Ông là vị vua Việt Nam đầu tiên lấy vợ Tây và cũng có nhiều vợ là người các dân tộc khác nhau.
Lê Thần Tông (1607-1662) có tên húy Lê Duy Kỳ, là vị vua  thứ 17 của nhà Hậu Lê. Ông là con trai trưởng của vua Lê Kính Tông và hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trinh – con thứ của chúa Trịnh Tùng.
Lúc ông sinh ra, vua nhà Lê chỉ còn trên danh nghĩa, mọi quyền hành ở Đàng Ngoài đều thuộc họ Trịnh, còn Đàng Trong thì do chúa Nguyễn cát cứ. Sử sách ghi lại, vua Thần Tông cưới 6 bà vợ, sinh được 10 người con, trong đó có 4 con trai.
Vị vua 2 lần lên ngôi, có 4 con trai đều làm vua
Năm 1619, vua Lê Kính Tông bị Trịnh Tùng ép thắt cổ chết. Duy Kỳ lúc này mới 12 tuổi, được đánh giá là vị vua có tướng mạo đế vương với sống mũi cao, mặt rồng, ông được đưa lên làm vua, lấy hiệu là Lê Thần Tông. Ông cũng được nhận định là người thông minh, học rộng, mưu lược sâu sắc và giỏi văn chương.
Lê Thần Tông làm vua 24 năm thì nhường ngôi cho con trai 13 tuổi Lê Duy Hựu (hiệu là Chân Tông) và trở thành Thái thượng hoàng. Tuy nhiên, tại vị chỉ được 7 năm thì Lê Chân Tông ốm, qua đời nên Thái thượng hoàng Lê Duy Kỳ trở lại làm vua.
Đến năm 1662, Lê Thần Tông qua đời, an táng tại Ngọc Long, xã Quần Lai, huyện Dương Lôi (nay là huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa). Nối ngôi Thần Tông là con trai thứ tên Lê Duy Vũ (hiệu là Huyền Tông) cũng chỉ làm vua được 9 năm thì bệnh rồi qua đời.
Kế vị cũng là một con trai nữa của Thần Tông tên Lê Duy Hợi (hiệu là Gia Tông) nhưng ông cũng không qua được bạo bệnh sau 4 năm sở hữu ngôi báu. Tiếp đó, con út của Lê Thần Tông tên Lê Duy Hợp (hiệu là Hy Tông) nối ngôi.
Tạo ra kỷ lục đặc biệt khi lấy vợ Tây
Vua Lê Thần Tông là vị vua Việt Nam đầu tiên lấy vợ Tây và cũng là vua có nhiều vợ là người các dân tộc. Ông có 6 người vợ, trong đó người vợ đầu là bà Trịnh Thị Ngọc Trúc do chúa Trịnh Tráng ép vua phải lấy con gái của mình để tấn phong làm hoàng hậu . Năm ấy vua Lê Thần Tông mới 23 tuổi còn bà Ngọc Trúc đã ở tuổi 36.
Ngoài ra, vua Lê Thần Tông có 5 phi tần nữa và điều kỳ lạ là mỗi bà thuộc một dân tộc: vợ thứ hai là người Thái, vợ thứ ba là người Mường, vợ thứ tư là người Hán, vợ thứ năm người Lào và vợ thứ sáu là người Hà Lan.
Trong cuốn Tường trình về Đàng Ngoài (Historie du Royaume de Tunquin), linh mục người Pháp Alexandre de Rhodes chép nhiều việc về thời Lê – Trịnh, có đoạn cho biết người vợ thứ 6 của vua Lê Thần Tông là cung phi người Hà Lan. Sách này cũng ghi việc chúa Đàng Ngoài đã cầu cứu các thương gia người Hà Lan khi ấy đã chiếm đóng Java (Indonesia), xin họ cung cấp cho một số tàu. Người Hà Lan đã đồng ý ngay vì biết vua chúa Đàng Ngoài cần những tàu đó để tiến đánh Đàng Trong.
Theo các tài liệu, người vợ Hà Lan của vua tên Orona, là con gái Phó Toàn quyền Hà Lan tại Đài Loan (Trung Quốc). Năm 1630, trong chuyến sang Việt Nam, bà Orona được gặp vua Lê Thần Tông ở Thăng Long. Nghe lời khuyên của cha, bà đã ở lại làm phi của vua Lê.
Sáu người vợ của vua Lê Thần Tông sống với nhau rất hòa thuận. Tương truyền, 6 pho tượng nhập thần của 6 người vợ vua ở chùa Mật Sơn, tỉnh Thanh Hóa là do 6 bà chung lòng, chung sức bỏ tiền công đức ra làm, với nguyện ước mãi mãi bên nhau.
Một chi tiết khá thú vị khác về vị vua nổi tiếng này là ngoài 10 người con đẻ, vua còn có 4 người con nuôi, trong đó có con riêng của vợ và một con nuôi người gốc Hà Lan tên là Charles Hartsinck. Đây là được coi là người Hà Lan đầu tiên được phép mở hiệu buôn ở nước ta, đặt nền móng cho việc xây dựng thương điếm Hà Lan ở Phố Hiến .
>> Vị phi tần đầu tiên và duy nhất của Trung Hoa dám ly hôn với Hoàng đế là ai?