Thế giới

Vén màn "vũ khí bí mật" từ kế hoạch tấn công Iran của Israel

Việt Anh 23/10/2024 11:50

Các nhà điều tra Mỹ đang đau đầu lý giải vì sao một cặp tài liệu được xếp loại “tối mật”, chứa thông tin được cho là kế hoạch tấn công Iran của Israel, lại có thể bị rò rỉ một cách dễ dàng.

Những tài liệu trên, được chia sẻ công khai lần đầu trên ứng dụng nhắn tin Telegram ngày 18/10, gồm một bản đánh giá được cho là của Mỹ về kế hoạch tấn công Iran của Israel. Đánh giá này dựa trên việc phân tích các hình ảnh vệ tinh và các thông tin tình báo khác.

Theo đài BBC, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby hôm 21/10 cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden "rất quan ngại" về vụ rò rỉ. Tuy nhiên, giới chức Washington vẫn chưa thể xác định nguyên nhân thật sự dẫn đến vụ rò rỉ này.

Israel suốt 3 tuần qua tuyên bố sẽ trả đũa mạnh mẽ vụ tấn công bằng hàng loạt tên lửa đạn đạo của Iran vào nước này ngày 1/10, động thái mà Tehran nhấn mạnh để đáp trả vụ ám sát thủ lĩnh phong trào Hezbollah Hassan Nasrallah ngày 27/9.

Nghi vấn thật, giả

Một số nhà phân tích quân sự cho rằng cách diễn đạt được sử dụng trong tiêu đề các tài liệu bị rò rỉ mới đây có vẻ đáng tin cậy và phù hợp với những tài liệu tương tự bị lộ trong quá khứ.

Chiến đấu cơ của Không quân Israel chuẩn bị cất cánh từ căn cứ. Ảnh: X
Chiến đấu cơ của Không quân Israel chuẩn bị cất cánh từ căn cứ. Ảnh: X

Điều này được thể hiện ở một số ký tự viết tắt trong nội dung chính của những tài liệu này. Chúng gồm một số từ khoá như "FGI" (viết tắt của "Tình báo Chính phủ Nước ngoài") "TK" (viết tắt của từ tiếng Anh "Talent Keyhole” - một mật ngữ chỉ các thông tin tình báo từ vệ tinh (SIGINT) và tình báo từ hình ảnh (IMINT).

Thậm chí, các tài liệu bị rò rỉ có khả năng đã được lưu hành với những cơ quan tình báo thuộc Liên minh Ngũ Nhãn, gồm 5 quốc gia thường xuyên chia sẻ thông tin tình báo cho nhau là Mỹ, Anh, Canada, Australia và New Zealand.

Những điều được tiết lộ

Xét tổng thể, các tài liệu bị rò rỉ là bản đánh giá tối mật của Mỹ về quá trình Israel chuẩn bị tấn công các mục tiêu ở Iran, dựa trên các thông tin được Cơ quan Tình báo Địa không gian Quốc gia Mỹ phân tích vào các ngày 15-16/10. Đáng chú ý trong đó là việc đề cập đến 2 hệ thống Tên lửa đạn đạo phóng từ trên không (ABLM) là Golden Horizon và Rocks.

Rocks là hệ thống tên lửa tầm xa do công ty Rafael của Israel sản xuất và được thiết kế để tấn công nhiều mục tiêu khác nhau cả ở trên trời lẫn dưới đất. Trong khi đó, Golden Horizon được cho là ám chỉ hệ thống tên lửa Blue Sparrow có tầm bắn lên tới 2.000 km.

Theo BBC, điều này cho thấy Không quân Israel đang có kế hoạch thực hiện một cuộc tấn công tương tự cuộc tấn công bằng ABLM vào một trạm radar gần thành phố Isfahan (Iran) hồi tháng 4, nhưng với quy mô lớn hơn. Sử dụng vũ khí tầm xa sẽ tránh việc chiến đấu cơ của Israel phải bay qua không phận một số quốc gia khác trong khu vực như Jordan.

Các tài liệu cũng tiết lộ không có dấu hiệu nào cho thấy Israel chuẩn bị kích hoạt khả năng răn đe hạt nhân. Chính phủ Mỹ được cho là chưa bao giờ công khai thừa nhận Israel sở hữu vũ khí hạt nhân, theo yêu cầu từ chính đồng minh thân cận nhất của mình ở khu vực Trung Đông.

Điểm thiếu sót lớn nhất

Theo kênh Al Jazeera, điểm thiếu sót lớn nhất trong các tài liệu mật này là không có thông tin về các mục tiêu mà Israel định tấn công ở Iran, cũng như thời gian cụ thể.

Mỹ từng công khai phản đối việc tấn công các cơ sở nghiên cứu hạt nhân hoặc các cơ sở dầu mỏ của Iran. Điều này có thể khiến các căn cứ quân sự, đặc biệt là các căn cứ của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và lực lượng dân quân Basij, trở thành mục tiêu. Đây là những lực lượng được xem là “xương sống” của Iran, vừa bảo vệ an ninh trong nước vừa mở rộng sức mạnh quân sự ra nước ngoài.

Về mặt thời gian, nhiều người dự đoán Israel đáng lẽ đã thực hiện cuộc tấn công trả đũa vào thời điểm này. Nhưng trên thực tế, nhà nước Do Thái chưa có động thái nào. Một phần lý do của sự trì hoãn này có thể đến từ những lo ngại của Mỹ về nguy cơ leo thang xung đột khi chỉ còn nửa tháng nữa, cuộc bầu cử tổng thống ở nước này sẽ diễn ra.

Chủ đích hay vô tình?

BBC nhận định vụ rò rỉ rất có thể là hành động có chủ đích bởi ai đó muốn phá hỏng kế hoạch của Israel. Nhưng giới chức Mỹ vẫn không loại trừ khả năng tin tặc tấn công mạng.

Nếu các tài liệu này là thật (nhiều chuyên gia đánh giá là rất có thể), chúng cho thấy Mỹ và Israel dù có mối quan hệ quốc phòng chặt chẽ, nhưng Washington vẫn “giám sát” đồng minh để đảm bảo không bị “qua mặt”.

Các tài liệu cũng chứng tỏ kế hoạch tấn công tầm xa của Israel với Iran đã được chuẩn bị kỹ lưỡng (không còn ở giai đoạn ý tưởng mà đã sẵn sàng để triển khai). Thậm chí, nước này còn chuẩn bị các biện pháp đối phó với động thái đáp trả dự kiến của Iran.

Một số chuyên gia cảnh báo nếu kế hoạch tấn công của Israel được hiện thực hóa, khu vực Trung Đông sẽ một lần nữa trải qua giai đoạn căng thẳng cực độ.

>>Hezbollah phóng hàng loạt rốc-két vào Israel trước khi Ngoại trưởng Mỹ đến

IDF xác nhận tiêu diệt người kế nhiệm thủ lĩnh Hezbollah, Mỹ và Israel bất đồng

Hezbollah phóng hàng loạt rốc-két vào Israel trước khi Ngoại trưởng Mỹ đến

Theo kinhtedothi.vn
https://kinhtedothi.vn/ven-man-vu-khi-bi-mat-tu-ke-hoach-tan-cong-iran-cua-israel.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Vén màn "vũ khí bí mật" từ kế hoạch tấn công Iran của Israel
    POWERED BY ONECMS & INTECH