Doanh nghiệp A-Z

'Viên kim cương gia bảo' của Masan: Những dấu chân trên con đường Go Global và kế hoạch cho tương lai

Thu Huyền 25/11/2024 07:13

Trong năm 2025, Masan Consumer (MCH) sẽ đẩy mạnh ngành hàng đồ uống nhằm đạt được mục tiêu doanh thu phân bổ theo tỷ lệ 50% đóng góp từ đồ uống và 50% từ thực phẩm.

Masan Group (HoSE: MSN), một trong những tập đoàn hàng đầu Việt Nam, đã và đang định hình con đường vươn ra thế giới với mục tiêu chiến lược rõ ràng. Đối với Masan Consumer (MCH), công ty con phụ trách mảng hàng tiêu dùng nhanh, mục tiêu lớn nhất không chỉ dừng lại ở việc chiếm lĩnh thị trường nội địa mà còn là "Go global" - đưa các sản phẩm Việt Nam đến tay người tiêu dùng toàn cầu.

Được thành lập từ năm 1996, Masan Consumer đã nhanh chóng giữ vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống tại thị trường nội địa sau khi chuyển mình từ mô hình thuần xuất khẩu. Đến nay, MCH đã trở thành một công ty có doanh thu tỷ đô với danh mục các thương hiệu sản phẩm đa dạng và đáng tin cậy trong lĩnh vực hàng tiêu dùng (FMCG).

Chiến lược trọng tâm của Masan là xây dựng thương hiệu với triết lý Mỗi gia đình Việt Nam, mọi sản phẩm Masan. Mỗi gia đình thế giới, ít nhất một sản phẩm Masan. Theo đó, MCH không chỉ hướng đến việc phục vụ 100 triệu người tiêu dùng tại Việt Nam mà còn tham vọng mở rộng quy mô tiếp cận lên 8 tỷ người trên toàn cầu.

Những dấu chân trên con đường Go Global

Masan bắt đầu triển khai chiến lược Go Global vào năm 2023, với mục tiêu đưa các thương hiệu của mình ra thị trường quốc tế. Chiến lược này nhằm tăng tỷ trọng doanh thu từ hoạt động kinh doanh quốc tế lên 15% vào năm 2027, so với mức 4% hiện tại. Để đạt được mục tiêu này, Masan Consumer đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu quốc tế từ 2-3% mỗi năm, tương đương mức tăng gần 4 lần vào năm 2027.

'Viên kim cương gia bảo' của Masan: Những dấu chân trên con đường Go Global và kế hoạch cho tương lai
Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang tại ĐHĐCĐ thường niên 2024

Tại ĐHCĐ thường niên 2024 của Masan, lãnh đạo tập đoàn cho biết sẽ tiếp tục triển khai chiến lược Go Global, phát triển Masan Consumer để trở thành niềm tự hào trong sứ mệnh phụng sự người tiêu dùng. Đây sẽ là "đại sứ ẩm thực" được Masan mang ra thế giới, tìm cách đi những bước vững chắc trong hành trình mang ẩm thực Việt Nam ra 8 tỷ người tiêu dùng thế giới với các nhãn hiệu mạnh.

Theo Chủ tịch HĐQT MCH Trương Công Thắng, công ty hiện sở hữu 5 thương hiệu có doanh thu 150-250 triệu USD gồm Kokomi, Omachi, Chinsu, Nam Ngư và Wakeup 24/7 (đóng góp khoảng 80% tổng doanh thu). Nhấn mạnh dư địa mở rộng thị phần trong thời gian tới còn nhiều, do vậy mục tiêu chiến lược của Masan Consumer là sở hữu 6 thương hiệu tỷ USD, cao cấp hóa sản phẩm và mở rộng phạm vi sản phẩm cho từng thương hiệu, mở rộng thị trường có thể tiếp cận.

Masan đã có những bước đi cụ thể và đạt được thành công nhất định trong việc hiện thực hóa chiến lược toàn cầu hóa. Triển khai chiến lược Go Global năm 2023, Chin-Su đã đi ra thế giới với bộ gia vị dành riêng cho thị trường Nhật Bản. Bên cạnh đó, nước mắm Chin-Su Cá cơm biển Đông cũng đưa sản phẩm ra hàng loạt thị trường quốc tế như Mỹ, Canada, Úc, Châu Âu.

Đáng chú ý, tương ớt Chin-Su Sriracha đã vượt qua hơn 400 thương hiệu tương ớt đang bán trên sàn thương mại điện tử Amazon để ghi danh vào “Top 8 Best Seller”. Đây là cột mốc quan trọng đánh dấu cho hành trình “Vòng quanh thế giới” của Chin-Su.

'Viên kim cương gia bảo' của Masan: Những dấu chân trên con đường Go Global và kế hoạch cho tương lai
Masan Consumer phát triển bộ sản phẩm dành riêng cho thị trường Nhật Bản

Cũng trong năm 2023, Masan Consumer cũng đã phát triển kênh sàn thương mại điện tử trong chiến lược Go Global. Chủ lực là nhãn hàng Chin-Su và Omachi đã tạo tiếng vang tại thị trường Mỹ, Nhật, Hàn Quốc.

Trái ngọt đầu tiên từ chiến dịch Go Global

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT Masan Group gọi Masan Consumer là "viên kim cương gia bảo" của tập đoàn. Năm 2023, công ty này thiết lập mức lợi nhuận kỷ lục mới khi ghi nhận mức lãi sau thuế 7.195 tỷ đồng, tăng trưởng 30% so với năm 2022.

Với Masan Consumer, doanh nghiệp mang về 28.240 tỷ đồng doanh thu thuần (+5% YoY) và 7.194 tỷ đồng lãi sau thuế (+30%) trong năm 2023. Theo số liệu từ công ty, chiến lược Go Global đã giúp mang về cho mảng xuất khẩu của MCH doanh thu 1.005 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận kép hàng năm đạt mức 31% xuyên suốt từ năm 2020 đến năm 2023.

Còn trong 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần và lãi sau thuế lần lượt đạt 21.955 tỷ và 5.553 tỷ đồng, tương ứng tăng 11% và 14% so với cùng kỳ. Như vậy, Masan Consumer đã hoàn thành 70-77% kế hoạch doanh thu (28.500-31.500 tỷ đồng) và 85-99% mục tiêu lợi nhuận (5.600-6.500 tỷ đồng).

'Viên kim cương gia bảo' của Masan: Những dấu chân trên con đường Go Global và kế hoạch cho tương lai
Kết quả kinh doanh của MCH trong 4 quý gần nhất

Bên cạnh đó, trong tháng 10 vừa qua, Cơ quan Phát triển Xuất khẩu Canada (EDC) và Tập đoàn Masan đã ký kết Bản ghi nhớ (MOU) nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác. Các lĩnh vực hợp tác chính bao gồm tiêu dùng bán lẻ, hàng tiêu dùng nhanh có thương hiệu, sản phẩm tươi sống và thịt có thương hiệu, chuỗi bán lẻ F&B, dịch vụ tài chính và khai thác, chế biến khoáng sản.

Việc hợp tác với EDC được kỳ vọng sẽ thúc đẩy chiến lược “Go Global” của Tập đoàn Masan. Sở hữu mạng lưới quốc tế sâu rộng và khả năng cung cấp các nguồn lực tài chính dài hạn, EDC sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong hệ sinh thái của Tập đoàn Masan.

Những động thái trong tương lai

Tại buổi chia sẻ thông tin kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2024 với các nhà đầu tư, ông Huỳnh Việt Thăng – Giám đốc Tài chính MCH cho biết: “Sau 28 năm phát triển, chúng tôi nhìn thấy rất nhiều cơ hội kinh doanh trong nước cũng như ở thị trường toàn cầu”.

Trong năm 2025, doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh ngành hàng đồ uống nhằm đạt được mục tiêu doanh thu phân bổ theo tỷ lệ 50% đóng góp từ đồ uống và 50% từ thực phẩm.

Mục tiêu dài hạn của Masan Consumer sẽ tập trung vào việc duy trì việc tuân thủ 100% các tiêu chuẩn an toàn và ghi nhãn hiệu cho sản phẩm, đồng thời đạt được danh mục sản phẩm “Good for Health” trên tất cả các sản phẩm tiêu dùng vào năm 2025. Theo đó, doanh nghiệp sẽ ra mắt tối thiểu 5 sản phẩm “Tốt cho sức khỏe” vào trong năm sau.

Để làm được điều đó, MCH sẽ xây dựng chính sách tìm nguồn cung có trách nhiệm cho tất cả các vấn đề ESG trọng yếu liên quan đến chuỗi cung ứng của MSN và áp dụng với 60% nhà cung cấp chủ chốt trong năm 2025.

>> Con gái tỷ phú Nguyễn Đăng Quang vừa chi 600 tỷ mua cổ phiếu Masan (MSN)

Cổ phiếu MSN, VIX, NAB sắp được rót vốn lớn trong tháng 12?

Cổ phiếu MSN (Masan) vừa được giao dịch thỏa thuận hơn 5.600 tỷ đồng, người mua là ai?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/vien-kim-cuong-gia-bao-cua-masan-nhung-dau-chan-tren-con-duong-go-global-va-ke-hoach-cho-tuong-lai-261938.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    'Viên kim cương gia bảo' của Masan: Những dấu chân trên con đường Go Global và kế hoạch cho tương lai
    POWERED BY ONECMS & INTECH