Nghe con kể lại, bà T. ngã quỵ, khóc không thành tiếng.
Nhiều năm qua, trào lưu đi nước ngoài học tập, làm việc rầm rộ ở quê. Không ít gia đình có định hướng cho con học xong trung học phổ thông sẽ đi nước ngoài. Với gia đình có điều kiện thường cho con đi theo hướng du học , nhà không quá khá giả con đi xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, vì được giới thiệu rằng thường con đi du học có nhiều lợi hơn, có thể làm thêm được nhiều việc cùng lúc, kiếm được nhiều tiền hơn nên bà T. cố gắng xoay xở, kiếm đủ tiền cho con trai đi du học Nhật.
Chi phí từ tiền học, tiền phí đóng cho trung tâm cũng lên đến 600-700 triệu đồng. Chưa kể thêm khoản tiền đi lại trong suốt thời gian học tiếng Nhật. Để có tiền cho con đi học, bà T. thế chấp căn nhà ở quê, vay ngân hàng và vay thêm cả người thân, họ hàng. Suốt thời gian con học tiếng Nhật, bà T. không bắt con làm việc gì để tập trung học, sớm thi đỗ và đi sang nước ngoài. Sau gần 2 năm chờ đợi, con trai bà cũng đỗ và được sang Nhật du học.
Sang Nhật và ổn định chỗ học, chỗ ở, con trai bà T. nhờ người quen giới thiệu vào làm phụ bếp ở một nhà hàng ăn. Ngoài thời gian đi học, cậu làm thêm 8-10 tiếng, chỉ ngủ 4-5 tiếng mỗi ngày. Bù lại, khoản lương nhận được cũng khá nên cậu tự chi trả tiền ăn uống, sinh hoạt và gom góp mỗi tháng gửi về quê khoảng 20 triệu đồng.
Những tưởng từ đây bà T. sẽ bớt lo lắng về tiền nong vì con trai sang đó có thể vừa học vừa làm, tự lo cuộc sống, thậm chí còn gom góp tiết kiệm để gửi về quê phụ bà khoản nợ ngân hàng . Tuy nhiên, sau 6 tháng gửi tiền đều đặn, đến tháng thứ 7, con trai gọi điện về báo rằng chuyển chỗ làm mới, lương cao hơn, thời gian làm ít hơn nhưng nên chưa ổn định về gửi thêm tiền về nhà. Bà T. cũng tin tưởng con trai, dặn con học hành, làm thêm cũng phải điều độ để giữ gìn sức khỏe.
Kể từ hôm đó, con trai ít gọi điện về nhà hẳn. Nếu như trước đó mỗi ngày đều gọi điện ít nhất một lần thì bây giờ cả tuần cậu mới gọi về cho mẹ. Những cuộc điện thoại ngày càng vội càng, ít thời gian trò chuyện hơn. Cậu nói do công việc bận rộn nhưng số tiền gửi về nhà cũng dần đi, có tháng còn chẳng gửi. Khi mẹ hỏi, cậu chỉ biện lý do qua loa là tiền học phí tăng, tiền nhà tăng rồi cúp máy vội vàng. Linh cảm của một người mẹ cảm nhận có điều gì đó không ổn, nhưng mỗi lần hỏi con đều không trả lời, khoảng cách địa lý lại quá xa nên bà T. chẳng biết làm sao.
Cho đến vài tháng sau, con trai bà T. gọi điện về nhà trong trạng thái khá hoảng loạn, lo lắng. Cậu nói với mẹ rằng nợ một khoản tiền lớn và xin mẹ gửi tiền sang để trả, nếu không sẽ không thể về nước. Lúc này, bà T. mới ngã ngửa. Hóa ra, con trai bà không chuyển sang công việc mới mà bị bạn bè rủ rê chơi lô đề, cờ bạc. Thời gian đầu mới chơi thắng tiền nên càng chơi càng ham. Ai ngờ thời gian sau bị thua lỗ, muốn chơi thêm để gỡ tiền nhưng chỉ thêm nợ nần . Tính đến thời điểm hiện tại, số tiền nợ lên đến gần 1 tỷ đồng.
Vì không có tiền trả nên cậu bị đòi nợ ráo riết, không dám đi học, chỉ đành cầu cứu mẹ. Nghe con kể lại, bà T. ngã quỵ, khóc không thành tiếng. Những tưởng đi Nhật sẽ đổi đời, ai ngờ con trai lạc vào con đường sai lầm đến mức nợ nần chồng chất. Không những không giúp được gia đình còn phải gửi tiền sang để trả nợ.
Sau vài ngày bình tĩnh suy nghĩ, tìm hết đủ cách, bà T. quyết định bán hết tài sản, nhờ người thân vay thêm tiền ngân hàng để gửi sang cho con trai trả nợ và về nước.
Australia thắt chặt quy định về thị thực du học 
Úc giảm 2 năm làm việc, chấm dứt nhượng bộ với du học sinh