Vì sao tỉnh nhỏ nhất Việt Nam muốn 'nâng cấp' dự án sân bay hơn 30.000 tỷ thành cảng hàng không?
UBND tỉnh Bắc Ninh đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT xem xét, chấp thuận, cập nhật và bổ sung sân bay Gia Bình vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc.
Mới đây, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn đã ký công văn đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho phép chuyển đổi sân bay chuyên dùng Gia Bình thành Cảng hàng không Gia Bình công suất quy hoạch dự kiến từ 1-3 triệu hành khách/năm.
Cụ thể, UBND tỉnh Bắc Ninh đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT xem xét, chấp thuận cập nhật, bổ sung Cảng hàng không Gia Bình vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời giao cho tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Bộ Công an triển khai các thủ tục đầu tư dự án theo quy định của pháp luật.
Vì đâu Bắc Ninh muốn nâng cấp thành Cảng hàng không Gia Bình?
Theo như đề xuất, Cảng hàng không Gia Bình có quy mô cấp 4E, công suất quy hoạch dự kiến là vận chuyển hành khách từ 1-3 triệu hành khách/năm (có dự phòng phát triển mở rộng đáp ứng công suất khoảng 5 triệu hành khách/năm); vận chuyển hàng hóa từ 250.000-1.000.000 triệu tấn hàng hóa/năm (có dự phòng phát triển mở rộng đáp ứng công suất từ 1,5 - 2 triệu tấn hàng hóa/năm).
>> Nhà ga sân bay lớn nhất Việt Nam đón tin vui
UBND tỉnh Bắc Ninh đã đề xuất quy hoạch bổ sung các công trình khu bay trên cơ sở tận dụng hạ tầng đã được Bộ Công an xây dựng; quy hoạch bổ sung sân đỗ máy bay nhằm phục vụ vận chuyển hành khách và hàng hóa; quy hoạch nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa, khu vực logistics và xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Tổng mức đầu tư Dự án Cảng hàng không Gia Bình ước khoảng 31.300 tỷ đồng.
Nói về sự cần thiết của việc hình thành Cảng hàng không Gia Bình, UBND tỉnh Bắc Ninh cho rằng Bộ Công an đang đầu tư xây dựng sân bay chuyên dùng Gia Bình với công trình khu bay (đường băng, đường lăn, sân đỗ) nhằm đáp ứng tiêu chuẩn sân bay cấp 4E của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).
Theo UBND tỉnh Bắc Ninh, để tăng cường hiệu quả đầu tư của Dự án, tận dụng cơ sở hạ tầng khu bay đang được đầu tư xây dựng, việc hình thành Cảng hàng không Gia Bình nhằm phục vụ vận chuyển hành khách và hàng hóa vừa đảm bảo an ninh - quốc phòng, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội của địa phương là cần thiết.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Ninh, mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Bắc Ninh sẽ trở thành TP trực thuộc Trung ương; là trung tâm kinh tế, văn hóa năng động của khu vực phía Bắc; một trong những cực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, kết nối chặt chẽ với Thủ đô Hà Nội; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển đồng bộ, hiện đại. Quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo. Người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Bắc Ninh sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương, thuộc nhóm địa phương đứng đầu cả nước về quy mô kinh tế; là một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển, sản xuất thông minh hàng đầu châu Á và thế giới; là TP xanh, thông minh, hiện đại và đáng sống với trình độ phát triển cao, mang đậm bản sắc văn hóa Bắc Ninh - Kinh Bắc. Người dân được hưởng thụ các dịch vụ xã hội và chất lượng cuộc sống ngang với các nước phát triển trong khu vực Châu Á.
Một trong số những đột phá phát triển của tỉnh Bắc Ninh chính là việc hoàn thiện hạ tầng các KCN nhằm thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế, chuyển đổi các KCN theo hướng xanh, tuần hoàn và bền vững; phát triển hạ tầng thương mại, thương mại điện tử, phát triển các trung tâm logistics lớn luân chuyển hàng hóa của khu vực phía Bắc và cả nước.
Với những mục tiêu phát triển và mang tính đột phá của tỉnh Bắc Ninh, việc vận chuyển hàng hóa hàng không nhằm thúc đẩy sản xuất thương mại, thương mại điện tử để phát triển các trung tâm logistics trong tỉnh được xem là ưu tiên hàng đầu.
Trong suốt thời gian vừa qua, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp với Bộ Công an thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cho giai đoạn 1 của Dự án xây dựng sân bay Gia Bình cũng như hoàn thành và bàn giao đất cho Bộ Công an để triển khai xây dựng sân bay.
Cùng với việc Bộ Công an khẩn trương nghiên cứu đầu tư xây dựng sân bay Gia Bình giai đoạn 2, nhằm đạt tiêu chuẩn sân bay cấp 4E, đảm bảo phục vụ các chuyến bay chuyên cơ cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính khách quốc tế trên các loại máy bay như Airbus A320, A350-900, Boeing 787-9…, đồng thời đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách khi cần thiết, UBND tỉnh Bắc Ninh đã tích cực huy động nguồn lực và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai công tác giải phóng mặt bằng toàn bộ khu vực sân bay. Điều này được thực hiện nhằm sẵn sàng cho việc triển khai giai đoạn 2 ngay khi chủ trương đầu tư được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thực hiện chỉ đạo từ Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Bắc Ninh đã chủ động xây dựng và hoàn thiện đề án nghiên cứu khả năng phát triển Cảng hàng không Gia Bình. Đề án tập trung vào việc chuyển đổi sân bay chuyên dùng Gia Bình thành một cảng hàng không dân dụng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và kết nối vùng.
Theo quy hoạch ban đầu, sân bay Gia Bình có diện tích 125ha, nằm trên địa bàn xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.
Tuy nhiên, với đề xuất của tỉnh Bắc Ninh về việc nâng cấp thành Cảng hàng không Gia Bình, diện tích sân bay sẽ được mở rộng lên hơn 360ha, tức gấp ba lần quy mô ban đầu.
Phạm vi mở rộng sẽ bao gồm xã Xuân Lai, thị trấn Gia Bình và xã Quỳnh Phú (huyện Gia Bình). Đường băng cất và hạ cánh cũng sẽ được nâng cấp, kéo dài đến 4.500m để đáp ứng nhu cầu vận tải hiện đại.
Sân bay Gia Bình nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 40km. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Bắc Ninh đang nghiên cứu phương án xây dựng một tuyến đường mới, chạy song song với quốc lộ 17 hiện hữu, kết nối trực tiếp sân bay với trung tâm Hà Nội. Tuyến đường này dự kiến có chiều rộng từ 80-100m và sẽ đi qua các huyện Gia Bình, Lương Tài, thị xã Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh), cũng như các khu vực Gia Lâm, Long Biên, và Đông Anh (TP. Hà Nội).
Khi hoàn thành, tuyến đường sẽ giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ sân bay về Hà Nội còn khoảng 30-35 phút. Ngoài ra, sân bay cũng chỉ cách đường vành đai 4 Vùng Thủ đô khoảng 1,5-2km, tăng cường khả năng kết nối vùng.
Vị trí sân bay Gia Bình được đánh giá là chiến lược khi nằm gần trung tâm của nhiều khu công nghiệp lớn tại các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương và khu vực phía Bắc TP. Hà Nội.
Sau khi hoàn thành, sân bay không chỉ phục vụ hành khách mà còn đóng vai trò quan trọng trong vận chuyển hàng hóa từ các khu công nghiệp này, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực.
Bắc Ninh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc của Việt Nam, thuộc vùng Đồng bằng Sông Hồng. Tính đến năm 2023, tỉnh Bắc Ninh là tỉnh có diện tích nhỏ nhất Việt Nam. Tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh Bắc Ninh là 822,7km2 (chiếm khoảng 0,15% diện tích cả nước), nhỏ hơn gấp 20 lần so với tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước là Nghệ An (16.490,25km2).
>> Đô thị đặc biệt của Việt Nam đề xuất xây mới 5 cầu vượt nhẹ tại 4 quận
Thành phố giàu bậc nhất Việt Nam sẽ khởi công 1 trung tâm logistics trước ngày 30/4/2025 
Đề xuất thu hồi hơn 37.000m2 tại quận đông dân bậc nhất TP. HCM để xây trường học