Vị Giáo sư Việt Nam duy nhất được xem là triết gia: Là nhà tri thức Tây học xuất sắc được thế giới nể trọng, tên được đặt cho 1 con đường ở TP. HCM
Ông là một trong những nhà nghiên cứu triết học hàng đầu của Việt Nam.
Giáo sư Trần Đức Thảo, một trong những nhà triết học  hàng đầu của Việt Nam, đã dành trọn cuộc đời mình để cống hiến cho khoa học và sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Tuổi thơ và hành trình học vấn xuất sắc
Giáo sư Trần Đức Thảo sinh ngày 26/9/1917 tại làng Song Tháp, nay thuộc phường Châu Khê, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, trong một gia đình tri thức. Cha ông, ông Trần Đức Tiến, là một viên chức của Sở Bưu điện Hà Nội.
Ông lớn lên trong môi trường giáo dục nghiêm túc tại Hà Nội. Từ năm 1923 đến 1935, ông theo học tại các trường tiểu học và trung học Pháp. Tài năng vượt trội của ông sớm được khẳng định khi ông đạt giải Nhì trong cuộc thi triết học dành cho học sinh trung học toàn quốc Pháp và đỗ tú tài năm 1935.
Năm 1936, ông nhận học bổng du học Paris, theo học ngành triết học tại Đại học Sư phạm phố Ulm danh tiếng. Trong khoảng thời gian từ 1936 đến 1943, ông không chỉ hoàn tất chương trình học mà còn xuất sắc đạt thủ khoa Thạc sĩ Triết học vào năm 1943.
Dấn thân vào con đường cách mạng
Tháng 12/1944, khi đang ở Pháp, Trần Đức Thảo bắt đầu tham gia phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, ông viết truyền đơn, tổ chức họp báo tại Pháp để ủng hộ Việt Minh và Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Tuy nhiên, hành động này khiến ông bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam vào tháng 12/1945.
Trong tù, Trần Đức Thảo viết bài báo nổi tiếng “Sur l’Indochine” (Về Đông Dương), lên án sự tái xâm lược của thực dân Pháp và bày tỏ quyết tâm của nhân dân Đông Dương giành độc lập. Chính trong những ngày bị giam giữ, ông bắt đầu tiếp cận và dấn thân vào con đường tư tưởng Mác-Lênin. Điều này được thể hiện rõ qua tác phẩm kinh điển “Hiện tượng học và Chủ nghĩa duy vật biện chứng” xuất bản năm 1951, được giới triết học quốc tế đánh giá rất cao.
Tháng 2/1946, nhờ sự đấu tranh mạnh mẽ của Đảng Cộng sản Pháp và các trí thức, nhà cầm quyền Pháp phải thả ông. Trong thời gian này, ông có nhiều cơ hội gặp gỡ Chủ tịch Hồ Chí Minh . Theo lời khuyên của Bác, ông tiếp tục ở lại Pháp hoạt động trong phong trào Việt kiều yêu nước và tranh thủ sự ủng hộ từ các trí thức Pháp.
Năm 1952, Giáo sư Trần Đức Thảo trở về Việt Nam, tham gia kháng chiến tại chiến khu Việt Bắc. Tại đây, ông nghiên cứu thực tế và viết báo cáo cho Trung ương Đảng về tình hình sản xuất và giáo dục ở vùng kháng chiến.
Năm 1953, ông được phân công làm thư ký của Tổng Bí thư Trường Chinh, đồng thời tham gia dịch thuật các tài liệu quan trọng. Sau đó, ông trở thành thành viên Ban Văn - Sử - Địa, tiền thân của Ban Tuyên giáo Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, ông giữ chức Giáo sư triết học, Phó Giám đốc Đại học Sư phạm Văn khoa và Chủ nhiệm Khoa Lịch sử tại Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Những năm cuối đời
Sinh thời, Giáo sư Trần Đức Thảo sống như một người khổ hạnh. Ông dường như dành toàn bộ tâm sức cho những vấn đề lớn lao, mà đôi khi sao nhãng những sinh hoạt đời thường. Trong những năm tháng sống tại căn hộ khu tập thể Kim Liên, ông lặng lẽ như một cái bóng. Người hàng xóm quen thuộc với hình ảnh ông cụ đạp chiếc xe đạp thiếu nhi Liên Xô nhỏ, phía sau buộc vài bó rau, củ su hào, hay mấy thanh củi nhỏ mua từ chợ. Tự mình lo liệu cơm nước, ông dường như đã quen với cuộc sống một mình - không vợ, không con.
Có lẽ, ông tự nguyện khước từ tất cả hoặc số phận đã định đoạt, để ông dồn toàn bộ năng lực cho việc nghiên cứu triết học. Thi thoảng, người ta bắt gặp ông vừa đạp xe vừa ngửa cổ lên trời cười nói một mình. Ít ai ngờ, người đàn ông giản dị ấy lại là một triết gia danh tiếng thế giới.
Cuối đời, khi được Nhà nước cử sang Pháp để tiếp tục hoàn thiện các công trình còn dang dở, ông sống tại khu nhà Đại sứ quán Việt Nam. Dù vậy, ông vẫn giữ nếp sống giản đơn và lặng lẽ, như một cái bóng khiêm nhường giữa đời.
Từ năm 1961 đến 1973, GS. Trần Đức Thảo làm việc tại Nhà xuất bản Sự Thật, tập trung nghiên cứu và xuất bản sách bằng tiếng Pháp và tiếng Đức. Năm 1992, ông được Trung ương Đảng cử sang Pháp công tác và chữa bệnh, đồng thời hoàn thành tác phẩm triết học “Vấn đề con người và chủ nghĩa lý luận không có con người”.
Đầu năm 1993, ông lâm bệnh nặng và qua đời tại Paris ngày 24/4/1993. Di hài của ông được đưa về an táng tại Hà Nội.
Với những đóng góp to lớn trong lĩnh vực triết học và các ngành khoa học xã hội, Giáo sư Trần Đức Thảo đã để lại một di sản đồ sộ về tư tưởng. Năm 2000, ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học xã hội, ghi nhận những cống hiến xuất sắc của ông cho đất nước.
Với giới triết học thế giới, ông có quan hệ học thuật gắn bó với nhiều tên tuổi lớn trong giới triết học như Alexander Kojeve (người Pháp gốc Nga), Jean Paul Sartre (Pháp), Daniel J Herman (Anh), Robert Cohen (Mỹ), Vincent von Wroblewsky (Đức), Feruccio Rossi - Landy (Ý), Ubajenhi Lurektop (Liên Xô)…
Đến năm 2020, một con đường mang tên ông xuất hiện ở khu ký túc xá Đại học Văn hóa (TP Thủ Đức, TP. HCM).
*Tổng hợp: Báo Công An Nhân Dân; Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh