện ước về sự sung túc, đủ đầy suốt cả năm.
Bưởi Diễn đặc trưng bởi hương thơm quyến rũ, đôi khi chưa thấy quả mà mùi hương nhẹ nhàng đã thoảng qua, chạm đến từng giác quan. Lớp vỏ xanh khi còn non chuyển sang sắc vàng rực rỡ khi chín, tỏa ra mùi thơm thanh tao khó cưỡng. Mỗi múi bưởi căng mọng là sự kết tinh của vị ngọt thanh đậm đà, để lại dư vị khó quên. Cũng chính sự hài hòa từ hình thức đến hương vị đã khiến bưởi Diễn trở thành loại trái cây được yêu thích và săn đón mỗi độ Tết đến.
Có mặt tại làng trồng bưởi Diễn (phường Phúc Diễn, TP. Hà Nội) vào dịp cuối năm, chúng tôi nhận thấy rõ sự tất bật của người dân nơi đây khi vào vụ thu hoạch, những chuyến xe chở bưởi nối đuôi nhau tỏa đi muôn nơi, mang theo hương vị đặc trưng của mùa xuân đến mọi miền Tổ quốc.
Tuy nhiên, những vườn bưởi Diễn nơi đây cũng vừa phải chống chọi với cơn bão Yagi kinh hoàng, gây thiệt hại nặng nề. Nhiều hộ gia đình mất đi phân nửa số cây trong vườn, khiến không ít người lao đao. Dẫu vậy, nhờ đôi bàn tay khéo léo của người nông dân và tiết trời thuận lợi những ngày cuối năm, nhiều chùm bưởi vàng óng vẫn kịp thời chín rộ, sẵn sàng cho mùa thu hoạch được mong chờ nhất trong năm.
Anh Vũ Xuân Công, một chủ vườn lâu năm, cho biết, do ảnh hưởng của bão Yagi vừa qua, vườn nhà anh đã thiệt hại khoảng 30 gốc, các gốc còn lại bị rụng khoảng 1/4 số quả trên cây. Điều này đồng nghĩa giá thành năm nay cũng sẽ đắt hơn do lượng cung ít đi rất nhiều. Anh Công cho biết thêm, đây là thời điểm đẹp nhất để thu hoạch, giá bán lẻ năm nay sẽ rơi vào khoảng 50.000-70.000 đồng/quả tùy vào chất lượng.
Được biết, trên địa bàn phường Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội) có khoảng 300 hộ trồng bưởi với tổng diện tích gần 30ha. Hiện tại, hầu hết các chủ vườn ở đây đều đã được các thương lái đặt trước. Thậm chí, một số vườn đã thu hoạch xong xuôi.
Đang nghỉ tay sau khi vừa thu hoạch xong vườn bưởi, chủ vườn Xuân Hải chia sẻ: bưởi Diễn có ưu điểm vượt trội khi có thể bảo quản trong điều kiện tự nhiên lên đến 2 tháng sau khi thu hoạch mà vẫn giữ được độ tươi ngon và hương vị đặc trưng. Vậy nên các vườn ở đây được khách đặt trước để làm quà biếu Tết rất nhiều.
Hiện nay, có nhiều nơi trồng bưởi và rao bán với giá rẻ hơn, nhưng chất lượng không thể sánh được với bưởi Diễn chính gốc. “Những người sành ăn thường lặn lội tìm đến tận vườn để chọn mua bưởi Diễn trồng trên đất Diễn, bởi chỉ có ở đây, hương vị đặc trưng mới được giữ trọn vẹn” - Chủ vườn bưởi Hà Vui chia sẻ.
Vị ngọt thanh của bưởi không chỉ làm say lòng người, mà còn gửi gắm niềm hy vọng về một năm mưa thuận gió hòa, mọi việc hanh thông, vạn sự như ý. Những chuyến xe bưởi cuối năm không chỉ chở hương thơm ngào ngạt mà còn cả niềm vui, niềm tự hào về những thành quả lao động của người nông dân nơi đây.
Chúng tôi tiếp tục hành trình về một làng nghề nổi tiếng khác, nơi sắc xuân được tô điểm trên những cánh đào hồng rực rỡ - Làng đào Đình Bảng.
Làng đào Đình Bảng từ lâu đã trở thành điểm đến quen thuộc mỗi dịp xuân về của người dân Thủ đô và các vùng lân cận. Còn một tháng nữa đến Tết Nguyên đán 2025, tại phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, không khí Tết đã tất bật hơn bao giờ hết.
Người tuốt lá, người tưới cây, tiếng cười nói xen lẫn với âm thanh lao động, tạo nên bức tranh sinh động đầy sắc xuân. Tất cả những người nông dân này đều đang tăng tốc chuẩn bị cho vụ thu hoạch hoa lớn nhất trong năm.
Tuy nhiên, cũng gánh chịu cơn bão Yagi như làng bưởi Diễn, những vườn đào xanh tốt tại Đình Bảng bị gió quật ngã, nhiều gốc bị hư hại nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho người trồng.
Anh Nguyễn Thế An (1973) vừa tuốt lá vừa chia sẻ: “Vườn đào nhà tôi đã được 20 năm tuổi. Cứ nghĩ năm nay thời tiết thuận lợi, đào sẽ nở hoa đúng dịp, nhưng cơn bão vừa qua đã làm gãy đổ nhiều gốc đào, thiệt hại không nhỏ. Dù vậy, chúng tôi vẫn nỗ lực phục hồi, mong sao những cây còn lại sẽ cho hoa đẹp, đáp ứng nhu cầu của khách hàng”.
Anh An cho biết, thời điểm đặt hàng đào nhiều nhất thường rơi vào khoảng rằm tháng Chạp Âm lịch, hiện tại, một vài cây trong vườn đã nở bói những bông hoa đầu tiên. Trên những cành đào Đình Bảng, không chỉ là sắc hoa, mà còn là câu chuyện về tình yêu nghề, sự kiên trì và niềm tự hào của người dân nơi đây.
Đối với người dân Đình Bảng, việc trồng đào không chỉ là công việc mưu sinh mà còn là niềm tự hào về truyền thống gia đình, được truyền từ đời này sang đời khác. Bà Nguyễn Thị Hà, một người trồng đào lâu năm trong làng, chia sẻ: “Cây đào Đình Bảng đòi hỏi sự tỉ mỉ và công phu trong từng giai đoạn. Từ việc tạo dáng, cắt tỉa, đến việc chăm sóc để hoa nở đúng dịp Tết, tất cả đều phải được tính toán cẩn thận, không được phép sai sót”.
Có thể nói, với người dân Đình Bảng, mỗi gốc đào là kết tinh của sự chăm chỉ, kiên nhẫn và tình yêu với nghề. Để có được những cành đào nở hoa rực rỡ đúng dịp Tết, người trồng phải luôn theo dõi sát sao diễn biến thời tiết, điều chỉnh kỹ thuật chăm sóc để đảm bảo hoa nở đúng thời điểm.
Mỗi cành đào Đình Bảng không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật, mà còn là món quà mang đậm hồn Tết Việt, gửi gắm hy vọng về một năm mới an khang, thịnh vượng. Với người dân Thủ đô, sở hữu một cành đào Đình Bảng trong nhà không chỉ làm đẹp không gian mà còn mang lại cảm giác gần gũi, ấm áp của mùa xuân. Nhiều gia đình đã coi đây là một phần không thể thiếu trong dịp Tết, là sự kết nối giữa hiện tại và ký ức xưa.
Bước chân ra khỏi những vườn đào chúng tôi tiếp tục hành trình đến một làng nghề khác cũng không kém phần đặc sắc trong không khí Tết cổ truyền, đó chính là làng Song Hồ - Thủ phủ vàng mã lớn nhất miền Bắc.
Những ngày cuối năm, khi bước chân vào làng Song Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh), người ta như lạc vào một thế giới rực rỡ sắc màu của giấy, tre, nứa... Càng gần những dịp lễ lớn, không khí tại làng Song Hồ càng thêm khẩn trương, nhộn nhịp.
Từ những con đường lớn, lối nhỏ đến những bức tường phủ rêu phong, đâu đâu cũng ngập tràn hình ảnh lao động cần mẫn chuẩn bị phục vụ nhu cầu người dân tiễn ông Công ông Táo  và Tết Nguyên đán sắp tới, thật không quá khi gọi đây là “thủ phủ vàng mã” lớn nhất miền Bắc.
Khác với các làng nghề khác, mỗi gia đình ở Song Hồ đều sở hữu một xưởng sản xuất riêng, tập trung vào việc làm một sản phẩm vàng mã chuyên biệt. Điều này không chỉ giúp họ tạo ra sản phẩm đặc trưng mà còn giảm thiểu đáng kể sự cạnh tranh giữa các hộ.
Chị Nguyễn Thị Lan, người có hơn 10 năm kinh nghiệm trong nghề làm vàng mã tại làng Song Hồ, vừa nhanh tay gấp hàng vừa chia sẻ, hiện tại là thời điểm cao điểm vì bà con không chỉ chuẩn bị sản phẩm cho ngày 23 tháng Chạp, 30 Tết, mà còn phải tập trung làm hàng dự trữ để phục vụ lễ khai xuân và giải hạn trong suốt ba tháng đầu năm mới. “Có những lúc chúng tôi sẽ phải làm cả đêm”, chị Lan chia sẻ.
Ông Nguyễn Ngọc Quang (1976), chủ cửa hàng vàng mã Quang Lan cho biết, hiện tại là cao điểm sản xuất và cung ứng vàng mã, với mặt hàng bán chạy nhất là ông Công, ông Táo. Mỗi ngày, cửa hàng của ông sản xuất khoảng 2.000 bộ, trong đó khoảng 1.000 bộ được xuất đi.
Những bộ mũ ông Công, ông Táo tại cửa hàng được làm từ giấy ánh kim, kết hợp với giả đá, tạo nên sự tinh tế và thẩm mỹ cao. Giá cả của sản phẩm dao động tùy theo chất liệu và kích cỡ.
Mặc dù làng Song Hồ vẫn nhộn nhịp với công việc sản xuất, song người dân nơi đây đã dần thích nghi với những thay đổi trong văn hóa thờ cúng. Theo chia sẻ của họ, hiện tại, ngoài các sản phẩm vàng mã truyền thống, nhiều gia đình giờ đây ưa chuộng các sản phẩm nhỏ gọn, tinh tế, vừa phù hợp với nhu cầu tưởng nhớ tổ tiên, vừa tránh lãng phí.
Năm nay, người dân xã Song Hồ còn giới thiệu nhiều loại vàng mã mới lạ với đa dạng kích thước. Những mặt hàng đặc biệt có thể kể đến như xe sang Mercedes-Maybach, xe máy SH, iPhone đời mới, và biệt thự...Dù được làm từ những nguyên liệu quen thuộc như giấy, hồ, tre, nứa... nhưng các sản phẩm đều được chăm chút tỉ mỉ, tinh xảo trong từng chi tiết.
Với sự khuyến khích từ Nhà nước và các cơ sở tôn giáo trong việc giảm thiểu đốt vàng mã, làng nghề Song Hồ đang chứng kiến những chuyển mình đáng kể. Nhiều hộ gia đình tại đây đã chuyển hướng sang sản xuất các sản phẩm mang tính trang trí, tượng trưng, vừa đẹp mắt lại vừa bảo tồn giá trị truyền thống.
Những sản phẩm mô phỏng đời sống hiện đại như xe sang, nhà lầu, hay đồ trang sức giấy vẫn được ưa chuộng, nhưng thiết kế và kích thước đã được tối ưu hóa, nhỏ gọn và tinh tế hơn, phù hợp với xu hướng tiêu dùng hiện nay. Đây là cách mà làng nghề vừa giữ gìn tinh hoa văn hóa, vừa bắt kịp nhịp sống mới, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về sự tiết kiệm và bảo vệ môi trường.
Có thể nói, làng Song Hồ những ngày cận Tết không chỉ là nơi sản xuất vàng mã mà còn là không gian đầy sắc xuân, rộn ràng và ấm áp. Giữa vẻ đẹp truyền thống và làn gió đổi mới, làng nghề vẫn giữ vững vị thế là thủ phủ vàng mã lớn nhất miền Bắc, đồng thời lưu giữ trọn vẹn những giá trị văn hóa đặc sắc.