Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng quy định của pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất của Việt Nam còn nhiều bất cập, hạn chế... nên công ty tham gia có thể thổi giá bất động sản nhằm tăng giá trị cổ phiếu.
Trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước phiên chất vấn chiều 16/3, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, việc đấu giá quyền sử dụng đất được điều chỉnh bởi các quy định về đất đai, đấu giá tài sản, quản lý thuế.
Thời gian qua, các địa phương đã đẩy mạnh việc này để giao đất, cho thuê đất đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Cơ bản việc này đã hạn chế tiêu cực, lợi dụng cơ chế xin - cho, chỉ định người được giao đất, thuê đất để mưu lợi cá nhân, làm thất thoát tài sản và góp phần bổ sung nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Hà nhận định vẫn còn nhiều “lỗ hổng” pháp lý.
Cụ thể, một số quy định về trình tự, thủ tục đấu giá của Luật Đấu giá tài sản chưa chặt chẽ, chưa đảm bảo tính linh hoạt để xử lý các tình huống phát sinh trong đấu giá loại tài sản đặc biệt (như quyền sử dụng đất). Cụ thể, mức tiền đặt trước chưa phù hợp, chưa có quy định mang tính nguyên tắc về áp dụng đấu giá bằng hình thức trực tuyến với tài sản công có giá trị cao như thông lệ của các nước...
Ngoài ra, quy định về đấu giá quyền sử dụng đất cũng còn hạn chế. Hiện chỉ có Luật Đất đai và Nghị định 43/2014 quy định về điều kiện, năng lực tài chính của tổ chức tham gia. Hệ thống pháp luật về đấu giá tài sản, tín dụng, đầu tư, nhà ở chưa nêu rõ điều kiện vốn chủ sở hữu, tính khả thi về huy động vốn và phương án đầu tư kinh doanh trên khu đất trúng đấu giá phù hợp với yêu cầu quản lý trong bối cảnh hiện nay.
Chưa kể, hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất gồm nhiều khâu, quy trình thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của nhiều bộ, ngành, địa phương. Thời gian từ khi trúng đấu giá đất đến khi hủy quyết định do người trúng không nộp đủ tiền khá dài.
Theo Bộ trưởng, những “lỗ hổng” nêu trên là sơ hở để các công ty tham gia đấu giá thực hiện các ý đồ như “thổi giá” bất động sản để tăng giá trị cổ phiếu, cơ cấu lại khoản nợ trong các ngân hàng, bán hàng tồn đọng...
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng nhìn nhận, tại một số địa phương đã xuất hiện hiện tượng “cò đấu giá”, “quân xanh- quân đỏ”, để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá trước khi cuộc đấu giá diễn ra và tình trạng “xã hội đen” đe dọa cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá phải xin rút hồ sơ.
Để bịt những lỗ hổng trên, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng cần thống nhất về mặt nhận thức trong định giá đất. Giá đất trúng đấu giá là giá đặc thù, cá biệt; cân nhắc kỹ khi coi giá đất trúng đấu giá là thông tin đầu vào để xác định giá đất cụ thể. Ngoài ra, cần tổng kết, đánh giá sửa đổi Luật Đấu giá tài sản, trong đó trú trọng quy định cụ thể về đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất.
Ngoài ra, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan liên quan như Bộ Tư Pháp với việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất; Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo rà soát các tổ chức tín dụng cho các nhà đầu tư vay tiền tham gia đấu giá đất để đảm bảo an toàn tín dụng.
UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo làm tốt việc xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất bảo đảm sát giá thị trường; quản lý chặt hồ sơ; giám sát doanh nghiệp đấu giá tài sản; tăng quan hệ giữa tổ chức bán đấu giá với cơ quan công an để đảm bảo an ninh trật tự, đồng thời áp dụng linh hoạt hình thức đấu giá, mở rộng hình thức trực tuyến...
Riêng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Hà cho biết, Bộ đang tích cực hoàn thiện dự án Luật đất đai (sửa đổi), thực hiện các thủ tục, trình tự xây dựng dự án Luật theo đúng quy định để trình Quốc hội sau khi Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định những chủ trương lớn cần cần tiếp tục đổi mới trong quá trình tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW.
Bộ cũng chủ động rà soát, đánh giá hơn 100 luật, bộ luật có liên quan đến đất đai để xác định các nội dung còn chồng chéo, thiếu thống nhất để sửa đổi.
Sau rất nhiều lần lùi, hoãn, dự án Luật đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội quyết định đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, xin ý kiến Quốc hội lần đầu vào kỳ họp tháng 5 và lần 2 vào kỳ họp tháng 10.
Người ‘thổi giá’ đất 30 tỷ đồng/m2 rồi bỏ ngang tại Sóc Sơn có bị xử phạt? 
Ngã ngửa với những cuộc gọi của môi giới, ‘thổi giá’ nhà tăng cao rồi mất hút