Xã hội

Về 'một nhà' sau gần 30 năm tách hợp, đây là thành phố trực thuộc TƯ lớn nhất, vừa có bờ biển dài nhất vừa có 2 sân bay

Linh Chi 27/04/2025 06:30

Tính đến ngày 1/7/2025, Đà Nẵng sẽ đánh dấu tròn 28 năm kể từ khi chính thức tách ra khỏi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng để trở thành một thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo đề án về việc tổ chức lại đơn vị hành chính, thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương sẽ được thành lập trên cơ sở sáp nhập giữa toàn bộ tỉnh Quảng Nam (gồm 88 xã, phường) và thành phố Đà Nẵng hiện tại (bao gồm 19 xã, phường và khu vực đặc khu). Sau khi hợp nhất, thành phố mới sẽ có tổng diện tích là 11.867,25 km² với dân số hơn 3 triệu người. Diện tích này sẽ đưa Đà Nẵng trở thành thành phố có quy mô lãnh thổ lớn nhất trong 6 thành phố trực thuộc Trung ương hiện nay.

Trung tâm hành chính và chính trị sẽ được đặt tại khu vực thành phố Đà Nẵng hiện hữu. Về mặt địa lý, thành phố sau khi sáp nhập sẽ có phía Bắc giáp thành phố Thừa Thiên Huế, phía Nam giáp tỉnh Quảng Ngãi, phía Tây giáp nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, còn phía Đông hướng ra biển Đông.

Về 'một nhà' sau gần 30 năm tách hợp, đây là thành phố trực thuộc TƯ lớn nhất, vừa có bờ biển dài nhất vừa có 2 sân bay - ảnh 1
Cầu Vàng - biểu tượng của Bà Nà, một địa danh nổi tiếng của Đà Nẵng. Ảnh: Internet

Sau quá trình sáp nhập, thành phố Đà Nẵng mới sẽ sở hữu hai cảng hàng không gồm sân bay quốc tế Đà Nẵng và sân bay Chu Lai. Trong đó, sân bay Đà Nẵng là một trong ba sân bay trọng điểm quốc gia. Hiện nay, sân bay Đà Nẵng có khả năng phục vụ từ 10 đến 12 triệu hành khách mỗi năm và đang được quy hoạch nâng cấp để đáp ứng hơn 20 triệu lượt khách.

Trong khi đó, sân bay Chu Lai đang được định hướng phát triển đạt tiêu chuẩn cấp 4F với mục tiêu phục vụ khoảng 10 triệu hành khách mỗi năm vào năm 2030 và tăng lên 30 triệu vào năm 2050.

Trong dòng chảy lịch sử, Quảng Nam và Đà Nẵng đã nhiều lần trải qua quá trình chia tách và sáp nhập, gắn liền với các giai đoạn phát triển khác nhau. Vào năm 1889, thực dân Pháp chiếm toàn bộ Việt Nam và tách Đà Nẵng ra khỏi tỉnh Quảng Nam, đặt tên mới là Tourane, đưa khu vực này dưới quyền quản lý trực tiếp của Toàn quyền Đông Dương.

Tourane được người Pháp quy hoạch và xây dựng theo mô hình đô thị phương Tây, đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đẩy mạnh phát triển các ngành sản xuất, thương mại. Vì thế, Tourane trở thành đô thị nhộn nhịp bậc nhất Việt Nam thời bấy giờ.

Đến năm 1950, chính quyền thực dân Pháp đã bàn giao quyền quản lý Đà Nẵng cho chính quyền Bảo Đại.

Vào tháng 3/1965, quân đội Mỹ đã đổ bộ vào Đà Nẵng, biến nơi đây thành một căn cứ quân sự lớn và đa chức năng. Năm 1967, Mỹ và chính quyền Sài Gòn quyết định đưa Đà Nẵng lên thành phố trực thuộc Trung ương. Với mục tiêu phát triển nơi đây thành trung tâm chính trị, quân sự và văn hóa của khu vực chiến lược I và II, Mỹ đã đầu tư xây dựng hàng loạt cơ sở hạ tầng như sân bay, cảng biển, kho tàng, đường sá, công trình công cộng, hệ thống liên lạc, ngân hàng…

Sau năm 1975, khi đất nước hoàn toàn giải phóng, Đà Nẵng trở thành thành phố thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.

Sau Đại hội đại biểu lần thứ XVII của Đảng bộ thành phố Đà Nẵng hồi tháng 10/1997, Đà Nẵng chính thức tách khỏi tỉnh Quảng Nam.

Về 'một nhà' sau gần 30 năm tách hợp, đây là thành phố trực thuộc TƯ lớn nhất, vừa có bờ biển dài nhất vừa có 2 sân bay - ảnh 2
Đà Nẵng có bước phát triển ấn tượng, trở thành thành phố "đáng sống nhất Việt Nam". Ảnh: Internet

Tính đến ngày 1/7/2025, Đà Nẵng sẽ đánh dấu tròn 28 năm kể từ khi chính thức tách ra khỏi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng để trở thành một thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong những năm qua, Đà Nẵng đã có những bước phát triển vượt bậc, trở thành đô thị nhộn nhịp và được mệnh danh là "thành phố đáng sống nhất Việt Nam". So với thời điểm năm 1997, quy mô nền kinh tế của thành phố đã tăng hơn 45 lần; thu ngân sách nội địa tăng gấp khoảng 25,6 lần; thu nhập bình quân đầu người cũng tăng gấp 21 lần. Từ một đô thị nhỏ, Đà Nẵng hiện nay đã đạt tỷ lệ đô thị hóa lên đến 87,2% – cao gấp đôi so với mức trung bình toàn quốc.

Đặc biệt, du lịch đã trở thành ngành kinh tế chủ lực, góp phần xây dựng thương hiệu Đà Nẵng là điểm đến hấp dẫn, an toàn và thân thiện cho cả du khách trong nước lẫn quốc tế.

Về 'một nhà' sau gần 30 năm tách hợp, đây là thành phố trực thuộc TƯ lớn nhất, vừa có bờ biển dài nhất vừa có 2 sân bay - ảnh 3
Du lịch là thế mạnh của Đà Nẵng. Ảnh: Internet

Về phía Quảng Nam, từ một tỉnh nghèo, thuần nông đã có nhiều thay đổi vượt bậc. Năm 2024, tổng thu từ các hoạt động kinh tế trên địa bàn đạt hơn 27.600 tỷ đồng – tăng gấp 217 lần so với năm chia tách; quy mô nền kinh tế đạt trên 129.000 tỷ đồng.

Quảng Nam cũng phát triển thành vùng công nghiệp trọng điểm, nổi bật với Khu kinh tế mở Chu Lai – nơi đặt trung tâm sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp cơ khí lớn nhất cả nước.

Tỉnh hiện có 14 khu công nghiệp và hơn 50 cụm công nghiệp đang vận hành, thu hút hơn 6,2 tỷ USD vốn FDI và hàng trăm nghìn tỷ đồng đầu tư trong nước, tạo việc làm cho hơn 113.000 lao động.

>>Sau sáp nhập, đây là thành phố trực thuộc Trung ương nhỏ nhất nhưng giàu có top đầu Việt Nam

An Giang, Kiên Giang sáp nhập còn 102 xã phường, có thêm 3 đặc khu

Sau sáp nhập, Sở Giáo dục và Đào tạo được trao thêm quyền quan trọng

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/ve-mot-nha-sau-gan-30-nam-tach-hop-day-la-thanh-pho-truc-thuoc-tu-lon-nhat-vua-co-bo-bien-dai-nhat-vua-co-2-san-bay-141240.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Về 'một nhà' sau gần 30 năm tách hợp, đây là thành phố trực thuộc TƯ lớn nhất, vừa có bờ biển dài nhất vừa có 2 sân bay
    POWERED BY ONECMS & INTECH