Cho đến nay, vị Giáo sư này vẫn là người giữ kỷ lục là Tổng biên tập cao tuổi nhất, giữ chức lâu nhất trong làng báo Việt Nam.
Nhà báo  Đào Nguyên Cát sinh năm 1927, tại xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng. Dòng họ Đào của ông ở quê nhà vốn là dòng họ nổi danh. Có câu: “Đông Cổ Am, Nam Hành Thiện” bởi đất Cổ Am từng sinh ra nhiều nhân vật lẫy lừng, hoạt động trong các ngành văn hóa, khoa học của đất nước.
Sau Cách mạng Tháng Tám, ông Đào Nguyên Cát rời ghế nhà trường tham gia hoạt động cách mạng. Sau này, ông được Thủ tướng Chính phủ phong học hàm Giáo sư  chuyên ngành kinh tế học.
Giáo sư Đào Nguyên Cát thông thạo nhiều ngoại ngữ như Pháp, Trung và Nga. Trong cuộc đời gần 1 thế kỷ của mình, Giáo sư Đào Nguyên Cát bảo rằng có lẽ ông có duyên nợ với nghề báo chí và tuyên huấn nên ngay từ những ngày đầu khởi nghĩa, ông đã gắn với nó.
Đầu những năm 50 của thế kỷ trước, ông là lớp cán bộ đầu tiên được cử đi học lý luận cách mạng ở Trung Quốc và Liên Xô. Và rồi suốt quãng thời gian công tác mấy chục năm ở Ban Tuyên huấn Trung ương, ông gắn bó với công việc giảng bài, soạn sách, viết báo và làm Tổng biên tập các tạp chí và Tổng biên tập Nhà xuất bản sách giáo khoa Mác - Lênin.
Nhưng dấu ấn trong cuộc đời làm báo của ông lại bắt đầu từ công việc khi ông đã ngoài 60 tuổi và nhận quyết định nghỉ hưu ở Ban Tuyên huấn Trung ương, đó là khởi nghiệp với nghề Tổng Biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam, năm 1991, do Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam thành lập.
Sự tài giỏi của ông để mọi người phải kính phục chính là việc ông “tay không bắt giặc”, “không bột vẫn gột nên hồ”. Từ Tổng biên tập "3 không”: “không tiền, không tòa soạn, không bộ máy”, thế mà trong gần 30 năm, ông đã cùng các cộng sự Thời báo Kinh tế Việt Nam từng bước xây dựng nên một tổ hợp báo chí – truyền thông lớn mạnh, đưa Thời báo Kinh tế Việt Nam trở thành một tờ báo có thương hiệu nổi tiếng về kinh tế trong nền báo chí cách mạng Việt Nam và lan tỏa cả ra nước ngoài.
Cái tài giỏi nữa của ông là việc thời gian đó, ông và các cộng sự đã đưa Thời báo Kinh tế Việt Nam, một trong hai tờ báo đầu tiên của Việt Nam, hợp tác với đối tác nước ngoài trong việc làm báo. Sự việc này đánh dấu một bước đổi mới tư duy trong việc thiết kế, trình bày tờ báo ở Việt Nam…
Ngoài ra, dưới sự lãnh đạo của ông, Thời báo Kinh tế Việt Nam còn tổ chức hàng loạt các chương trình Liên hoan vinh danh thường niên như Rồng Vàng (Golden Dragon Awards), Thương hiệu mạnh Việt Nam, Du lịch (The Guide Awards), Tin dùng Việt Nam, tổ chức các cuộc hội thảo, diễn đàn… liên quan đến các vấn đề kinh tế, được các lãnh đạo Đảng Nhà nước, các doanh nghiệp tin tưởng, khen ngợi.
Giáo sư Đào Nguyên Cát chính là Tổng biên tập  lớn tuổi và giữ chức lâu nhất làng báo Việt Nam. Trong suốt sự nghiệp, ông đã công tác qua hơn 10 cơ quan báo chí. Vì thế, nhiều người thường gọi ông với biệt danh “Tổng biên tập có tuổi đời lớn nhất và thời gian giữ chức nhiều nhất”, “Nhà báo có tuổi nghề dài nhất”, “Người viết báo bền bỉ nhất”, “Tổng biên tập U100”…
Ông còn được Đại tướng Võ Nguyên Giáp  thân mật gọi là “Trưởng lão làng báo”.
Sáng ngày 6/10/2023, Giáo sư Đào Nguyên Cát đã từ trần, hưởng thọ 97 tuổi. Với những thành tích nổi bật, Giáo sư Đào Nguyên Cát đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến, Huân chương Độc lập hạng Ba...