Đó là bản báo cáo với cách sắp xếp và màu sắc mờ nhạt hệt như cái cách ông "vua rượu Vang" xứ Bắc một thời chìm vào quên lãng suốt một thập kỷ vừa qua.
Người quen "sang vốn" cho người quen
Tổng CTCP Thương mại Hà Nội vừa đăng ký bán toàn bộ 1,94 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 38,42% vốn) tại CTCP Vang Thăng Long (Mã VTL - HNX) nhằm mục đích cơ cấu lại danh mục đầu tư. Phương thức giao dịch dự kiến là thoả thuận.
Thời gian giao dịch dự kiến từ 9/8 đến 7/9/2022.
Được biết, ông Nguyễn Thái Dũng - Ủy viên HĐQT Vang Thăng Long đang đồng thời giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT tại Thương mại Hà Nội;
Bà Trần Huệ Linh - Trưởng Ban kiểm soát tại VTL đồng thời là Ủy viên HĐQT Thương mại Hà Nội;
Ông Vũ Thanh Sơn - Chủ tịch HĐQT Vang Thăng Long đồng thời giữ vai trò Tổng Giám đốc Thương mại Hà Nội.
Mới nhất, công ty này cũng vừa thông báo Công ty TNHH Thương Mại và Dịch vụ Sản Xuất An Thịnh đã trở thành cổ đông lớn sau khi mua vào 480.000 cổ phiếu nâng sở hữu từ 4,64% lên mức 714.865 cổ phiếu (tỷ lệ 14,13%) ngày 28/7/2022.
Báo cáo tài chính quý II: "Đẹp" từ trong ra ngoài
Được biết, Vang Thăng Long vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2022 với ghi nhận doanh thu đạt gần 20 tỷ đồng - giảm so với cùng kỳ 2021 và quý I năm nay; doanh nghiệp báo lỗ sau thuế 2,37 tỷ đồng qua đó nâng tổng lỗ lũy kế đến 30/6/2022 lên mức 30,9 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tiếp tục giảm về dưới 20 tỷ đồng.
Trong cơ cấu doanh thu quý II/2022 của Vang Thăng Long, doanh thu mảng bán Vang và rượu các loại chỉ chiếm không đáng kể
Nếu tính từ quý I/2019 đến này, doanh nghiệp buôn rượu này đã lỗ 11/13 quý trong đó có đóng góp không nhỏ từ chi phí lãi vay.
Kết quý II/2022, Vang Thăng Long đang nợ tổng cộng 118 tỷ đồng trong đó 117,8 tỷ đồng là vay ngắn hạn (bao gồm 77,7 tỷ đồng vay tài chính). Mức nợ này hiện đã gấp 6 lần vốn chủ sở hữu đồng thời gấp gần 1,2 lần tổng tài sản ngắn hạn.
Bán niên 2022, công ty này đạt doanh thu 46,8 tỷ đồng - giảm 12% YoY; lợi nhuận sau thuế âm gần 3,8 tỷ đồng - tăng 26% so với bán niên 2021.
Một số nội dung trong báo cáo tài chính quý II/2022 của "vua rượu Vang" một thời:
"Thăng Long thành hoài cổ"
CTCP Vang Thăng Long, tiền thân là Xí nghiệp Nước giải khát Thăng Long được thành lập năm 1989. Ở thời bao cấp, rượu Vang Thăng Long nổi lên là thương hiệu mạnh gần như bao trọn thị phần miền Bắc.
Bẵng đi, lượng khách hàng lựa chọn thương hiệu này đã giảm rất nhiều (đa số chỉ là người cao tuổi, những người hoài cổ và còn hoài niệm về thời bao cấp đã xa).
Sự xuống dốc của Vang Thăng Long được thể hiện rất rõ qua các con số kinh doanh bên cạnh doanh thu. Minh chứng rõ thấy nhất là việc doanh thu của doanh nghiệp này đã giảm mạnh từ mức trên 100 tỷ đồng những năm trước 2012 về chỉ 70 - 80 tỷ đồng nhiều năm trở lại đây. Cá biệt năm 2020, công ty chỉ đạt vỏn vẹn 52 tỷ đồng doanh thu.
Sau cổ phần hóa năm 2001 với vốn điều lệ 11,6 tỷ đồng và tăng lên mức 50,6 tỷ đồng ở thời điểm hiện tại, nhà đầu tư đã không nhìn thấy một dấu ấn kinh doanh đột phá nào tại Vang Thăng Long khi công ty vẫn ì ạch với các con số lợi nhuận đem về.
Để tự “cứu” bản thân, VTL phải “thắt lưng buộc bụng” cắt giảm chi tiêu, nhân công,... Ghi nhận tại thời điểm 30/6/2022, các khoản phải trả ngắn hạn liên quan đến kinh phí công đoàn, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đều ghi nhận giảm mạnh so với đầu năm. Trước đó tại báo cáo thường niên năm 2021, công ty có tổng cộng 72 nhân sự. Như vậy, rất có thể con số này đã giảm đi sau bán niên 2022.
Trong khi doanh thu giảm dần đều, lợi nhuận lại ì ạch lúc lên lúc xuống và bất ổn. Ghi nhận sau năm 2012 lỗ gần 2,4 tỷ đồng, công ty đã ghi nhận chuỗi báo lãi kéo dài từ 2013 - 2018 trước khi lỗ nặng trở lại 13 tỷ và 15 tỷ đồng 2 năm sau đó.
Không ít sản phẩm được tung ra thị trường 1 thập niên trở lại đây không thể cạnh được với các sản phẩm nhập ngoại cũng như nhiều sản phẩm trong nước khác.
Trong giai đoạn từ 2011 đến nay, điều cố hữu có thể nhận thấy ở doanh nghiệp này là việc phải gánh các khoản chi phí tài chính (chủ yếu là lãi vay) "khổng lồ" từ 6 - 10 tỷ/năm.
Trên thị trường chứng khoán, từng là cổ phiếu có giao dịch sôi động hàng trăm nghìn đơn vị mỗi phiên (giai đoạn 2007 - 2010), ở thời điểm hiện tại, mã VTL chỉ còn là "dĩ vãng" với giao dịch "đì đẹt" phiên có phiên không; khớp lệnh trung bình của mã 10 phiên gần nhất cũng chỉ vỏn vẹn 1.650 cổ phiếu.
Đáng buồn hơn, có vẻ như cổ phiếu của "vua rượu Vang" một thời đã bị túi tiền của nhà đầu tư lãng quên?!
Thương mại Hà Nội (HTM) bị xử phạt, truy thu thuế hơn 3,4 tỷ đồng 
Một công ty bạo chi 600 tỷ để "thế chỗ" cổ đông lớn vừa "rút khỏi" Hapro