Vi phạm gì khiến loạt lãnh đạo ở Bộ Công Thương vừa bị 'đảo' ghế, hạ cấp?
Nhiều lãnh đạo vụ, cục ở Bộ Công Thương vừa bị bộ này điều chuyển từ cấp trưởng thành cấp phó ở đơn vị khác, từng bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật do có vi phạm trong lĩnh vực được giao quản lý, phụ trách.
Bị Ủy ban Kiểm tra kỷ luật cảnh cáo
Ngày 23/2, Bộ Công Thương  tổ chức trao quyết định của Bộ trưởng Bộ Công Thương về công tác cán bộ. Trong đó, nhiều lãnh đạo vụ, cục của Bộ Công Thương từ cấp trưởng thành cấp phó ở đơn vị khác.
Trong đó, ông Phương Hoàng Kim đang là Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng được điều động, bổ nhiệm giữ chức phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ. Trước đó nữa, ông Kim từng đứng đầu Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo
Ông Trần Duy Đông, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu được điều động, bổ nhiệm sang vị trí phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại. Ông Đông ngồi ghế Cục trưởng Xuất nhập khẩu chưa lâu và từng nhiều năm làm Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - cơ quan tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công Thương trong quản lý xăng dầu.
Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo được điều động, bổ nhiệm vị trí Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ mỏ - luyện kim.
Những cán bộ kể trên từng bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật.
Từ ngày 18-20/12/2023, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung, trong đó có xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Bộ Công Thương.
Theo đó, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để Bộ Công Thương và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác tham mưu, ban hành cơ chế phát triển điện mặt trời, điện gió; trong thực hiện Quy hoạch điện VII điều chỉnh; trong tham mưu, ban hành cơ chế kinh doanh, điều hành nguồn cung ứng, cấp phép kinh doanh xăng, dầu; quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá...
Ngoài trách nhiệm của các Bộ trưởng, Thứ trưởng nhiệm kỳ 2016-2021, 2021-2026, các nhân sự kể trên cũng bị UBKT xem xét trách nhiệm.
Tại kỳ họp thứ 35 diễn ra trong các ngày 10, 11 và 19/1/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã kỷ luật cảnh cáo nhiều lãnh đạo Bộ Công Thương và các đơn vị, trong đó có các ông: Nguyễn Anh Tuấn, Trần Duy Đông, Phương Hoàng Kim... Còn ông Hoàng Tiến Dũng bị khiển trách.
Thanh tra Chính phủ điểm mặt vi phạm liên quan quy hoạch điện, quản lý xăng dầu
Tháng 12/2023, Thanh tra Chính phủ đã ban hành thông báo kết luận thanh tra Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Kết luận thanh tra cũng nêu trong giai đoạn đến năm 2020, có 168 dự án điện mặt trời tổng công suất 14.707 MW/850 MW được phê duyệt (cao gấp 17,3 lần mục tiêu) không có căn cứ pháp lý. Đáng chú ý, 129 dự án đã vận hành thương mại, công suất 8.642 MW, cao hơn 10 lần công suất phê duyệt, thậm chí vượt công suất quy hoạch đến năm 2025 (4.000 MW).
Ngoài ra, nguồn điện mặt trời mái nhà cũng phát triển nhanh (tổng công suất 7.864 MW), nâng tổng công suất nguồn điện mặt trời lên thành 16.506 MW, cao gấp 19,42 lần so với công suất phê duyệt tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Việc này dẫn đến cơ cấu công suất nguồn điện mặt trời đã tăng từ 1,4% lên 23,8%.
Ngoài sai phạm về bổ sung ồ ạt nguồn điện, kết luận thanh tra còn chỉ ra những “lỗ hổng” trong hướng dẫn và tham mưu ban hành giá mua điện ưu đãi FIT; việc quản lý, sử dụng đất thực hiện đầu tư các dự án điện gió, mặt trời…
Kết luận thanh tra nêu rõ, cơ quan thanh tra đã chuyển kết luận đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý có liên quan đến những tồn tại, khuyết điểm, vi phạm được nêu tại kết luận thanh tra.
Căn cứ kết luận thanh tra và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương cần phải tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm.
Trong lĩnh vực xăng dầu, kết luận của Thanh tra Chính phủ công bố ngày 4/1/2024 nêu rõ: Từ ngày 1/1/2017 đến ngày 30/6/2022, Bộ Công Thương cấp 37 Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu (chưa bao gồm 4 giấy phép cấp cho thương nhân đầu mối xăng dầu cung cấp cho hoạt động hàng không) và cấp 347 Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối (TNPP).
Thanh tra Chính phủ chỉ ra rằng, việc cho phép thuê kho, bể chứa xăng dầu để làm điều kiện cấp giấy phép, giấy xác nhận chưa khuyến khích các thương nhân đầu mối đầu tư phát triển kho chứa xăng dầu, dẫn đến khó đáp ứng được yêu cầu về kho dự trữ xăng dầu thương mại. Từ năm 2017 đến tháng 9/2022, kết quả thực hiện đầu tư xây dựng kho xăng dầu thương mại theo quy hoạch chỉ đạt 15%.
Các thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối chủ yếu thuê kho, bể chứa xăng dầu để làm điều kiện xin cấp giấy phép và giấy xác nhận. Nhiều thương nhân đầu mối và TNPP ký hợp đồng thuê kho, bể chứa xăng dầu chỉ theo mùa vụ, theo thực tế sử dụng để giảm chi phí.
"Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vi phạm ở khâu cấp phép và thực hiện các điều kiện cấp phép của Bộ Công Thương, các thương nhân đầu mối và TNPP", Thanh tra Chính phủ kết luận.
Theo Thanh tra Chính phủ, Bộ Công Thương chưa kịp thời xem xét, xử lý đình chỉ hoạt động kinh doanh hoặc thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo thẩm quyền đối với các DN đã bị Bộ Tài chính xử phạt vi phạm hành chính nhiều lần về quản lý Quỹ bình ổn giá. Điều đó khiến Quỹ BOG liên tục bị các thương nhân đầu mối chiếm dụng và sử dụng sai mục đích bình ổn giá xăng dầu.
>> Loạt đại gia xăng dầu 'rơi rụng', Bộ Công Thương yêu cầu chia sẻ nguồn cung
Thanh tra xác minh tài sản, thu nhập của loạt lãnh đạo Bộ Công Thương 
Đưa vụ án lợi dụng chức vụ tại Bộ Công Thương vào diện Ban Chỉ đạo TƯ theo dõi