Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ, tại hội nghị AMRI 16, Việt Nam đã đưa ra các sáng kiến và được các nước ASEAN thống nhất, đồng quan điểm, cùng chung tay tìm ra giải pháp, cách làm chung.
Ngày 23/9, tại Đà Nẵng, Bộ TT&TT tổ chức họp báo thông báo các kết quả chính của Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN lần thứ 16 (AMRI 16) và Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN+3 lần thứ 7 (AMRI+3).
Các nội dung quan trọng được thông qua
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết, kết quả tại hội nghị AMRI 16, các Bộ trưởng đã khẳng định và định vị vai trò của ngành thông tin trong giai đoạn mới là từ ‘thông tin’ tới ‘tri thức’, thông tin sẽ trở thành một phương tiện tích cực cho việc học tập trọn đời và nâng cao nhận thức, trình độ kỹ thuật số cho công dân ASEAN.
Đây là xu thế tất yếu của chuyển đổi số, ảnh hưởng của mạng xã hội và các phương tiện truyền thông mới, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI).
Các Bộ trưởng khuyến khích đối thoại và gắn kết nhiều hơn nữa giữa truyền thông, cộng đồng và người dân nhằm thúc đẩy toàn diện hơn về thông tin, kêu gọi sự hợp tác của khu vực để xây dựng môi trường không gian mạng lành mạnh thông qua nâng cao năng lực số, thúc đẩy tối đa hóa các nguồn thông tin đáng tin cậy để xây dựng lòng tin, định hướng dư luận, tăng cường kỹ năng số cho công dân ASEAN, đặc biệt là thế hệ trẻ và người cao tuổi.
Bên cạnh đó, các Bộ trưởng phụ trách thông tin ASEAN đã thông qua các văn kiện mới, ghi nhận kết quả và tiến trình đạt được của các khuôn khổ hợp tác trong lĩnh vực thông tin bao gồm:
Thông qua tuyên bố tầm nhìn AMRI ASEAN 2035, hướng tới một ngành Thông tin Truyền thông có tính chuyển đổi, thích ứng, tự cường nhằm thúc đẩy tầm nhìn cộng đồng ASEAN 2025 và hỗ trợ triển khai kế hoạch tương ứng trên 3 trụ cột ASEAN.
Thông qua tuyên bố Đà Nẵng về "Truyền thông: Từ Thông tin đến Tri thức vì một ASEAN Tự cường và Thích ứng". Thông qua kế hoạch hành động của Nhóm Đặc trách ASEAN về tin giả (PoA of TFFN).
Cùng với đó, thông qua hướng dẫn quản lý thông tin của Chính phủ trong việc chống lại thông tin giả mạo và thông tin sai sự thật trong truyền thông bằng cách xây dựng khuôn khổ về cách các chính phủ có thể ứng phó; thiết lập các tiêu chuẩn và thông lệ tốt cho các quan chức thông tin của chính phủ; cải thiện sự phối hợp giữa các cơ quan chính phủ, đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng hoặc các trường hợp khẩn cấp và để đảm bảo rằng thông tin của chính phủ chính xác, minh bạch và có trách nhiệm.
Đồng thời, cập nhật tiến độ thực hiện kế hoạch chiến lược dành cho Thông tin Truyền thông ASEAN (2016-2025) cũng như ủng hộ xây dựng kế hoạch cho giai đoạn mới, đóng góp hơn cho việc hiện thực hóa vai trò của Thông tin Truyền thông đối với thúc đẩy xây dựng ASEAN tự cường và thích ứng, phù hợp với Tuyên bố Tầm nhìn AMRI.
Phê duyệt các báo cáo kết quả từ 3 nhóm công tác trực thuộc hội nghị Quan chức cấp cao phụ trách về Thông tin ASEAN (SOMRI) và đánh giá cao tầm quan trọng của 3 nhóm công tác nhằm tiếp tục phát triển lĩnh vực thông tin trong bối cảnh chuyển đổi số nhanh chóng cũng như thúc đẩy không gian mạng an toàn và bảo mật cho mọi công dân ASEAN, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội bao gồm người già, thanh niên, trẻ em và người khuyết tật…
Việt Nam đóng góp nhiều sáng kiến quan trọng
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ thêm, tại hội nghị lần này, chủ nhà Việt Nam đã mang đến những sáng kiến và thông điệp rất cụ thể.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, đề xuất đầu tiên của Việt Nam liên quan đến vấn đề giáo dục nhận thức, đặc biệt là nhận thức số cho công dân.
Thứ hai là bắt buộc phải có những phương pháp để buộc các nền tảng truyền thông xuyên biên giới tuân thủ đầy đủ pháp luật của các quốc gia, quy tắc ứng xử quốc gia, khu vực liên quan những vấn đề nhạy cảm như văn hóa, bản sắc… Vấn đề trách nhiệm của những nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới cũng như vấn đề đạo đức của công nghệ được áp dụng trong truyền thông đã được Việt Nam đưa ra để đề nghị các bộ trưởng và đã được chấp thuận đưa vào tuyên bố chung hội nghị.
Sáng kiến thứ 3 Việt Nam mang đến hội nghị, cũng là vấn đề chúng ta đang tiến hành trong nước, đó là để bảo vệ cho công dân không chỉ đơn thuần chống tin giả, mà phải làm cho thông tin chính thống (truyền thông nhà nước) có thể xuất hiện trên nền tảng số để người dân có thể tiếp cận dễ dàng.
“Ở đây, Việt Nam đã chọn sáng kiến đề xuất và được đông đảo thành viên quan tâm tán thành là việc yêu cầu tất cả các nhà sản xuất tivi thông minh tại Việt Nam hoặc nhập khẩu tivi thông minh tại Việt Nam từ năm 2024 trở đi sẽ phải cài đặt sẵn những ứng dụng về báo chí truyền hình chính thống trên nền tảng. Trên điều khiển tivi sẽ phải tích hợp nút bấm tắt, trước mắt dành cho nền tảng truyền hình số quốc gia (VTV Go).
Điều này giúp người tiêu dùng, thế hệ con em dễ dàng tiếp cận thông tin báo chí truyền thống. Vì thế, tiếp sau tivi sẽ là điện thoại thông minh. Bộ Thông tin và Truyền thông đã có kế hoạch đưa nền tảng truyền hình số quốc gia lên mọi tivi thông minh. Kế hoạch sẽ được trình lên Thủ tướng Chính phủ để ban hành quyết định” – Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nói và cho biết, sáng kiến thứ 4 của Việt Nam là chuyển đổi số toàn bộ thông tin cơ sở.
Về hợp tác với các nước đối thoại, Thứ trưởng cho hay, các Bộ trưởng Thông tin ASEAN cảm ơn các sáng kiến của các nước đối thoại (gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) xúc tiến hợp tác với ASEAN thời gian qua; cũng như trao đổi quan điểm, sáng kiến, biện pháp tăng cường xây dựng năng lực chuyên môn, kiến thức kỹ thuật với các nước ASEAN+3, ASEAN+Trung Quốc, ASEAN+Nhật Bản, ASEAN+Hàn Quốc.
"Hội nghị đã nhất trí triệu tập Hội nghị AMRI lần thứ 17 và các Hội nghị Liên quan tại Brunei vào năm 2025 và cảm ơn nước chủ nhà Việt Nam vì tổ chức chủ đáo cho AMRI 16. Các Hội nghị đã diễn ra trên tinh thần đoàn kết và hữu nghị truyền thống của ASEAN”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ thêm.
Việt Nam và Timor Leste tăng cường truyền thông quảng bá hình ảnh hai nước 
Việt Nam và Singapore hợp tác xây dựng không gian mạng lành mạnh, an toàn