Việt Nam chính thức có 2 đại diện được công nhận là làng nghề thủ công thế giới
Đây là 2 làng nghề truyền thống đầu tiên của Việt Nam được phê duyệt trở thành thành viên của mạng lưới này.
Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo thế giới dành cho hai làng nghề gốm sứ Bát Tràng và dệt lụa Vạn Phúc. Sự kiện này không chỉ nâng tầm giá trị của các làng nghề truyền thống mà còn tạo cơ hội để quảng bá tinh hoa thủ công Việt Nam ra thế giới.

Làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông) là một trong những làng nghề  dệt lụa nổi tiếng bậc nhất Việt Nam. Đây cũng là làng nghề dệt lụa truyền thống được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam công nhận là “Làng nghề dệt lụa tơ tằm lâu đời nhất vẫn còn duy trì hoạt động đến ngày nay”.
Sản phẩm đặc trưng của làng nghề gồm các loại lụa tơ tằm tinh xảo như lụa hoa, lụa trơn, lụa se… với hoa văn đa dạng từ cổ điển đến hiện đại. Đặc biệt, lụa Vân được ví như "đặc sản" của làng lụa Vạn Phúc ở hữu những đường vân mềm mại như mây trên nền lụa, tạo nên vẻ đẹp độc đáo.

Hiện nay, các nghệ nhân Vạn Phúc còn khôi phục thành công gấm Vạn Phúc - dòng sản phẩm cao cấp từng được trưng bày tại Đấu xảo Quốc tế Paris và được vinh danh là “Sản phẩm đệ nhất vùng Đông Dương”.
Làng nghề gốm sứ Bát Tràng là một trong những làng nghề truyền thống lâu đời nhất Việt Nam, nổi bật với các sản phẩm gốm sứ cao cấp phục vụ thị trường trong và ngoài nước. Theo thống kê, toàn xã Bát Tràng hiện có hơn 100 nghệ nhân, gần 200 doanh nghiệp và khoảng 1.000 hộ sản xuất, kinh doanh gốm sứ, tạo việc làm cho hàng vạn lao động và góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Dù trải qua nhiều biến động lịch sử, gốm Bát Tràng vẫn giữ được nét truyền thống và bản sắc văn hóa Việt. Các nghệ nhân nơi đây không ngừng đổi mới, đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường hiện đại.

Gốm sứ Bát Tràng nổi tiếng với kỹ thuật chế tác thủ công, sử dụng các màu men đặc trưng như men lam, men nâu, men rạn, men xanh ngọc, xanh coban... Các dòng sản phẩm bao gồm đồ thờ cúng (lư hương, chân đèn, chóe, nậm rượu), đồ gia dụng (ấm, chén, bát, đĩa, lọ hoa, chậu cảnh) và gốm trang trí mỹ nghệ, gốm xây dựng.
Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, các chủ thể sản xuất gốm sứ ở Bát Tràng tích cực đăng ký tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP ) của thành phố Hà Nội. Đến nay, Bát Tràng đã có hơn 50 sản phẩm gốm sứ đạt OCOP từ 3 đến 5 sao. Cùng với chiếm lĩnh phần lớn thị trường tiêu thụ trong nước, gốm Bát Tràng còn được xuất khẩu tới nhiều nước ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ.
Chia sẻ tại buổi lễ, ông Saad al-Qaddumi - Chủ tịch Hội đồng Thủ công thế giới đánh giá cao sự gìn giữ và phát triển bền vững của các làng nghề Việt Nam. Ông nhấn mạnh rằng các sản phẩm thủ công của Hà Nội không chỉ thể hiện sự khéo léo mà còn là biểu tượng của tinh thần kiên trì và sáng tạo.
"Câu chuyện của hai làng nghề này là minh chứng rõ ràng cho sức sống bền bỉ của cộng đồng làng nghề Việt Nam. Dù đối mặt với nhiều thách thức, họ vẫn không ngừng vươn lên và tiếp tục khẳng định vị thế trên bản đồ thủ công thế giới", ông Saad al-Qaddumi chia sẻ.
Hội đồng Thủ công thế giới (World Crafts Council - WCC) là một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế, được thành lập từ năm 1964 với mục tiêu bảo tồn, phát huy và phát triển nghề thủ công truyền thống trên toàn cầu.
Sau 60 năm hoạt động, Hội đồng đã công nhận 68 làng nghề thủ công tiêu biểu trên thế giới, thuộc 27 quốc gia. Năm nay, với sự góp mặt của gốm Bát Tràng và lụa Vạn Phúc, Việt Nam trở thành quốc gia thứ 28 có làng nghề được vinh danh trong danh sách này.
>> Làng nghề ô nhiễm ở tỉnh nhỏ nhất Việt Nam sắp đổi thành cảng cạn có vốn 4.600 tỷ đồng