Việt Nam huy động 11.000 người di dời 900.000m3 đất đá với 676.000 ngày công, xây dựng nên 'thủy lộ xuất khẩu lúa gạo', 'yết hầu' của đất Chín Rồng
Tuyến kênh này được đào thủ công cách đây gần 150 năm, tạo tuyến đường thủy từ Sài Gòn đi miền Tây Nam Bộ ngắn nhất.
Đồng bằng sông Cửu Long  xưa kia là một vùng hoang hóa, kém phát triển với khoảng 100 trục kênh cấp 1 và hơn 36.000km kênh cấp 2, 3. Từ năm 1700-1930, nơi này có trên 40 kênh đào lớn, nhỏ do triều đình phong kiến lẫn người Pháp thi công.
Những kênh đào  này không chỉ kết nối giao thương mà còn đưa nước ngọt vào đồng ruộng, giúp xổ phèn và nâng cao năng suất mùa vụ. Trong số đó, kênh Chợ Gạo đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giao thương giữa các vùng hạ lưu với khu vực miền Đông Nam Bộ .
Theo sách Gia Định thành thông chí, trước khi có kênh đào Chợ Gạo, ghe thuyền từ Bến Nghé xuống miền Tây phải đi qua nhiều con sông và rạch nhỏ như rạch Ông Lớn, sông Rạch Cát, sông Phước Lộc, sông Vàm Cỏ, rạch Kỳ Hôn... Tuy nhiên, tuyến đường này rất phức tạp và khó khăn do các đoạn rạch hẹp, cạn lấp và thường xuyên giáp nước, khiến tàu bè di chuyển gặp nhiều trở ngại.
Cũng có một tuyến khác đó là đi theo sông Tiền đến Cửa Tiểu rồi ra biển Gò Công của thủy phận Tiền Giang. Sau đó men theo bờ biển tới sông Soài Rạp, rồi theo sông Soài Rạp về Sài Gòn. Tuy nhiên tuyến này rất xa và nguy hiểm bởi đa số tàu thuyền thời đó chỉ đi đường sông chứ không ra biển được.
Năm 1876, sau khi chiếm đóng Nam Kỳ, người Pháp đã quyết định đào kênh Chợ Gạo để tạo ra tuyến đường thủy ngắn nhất từ miền Tây Nam Bộ đi Sài Gòn, nối liền sông Tiền  và sông Vàm Cỏ  thông qua rạch Kỳ Hôn.
Dựa theo các tư liệu cũ của người Pháp và ghi chép của nhà văn Sơn Nam, kênh Chợ Gạo được đào thủ công từ năm 1876 với khoảng 11.000 người Việt được huy động làm nhân công, ước tính khối lượng đất được đào vào khoảng 900.000m3 với 676.000 ngày công.
Cuối năm 1877, kênh hoàn thành, rộng 30m, dài 12km. Trước đó, tại thôn Bình Phan có một ngôi chợ nhỏ nằm cạnh bờ sông là nơi mua bán gạo của người dân, gọi là Chợ Gạo. Người Pháp lấy địa danh này lập quận Chợ Gạo, thuộc tỉnh Mỹ Tho, kênh đào xong sau đó cũng mang tên Chợ Gạo.
Kể từ khi hoàn thành, kênh Chợ Gạo đã nhanh chóng trở thành tuyến đường thủy chính kết nối Chợ Lớn (Sài Gòn) với miền Tây. Đến đầu thập niên 1900, Công ty Messageries Fluviales của Pháp đã đưa tàu khách vào hoạt động trên tuyến kênh này.
Do nhu cầu vận chuyển tăng cao, vào năm 1913, chính quyền Pháp đã cho nạo vét và mở rộng kênh Chợ Gạo với độ sâu 5m và mở rộng thêm hàng chục mét, biến nơi đây thành "con đường xuất khẩu gạo" quan trọng của Nam Kỳ.
Trải qua gần 150 năm, hiện nay, toàn tuyến kênh Chợ Gạo dài 28,5km, đi qua 17 xã và thị trấn của huyện Châu Thành (tỉnh Long An) và TP. Gò Công , huyện Gò Công Tây, huyện Chợ Gạo, TP. Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang). Đây vẫn là tuyến giao thông thủy huyết mạch phục vụ vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh miền Tây lên TP. HCM.
Mỗi ngày, có trên 2.000 tàu tải trọng từ 200 tấn đến 1.000 tấn đi qua tuyến kênh này, chủ yếu chở cát, đá, nông sản... Tuy nhiên, qua quá trình khai thác và dưới tác động của thời tiết, thiên nhiên, kênh Chợ Gạo ngày nay đã bị sạt lở nghiêm trọng và bị cạn dần, khiến nhiều phương tiện lớn bị cạn mỗi khi thủy triều xuống thấp.
Để kênh Chợ Gạo hoàn thành xứ mệnh là tuyến giao thông thủy huyết mạch, nâng cao hiệu quả vận tải thủy, phục vụ vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh miền Tây lên TP. HCM, Trung ương đã hoàn thành việc đầu tư nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo giai đoạn 1 vào năm 2015.
Đến cuối năm 2021, Bộ Giao thông Vận tải  đã tiếp tục nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư lên đến 1.335 tỷ đồng. Các hạng mục chính bao gồm nạo vét khoảng 9,85km lòng kênh với chuẩn tắc luồng đạt tiêu chuẩn kênh cấp II, xây dựng đường dân sinh dài 9,72km dọc bờ Nam kênh Chợ Gạo.
Tháng 1 năm nay, dự án nâng cấp giai đoạn 2 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, khắc phục triệt để tình trạng quá tải và ùn tắc tàu thuyền, đồng thời tăng cường khả năng thông quan.
Việc nâng cấp và mở rộng kênh Chợ Gạo không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tiền Giang mà còn góp phần vào sự phát triển của cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong bối cảnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang được thúc đẩy mạnh mẽ.