Việt Nam đại tu thành công chiếc tiêm kích Su-30MK2 đầu tiên bằng công nghệ trong nước, tăng niên hạn sử dụng thêm 20 năm
Sau gần 2 năm đưa vào nhà máy, chiếc máy bay Su-30MK2 đã được sửa chữa, thay thế các linh kiện trên tất cả các chuyên ngành.
Vào tháng 10 năm nay, Nhà máy A32 thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân đã tổ chức bay thử nghiệm và bàn giao thành công chiếc tiêm kích  Su-30MK2 đầu tiên được đại tu tại nhà máy. Đây là cột mốc quan trọng, không chỉ đánh dấu bước ngoặt trong sự phát triển của Nhà máy A32 mà còn là bước tiến lớn đối với ngành kỹ thuật Quân chủng Phòng không - Không quân .
Sau gần 2 năm được đưa vào nhà máy, chiếc Su-30MK2 đã được thay thế linh kiện trên tất cả các chuyên ngành, đảm bảo chất lượng và khả năng hoạt động tối ưu. Việc sửa chữa thành công không chỉ phục hồi trạng thái hoạt động của chiếc máy bay  mà còn tăng tổng niên hạn sử dụng lên trên 20 năm.
Thành công này không chỉ giúp giảm phụ thuộc vào việc đại tu máy bay ở nước ngoài mà còn nâng cao năng lực tự chủ trong công tác bảo trì và sửa chữa khí tài của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đồng thời, điều này cũng khẳng định vai trò quan trọng của Nhà máy A32 trong việc hiện đại hóa và duy trì khả năng chiến đấu của lực lượng Không quân.
Theo Báo Phòng không - Không quân, Thượng tá Nguyễn Thanh Phúc - Phó trưởng Phòng Kỹ thuật cho biết: "Kể từ khi được đưa vào nhà máy và tiến hành sửa chữa, để có được chiếc máy bay hoàn chỉnh như ngày hôm nay cần phải theo một quy trình công nghệ hết sức khoa học và yêu cầu khắt khe.
Đầu tiên là việc tháo rời toàn bộ máy bay từ ngoài vào trong phân loại, tẩy rửa tất cả linh kiện, phụ kiện. Tiếp đến là đưa các phụ tùng, linh kiện về cho các phân xưởng để kiểm tra, sửa chữa, thay thế linh kiện theo từng chuyên ngành. Sau khi các bộ phận sửa chữa xong thì tập trung về Phân xưởng 6 để tổng lắp ráp, hiệu chỉnh, kiểm thử và bay thử. Riêng công đoạn lắp ráp và hiệu chỉnh cũng mất thời gian từ 4 đến 5 tháng”.
“Quá trình sửa chữa, các bộ phận của máy bay được đưa đến sửa chữa, tăng tổng niên hạn phải qua các phân xưởng và Trung tâm đo lường. Còn các cơ quan chức năng thì chỉ đạo, theo dõi, giúp đỡ, tư vấn chuyên môn, bảo đảm vật tư, linh kiện...
Mỗi công đoạn ở các phân xưởng đều được ghi chép cẩn thận, chi tiết, bảo đảm tuân thủ quy trình hết sức nghiêm ngặt, để bảo đảm chính xác tuyệt đối. Chỉ cần một sai sót nhỏ, một linh kiện không đúng niên hạn, đặt sai vị trí sẽ dẫn tới nguy cơ mất an toàn rất cao. Mỗi mảng kỹ thuật đều có hồ sơ chi tiết từ lúc trước khi tháo dỡ, lắp ráp đều phải chụp ảnh lưu để so sánh. Phải mất gần 2 năm nhà máy mới hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn. Chiếc Su-30MK2 được sửa chữa, tăng tổng niên hạn sử dụng, sơn mới và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ", Thượng tá Nguyễn Thanh Phúc nói thêm.
Được biết, Su-30MK2 là phiên bản sửa đổi từ biến thể Su-30 với khả năng tấn công đối hải mạnh mẽ. Dòng máy bay này được biết đến với biệt danh “hổ mang chúa”, là loại máy bay được tối ưu hóa với trọng tâm vào vai trò tấn công trên biển. Su-30 được trang bị các hệ thống điện tử tinh vi phục vụ cho việc chỉ huy, điều khiển thông tin liên lạc, máy tính, cũng như khả năng tình báo, giám sát, thu nhận mục tiêu và trinh sát.
Su-30MK2 có thể đạt vận tốc Mach 2, tương đương tốc độ 1.350km/h tại độ cao thấp và vận tốc leo cao là 230m/s. Đây là một trong những máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 có khả năng cơ động và tính năng kỹ chiến thuật tốt bậc nhất thế giới hiện nay.