Vị tướng chỉ huy tài ba từng xuất hiện trên tem Bưu chính Việt Nam, là người nước ngoài đầu tiên nhận huân chương cao quý bậc nhất của Chính phủ Campuchia

18-04-2024 07:05|Nam Trần

Với 73 tuổi đời, 50 tuổi Đảng, ông được giao nhiều chức vụ quan trọng trong nhiều lĩnh vực: quân sự, chính trị, ngoại giao, kinh tế, xã hội.

Tham gia cách mạng từ sớm

Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện tên thật là Lưu Văn Thi, sinh ngày 20/10/1922 tại ngõ Mai Viên, đường Agent Blambay (nay là đường Trần Bình Trọng, phường Lương Khánh Thiện, quận Ngô Quyền), thành phố Hải Phòng. Bố của ông, cụ Lưu Văn Ngữ là một người học Nho và là một đầu bếp giỏi ở Hải Phòng. Ông cụ vốn là người có tư tưởng yêu nước, từng tham gia tổ chức đưa người sang Trung Quốc cho cụ Phan Bội Châu trong phong trào Đông Du và là người sáng lập Hội Ái hữu công nhân tư gia thành phố Hải Phòng.

Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện lúc trẻ

(TyGiaMoi.com) - Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện lúc trẻ

Sớm ảnh hưởng tư tưởng yêu nước từ cha nên ngay từ khi còn là học sinh Trường Bonnal, Hoàng Thế Thiện đã tích cực tham gia vào các hoạt động yêu nước trên khắp địa bàn Hải Phòng. Năm 1940, ông được cử làm Ủy viên Ban Trị sự Hội Truyền bá quốc ngữ thành phố Hải Phòng. Sau đó 2 năm, ông tham gia Đoàn Thanh niên Cứu quốc, phụ trách xây dựng cơ sở tại thành phố Hải Phòng, thống nhất đầu mối chỉ đạo

Tháng 3 năm 1943, do có sự phản bội của một Việt gian được mật thám Pháp cài vào tổ chức, ông bị chính quyền thực dân Pháp bắt tại Ngân hàng Đông Dương và đưa ra xử tại tòa án binh Hà Nội. Ông bị kết án 5 năm tù khổ sai, bị giam tại nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), rồi bị đày lên nhà tù Sơn La.

Chân dung Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện

(TyGiaMoi.com) - Chân dung Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện

Trong suốt quãng thời gian ở trong tù, mặc cho bị tra tấn dã man thế nhưng ông không nhụt chí đấu tranh. Ông được kết nạp vào nhóm Trung Kiên ở Hỏa Lò và Hội Lao tù Cứu quốc ở Sơn La, được nhà cách mạng Trần Đăng Ninh trực tiếp huấn luyện về công tác bí mật và vận động quần chúng.

Mùa thu năm 1945, ông tham gia cướp chính quyền tại thị xã Thái Nguyên. Trên cương vị là Đội trưởng Đội Vũ trang tuyên truyền Cứu quốc quân Vũ Nhai, ông đã lãnh đạo cuộc biểu tình trên 5.000 người tuần hành vũ trang thị uy tiến vào nội ô thị xã Thái Nguyên vào chiều ngày 19/08-/945. Cuộc biểu tình tuần hành thị uy của quần chúng do ông lãnh đạo là bước thắng lợi có ý nghĩa quyết định, làm bàn đạp để Chính phủ lâm thời và Giải phóng quân sớm về được Thủ đô

Tháng 9/1945, ông đảm nhận chức Thường vụ Tỉnh ủy - Chủ nhiệm Việt Minh tỉnh Thái Nguyên, Ủy viên Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Thái Nguyên. Ông Hoàng Thế Thiện được xem là người lãnh đạo chủ chốt đầu tiên của tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Thái Nguyên. Sau đó 1 năm, ông Thiện đảm nhận chức Thường vụ Tỉnh ủy - Chủ nhiệm Việt Minh tỉnh Vĩnh Yên.

Vị tướng tài của Quân đội nhân dân Việt Nam

Tháng 4/1947, ông Hoàng Thế Thiện đảm nhận vị trí Phái viên Chính trị Khu 10, rồi Trưởng phòng Chính trị Liên Khu 10 - Quân khu ủy viên sau khi được điều vào Quân đội nhân dân Việt Nam. Đây được xem là cột mốc bắt đầu cuộc đời binh nghiệp của ông.

Nụ cười của 'Vị tướng Chính ủy' Hoàng Thế Thiện ở Trường Sơn

(TyGiaMoi.com) - Nụ cười của 'Vị tướng Chính ủy' Hoàng Thế Thiện ở Trường Sơn

Trong suốt những năm tháng hoạt động, chiến đấu trên khắp các chiến trường vô cùng gian khổ, trải qua biết bao thăng trầm, sóng gió, Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện đã tự khẳng định vị trí của một vị tướng tài trong quân đội với nhiều trận đánh nổi tiếng lịch sử, đặc biệt là Chiến dịch Hồ Chí minh lịch sử.

Với cương vị là Chính ủy đầu tiên quân đoàn 4, Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện trực tiếp chỉ huy lực lượng đánh địch trên hướng Dầu Tiếng - Chơn Thành trên hai hướng Quốc lộ 13 và quốc lộ 20 vào tháng 2/1975. Ông đã cùng các đơn vị bộ đội giải phóng quận lỵ Dầu Tiếng, tiến công địch ở An Lộc - Chơn Thành, rồi lật cánh, cùng lực lượng toàn Quân đoàn thực hành trận đánh 12 ngày đêm ở Xuân Lộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn dò Chính ủy Cục Không quân Hoàng Thế Thiện (thứ nhất từ phải sang) và cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị nhân dịp Người đến thăm và nói chuyện tại Hội nghị tổng kết phong trào thi đua của Cục Không quân, tháng 12-1959

(TyGiaMoi.com) - Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn dò Chính ủy Cục Không quân Hoàng Thế Thiện (thứ nhất từ phải sang) và cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị nhân dịp Người đến thăm và nói chuyện tại Hội nghị tổng kết phong trào thi đua của Cục Không quân, tháng 12-1959

Chiến dịch Xuân Lộc đã đập tan chiến tuyến phòng thủ kiên cố nhất của địch, mở toang cánh cửa phía Đông, tạo thuận lợi cho các quân đoàn chủ lực triển khai lực lượng tiến công giải phóng Sài Gòn và tham gia chỉ huy cánh quân hướng Đông - một trong năm cánh quân tiến về giải phóng Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Quân đoàn 4 sau đó phối hợp với các lực lượng lần lượt giải phóng Trảng Bom, sân bay Biên Hòa, Tam Hiệp và tiến thẳng về Sài Gòn. Trên hướng Tây Nam, Sư đoàn 9 (lực lượng chủ yếu trong đội hình Đoàn 232) giải phóng thị xã Hậu Nghĩa, Long An, Bến Lức, các địa bàn thuộc quận 8, quận 10, quận 5, đánh chiếm Biệt khu Thủ Đô, bắt sống tướng Lâm Văn Phát - Tư lệnh Biệt khu. Đến trưa ngày 30/4/1975, đội hình Quân đoàn 4 có mặt tại Sài Gòn - “Điểm hẹn lịch sử” - trong giờ phút thiêng liêng của ngày vui Đại thắng.

Bộ Tư lệnh đầu tiên của Sư đoàn 9 - Sư đoàn chủ lực đầu tiên của Quân giải phóng miền Nam tại chiến trường Tây Ninh, năm 1965 (từ phải sang trái là các đồng chí: Phó Chủ nhiệm Chính trị Nguyễn Văn Quảng, Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị Hoàng Thế Thiện, Chính ủy Lê Văn Tưởng, Tư lệnh Hoàng Cầm)

(TyGiaMoi.com) - Bộ Tư lệnh đầu tiên của Sư đoàn 9 - Sư đoàn chủ lực đầu tiên của Quân giải phóng miền Nam tại chiến trường Tây Ninh, năm 1965 (từ phải sang trái là các đồng chí: Phó Chủ nhiệm Chính trị Nguyễn Văn Quảng, Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị Hoàng Thế Thiện, Chính ủy Lê Văn Tưởng, Tư lệnh Hoàng Cầm)

Sau này ông còn là Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng Kinh tế - Bí thư Đảng ủy Tổng cục.

Đặc biệt, giai đoạn 1978-1982, Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện được giao thực hiện nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Campuchia. Trong khoảng thời gian này, ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đóng góp một phần rất quan trọng trong công tác giúp nước bạn khôi phục nhiều lĩnh vực.

Ghi nhận những công lao của Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện, ngày 22/11/2019, Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni đã ký Sắc lệnh truy tặng ông Huân chương Hoàng gia Sahametrei hạng Nhất vì đã có đóng góp to lớn trong thời kỳ làm nghĩa vụ quốc tế giúp cách mạng Campuchia 1978-1982. Đây là phần thưởng cao quý, sự ghi nhận, biểu dương của Vương quốc Campuchia dành cho Thiếu tướng Thiện và cũng là lần đầu tiên Campuchia truy tặng Huân chương Hoàng gia Sahametrei cho người nước ngoài.

Người cha rất đỗi nhân văn của hàng ngàn trẻ mồ côi

Trong khoảng thời gian 1982 -1983, ông được điều về nước làm Thứ trưởng thứ nhất Bộ Thương binh và Xã hội, đồng thời đảm nhiệm chức vụ Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa II.

Tháng 2/1987, ông làm Thứ trưởng thường trực đầu tiên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện cũng là người đại diện cho Chính phủ Việt Nam đàm phán và ký hiệp định với Làng trẻ em SOS Quốc tế về việc thành lập Làng trẻ em SOS Việt Nam. Đây là nơi chăm sóc, nuôi dưỡng, hỗ trợ trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, góp phần vào sự phát triển ổn định của xã hội.

Đồng đội, gia đình và các em thuộc Làng trẻ SOS trong lễ ra mắt sách

(TyGiaMoi.com) - Đồng đội, gia đình và các em thuộc Làng trẻ SOS trong lễ ra mắt sách "Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện - Người đi suốt cuộc trường chinh"

Từ Làng trẻ em SOS Mai Dịch tại Hà Nội được thành lập đầu tiên, đến nay đã phát triển thành hệ thống Làng trẻ em SOS Việt Nam tại 17 tỉnh, thành trên cả nước, với hàng chục ngàn người đang hưởng những lợi ích do tổ chức này mang lại.

Ghi nhận công lao to lớn của Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện trong việc đưa Làng trẻ em SOS trở lại Việt Nam, năm 1989, Ban Lãnh đạo Viện Hermann Gmeiner thuộc Làng trẻ em SOS Quốc tế đã trao tặng ông “Kim vàng danh dự”. Cho đến nay, ông là người Việt Nam đầu tiên được trao tặng vinh dự này. Chủ tịch danh dự Làng trẻ em SOS Quốc tế Helmut Kutin đã tôn vinh ông là “Người cha rất đỗi nhân văn của hàng ngàn trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi không nơi nương tựa ở Việt Nam”.

Bộ tem Chiến sĩ cách mạng Hoàng Thế Thiện (1922-1995) gồm mẫu tem giá 4.000 đồng do họa sĩ Vương Ánh Nguyệt thực hiện và chính thức phát hành trên toàn quốc từ ngày 20.10.2022

(TyGiaMoi.com) - Bộ tem Chiến sĩ cách mạng Hoàng Thế Thiện (1922-1995) gồm mẫu tem giá 4.000 đồng do họa sĩ Vương Ánh Nguyệt thực hiện và chính thức phát hành trên toàn quốc từ ngày 20.10.2022

Với 50 tuổi Đảng và hơn 55 năm hoạt động cách mạng, ông được Nhà nước phong tặng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng nhất, 4 Huân chương Quân công (2 hạng nhất, 1 hạng nhì, 1 hạng ba) cùng nhiều huân huy chương, kỷ niệm chương, huy hiệu khác.

Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện từ trần hồi 14 giờ 40 phút ngày 5/9/1995 tại Viện Quân y 175, Thành phố Hồ Chí Minh sau một cơn bạo bệnh, thọ 73 tuổi.

Nhằm tri ân và tôn vinh công lao của Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện đối với Tổ quốc, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa phát hành bộ tem Chiến sĩ cách mạng Hoàng Thế Thiện (1922-1995) gồm mẫu tem giá 4.000 đồng do họa sĩ Vương Ánh Nguyệt thực hiện và chính thức phát hành trên toàn quốc từ ngày 20/10/2022. Các thành phố trực thuộc Trung ương như Thủ đô Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ cùng nhiều địa phương trên khắp cả nước cũng đã có những tuyến đường mang tên ông.

Tham khảo:
- Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện - Vị tướng tài trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử- Báo Lao động (30/04/2020)
- Hé lộ về 'Vị tướng Chính ủy' Hoàng Thế Thiện vừa lên tem Bưu chính Việt Nam - Báo Thanh niên (27/10/2022)
- Vị tướng được vinh danh đặc biệt - Báo Quân đội nhân dân (02/11/2021)

>> Trung tướng đầu tiên của QĐND Việt Nam: Được Bác Hồ giao đặc trách cả Nam Bộ, là người đầu tiên trong quân đội được nhận Huân chương Quân công hạng Nhất

Thân thế vị tướng được Bác Hồ đặt biệt danh 'cây gỗ mun': Được phong tướng trước Đại tướng Võ Nguyên Giáp, là Tư lệnh đầu tiên của Binh chủng Pháo binh

Vị tướng nức danh trung nghĩa là ‘khai quốc công thần’ triều Nguyễn, được xưng tụng là 1 trong 5 mãnh tướng tài ba của ‘Ngũ hổ tướng Gia Định’

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/vi-tuong-chi-huy-tai-ba-tung-xuat-hien-tren-tem-buu-chinh-viet-nam-la-nguoi-nuoc-ngoai-dau-tien-nhan-huan-chuong-cao-quy-bac-nhat-cua-chinh-phu-campuchia-d120628.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Vị tướng chỉ huy tài ba từng xuất hiện trên tem Bưu chính Việt Nam, là người nước ngoài đầu tiên nhận huân chương cao quý bậc nhất của Chính phủ Campuchia
    POWERED BY ONECMS & INTECH