Ông quen thuộc với tất cả con dân Việt, được mỗi người Việt Nam nhớ đến vào dịp Tết Nguyên đán.
Cuộc "tuyển vua" có một không hai
Hùng Vương  thứ 7 - Lang Liêu là một trong những ông vua nổi tiếng nhất trong 18 đời vua Hùng. Ông là người gắn liền với sự ra đời của bánh chưng , bánh giầy - hai món ăn truyền thống của Việt Nam. Không chỉ vậy, ông còn được biết đến là vị vua duy nhất lên ngôi nhờ thi cử.
Tương truyền, sau khi phá tan giặc Ân, đất nước bình yên, Hùng Vương thứ 6 (Hùng Hy Vương) nghĩ đến chuyện tìm người kế thừa ngôi báu. Ông bèn gọi các con trai đến phán rằng: “Ta muốn truyền ngôi cho kẻ nào làm ta vừa ý. Cuối năm nay, mỗi con hãy mang đến mâm cỗ với các thứ mỹ vị để ta dâng cúng tổ tiên, làm tròn đạo hiếu, cỗ của ai khiến ta vừa ý nhất thì sẽ được truyền ngôi”.
Và như thế, một cuộc thi để có được ngôi báu đã diễn ra giữa các hoàng tử. Họ đua nhau tìm của ngon vật lạ khắp nơi. Duy chỉ có Lang Liêu, tên huý Tiên Lang, hoàng tử 18 của vua Hùng thứ 6 và bà thứ phi hiền hậu, nhan sắc. Vì được nhà vua rất yêu mến, bị các phi khác trong triều ghen ghét, đố kỵ mà vua sinh ghẻ lạnh, bà buồn phiền chết. Lang Liêu cũng vì thế rơi vào hoàn cảnh thân cô, thế cô, lại chưa có vợ, nghèo túng ít người giúp đỡ nên nhìn quanh ngó quẩn không nghĩ được món gì dâng lên.
Lang Liêu trằn trọc mấy đêm không ngủ được, thỉnh thoảng thấy mùi thơm quen quen ấm áp rồi nhận ra hương thơm lúa nếp, nhớ tới mẹ ông rơi nước mắt ngủ thiếp đi. Trong giấc ngủ mơ, mẹ ông hiện về và nói: "Ở đời con người là quý nhất, thứ đến thực phẩm nuôi sống người như gạo tẻ, gạo nếp mà ta vẫn sử dụng gọi là ngọc thực...
Đành rằng gạo tẻ, gạo nếp, đỗ xanh, hành thịt mỡ, nhưng chế biến nó thì không ai giống ai phụ thuộc vào tài gia giảm, cẩn thận, thành tâm. Ngày thường phụ thân con thường nói chuyện với các vị bô lão hai quẻ Kiền, Khôn tức là Trời, Đất. Con làm hai thứ bánh chưng hình vuông tượng trưng cho đất, bánh giày hình tròn tượng trưng cho trời. Hôm nào Tết đến dâng lễ cho phụ vương, nhớ nhắc lời mẹ dặn cho người nghe..."
Tỉnh giấc, Lang Liêu quyết làm theo lời mẹ dặn trong giấc mơ. Rồi chàng cho người chọn thứ gạo nếp trắng tinh, những hạt tròn mẩy nhất vo sạch để làm loại bánh hình vuông tượng trưng cho đất, ở giữa cho nhân gồm đậu xanh, thịt lợn, ngoài bọc lá xanh, đại diện cho cây cỏ muông thú. Bánh gói xong nấu trong nhiều giờ cho chín, gọi là bánh chưng. Chàng lại cho đồ chín gạo nếp giã nhuyễn, nặn thành bánh hình tròn tượng trưng cho trời, gọi là bánh dày.
Đầu xuân năm mới, các quan lang dâng lên vua cha những mâm cúng toàn của ngon vật lạ mà họ lùng kiếm ở chân trời góc bể, riêng mâm cỗ của quan lang thứ 18 là đơn sơ nhất, đến nỗi các anh em chàng đều tỏ ý cười cợt, xem thường. Không ngờ vua Hùng lại dừng lại ở mâm của Liêu lâu nhất.
Ngài hỏi con trai về ý nghĩa, cách làm 2 loại bánh lạ, càng nghe càng gật gù hài lòng, cảm thấy 2 loại bánh này khi dâng cúng sẽ thể hiện được tấm lòng hiếu thảo, biết ơn của ngài đối với tổ tiên và trời đất. Vua bèn truyền ngôi cho Lang Liêu, người trở thành Hùng Vương thứ 7.
Theo bản Nam Việt Hùng Vương Ngọc phả Vĩnh Truyền soạn năm Thiên phúc nguyên niên (năm 980) đời vua Lê Đại Hành và bản Hùng Đồ Thập bát diệp thánh vương Ngọc phả cổ truyền soạn năm Hồng Đức tam nguyên (năm 1472) thời Lê Thánh Tông, Thụy hiệu của Hùng Chiêu Vương là Hùng Chiêu Vương Minh Tông hoàng đế. Tên mỹ tự truy phong là Hùng Vương Dương Long Nghĩa Lĩnh Thần Công Dũng Lược Thánh Vương.
Người vợ được phong Thần
Theo Ngọc phả Hùng Vương do Hàn lâm trực học sĩ Nguyễn Cố phụng mệnh vua Lê biên soạn vào năm 1470, vua Hùng thứ 7 có hiệu là Hùng Chiêu Vương, là một trong những vua Hùng sống rất thọ.
Cũng theo cuốn sách này, trong thời Hùng Chiêu Vương trị vì, đạo Phật  được truyền vào nước ta. Từ các đời vua trước, Ngọc phả có nhắc đến đền chùa nhưng việc tế tự chỉ thấy nói đến thờ thần tiên, tổ tiên, đến vua Hùng thứ 7 mới thấy xuất hiện các từ của nhà Phật như biển Giác, Bát nhã, Niết bàn, ăn ở chay tịnh...
Đời Hùng Chiêu Vương còn có một sự kiện đặc biệt nữa được Ngọc phả kể lại, đó là xuất hiện ấn kiếm tượng trưng cho vương quyền: “Rồi đó Chiêu Vương ngự giá về cung, sai đem khối ngọc khắc thành quả bảo ấn, đem chiếc móng rồng bằng ngọc tạc thành cái chuối kiếm. Trên mặt ấn khắc 3 chữ ‘Thiên Linh ấn’, trên chuôi gươm cũng khắc 3 chữ ‘Thiên Lĩnh nhẫn’. Từ đó xã tắc vô lo, triều đình yên tĩnh”.
Vợ vua là bà Lăng Thị Tiêu - người từng cầm 3.000 quân đánh giặc ở Ngã Ba Hạc giải nguy cho đô thành Văn Lang. Nhân dân thờ bà ở đền Tây Thiên Tam Đảo với mỹ tự truy phong: Tam Đảo Sơn Trụ Quốc Thái Phu nhân Chi Thần. Con trai trưởng là hoàng tử Uy Vương được truyền ngôi báu, sau trở thành Hùng Vương thứ 8.
Về sự ra đời của bà Lăng Thị Tiêu, truyền thuyết kể rằng, ở xã Đông Lộ thuộc vùng Tây Thiên, Tam Đảo (nay là thôn Đông Lộ, xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) có vợ chồng vị tù trưởng rất nổi tiếng là Lăng Phiêu và Đào Thị Liễu, tuổi đã gần 40 mà chưa sinh con.
Trong một lần lên Tây Thiên cầu tự, bà họ Đào mơ thấy trong đám mây vàng có một quần tiên nữ khoảng 7-8 người đang chơi vui, người thì hát, người thì múa, người thì làm thơ, cho đến mờ sáng thì bay về phương Tây. Từ ấy, bà cảm động trong người rồi có thai.
10 tháng sau, bà sinh được một người con gái sắc đẹp chim sa cá lặn, đặt tên là Tiêu, tên hiệu là Nhược Cẩm, lên 4 tuổi biết đàn hát, 6 tuổi hiểu thông văn võ, đến 12 tuổi đã nữ công, nữ tắc không gì là không tường tận, trở thành một trang nữ kiệt ở vùng Đông Lộ và một số huyện lân cận.
Tham khảo:
- Hùng Vương thứ 7, vị vua đầu tiên và duy nhất lên ngôi nhờ thi tuyển - Báo VTC News
- Hùng Vương thứ 7: Từ chàng hoàng tử nghèo trở thành... Vua - Báo Công Luận
- Lăng Thị Tiêu, Quốc mẫu của lòng người dân Việt - Vĩnh Phúc TV
Lịch nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương 2024 mới nhất 
Vị vua phát hành đồng tiền giấy đầu tiên trong lịch sử tiền tệ Việt Nam