Việt Nam sắp có khu kinh tế là 'cửa ngõ' giao thông miền Trung và hành lang Đông - Tây
Đây là khu kinh tế nằm ở trung điểm của hai trung tâm kinh tế và văn hóa của miền Trung.
Theo thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Bộ Xây dựng mới đây đã thẩm định Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế  Chân Mây - Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2045.
Theo đó, mục tiêu điều chỉnh quy hoạch nhằm phát triển Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô thành khu vực kinh tế năng động, hoàn chỉnh về cơ cấu và chức năng; có khả năng cạnh tranh cao trong thu hút công nghiệp, công nghệ, du lịch và dịch vụ cũng như phát triển đô thị.
Đồng thời, quy hoạch sẽ tạo lập môi trường đầu tư hấp dẫn, có khả năng tiếp cận nhanh về hàng hóa và dịch vụ với vùng và quốc tế với nguồn nhân lực được đào tạo có chất lượng cao và nền kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại.
Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô thành khu kinh tế có hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế, hạ tầng kỹ thuật - xã hội đồng bộ, hiện đại; không gian kiến trúc cảnh quan, đô thị văn minh, tiên tiến, môi trường bền vững và sử dụng đất đai hiệu quả; Làm cơ sở để triển khai các quy hoạch, các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn và là công cụ pháp lý để quản lý, kiểm soát các hoạt động xây dựng theo quy hoạch được duyệt.
Đồ án điều chỉnh quy hoạch hướng đến xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô là đầu mối giao thông quốc gia và quốc tế, cửa ngõ ra biển quan trọng, cung cấp các dịch vụ cảng nước sâu và điều phối hàng hóa trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và hành lang Đông - Tây.
Ngoài ra, khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô sẽ là một trong những trung tâm giao thương lớn và hiện đại, trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng tổng hợp mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước; là khu vực được ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp sạch và công nghiệp kỹ thuật cao, hiện đại, có khả năng cạnh tranh cao trong khu vực; là đô thị đạt tiêu chí đô thị loại III, phát triển đồng bộ hạ tầng kinh tế, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo hướng thông minh, bền vững trên hành lang phát triển kết nối Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng; là địa bàn quan trọng về quốc phòng và an ninh của khu vực miền Trung và cả nước.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Hoàng Hải Minh cho biết, trải qua hơn 15 năm thành lập và đi vào hoạt động, diện mạo vùng Chân Mây - Lăng Cô đã có những thay đổi đáng kể, phát triển theo đúng định hướng, thực sự trở thành vùng động lực phát triển của tỉnh và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; hình ảnh và thương hiệu của khu kinh tế ngày càng thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, từng bước khẳng định vị trí, vai trò động lực trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế của tỉnh.
Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô là nằm ở trung điểm của hai trung tâm kinh tế và văn hoá của miền Trung là TP. Huế và TP. Đà Nẵng, thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung Việt Nam.
Khu kinh tế Chân Mây là khu vực ven biển duy nhất nằm giữa hai đô thị lớn của miền Trung Việt Nam. Cảng nước sâu Chân Mây của khu kinh tế là cửa ngỏ ra biển Đông gần nhất trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây.
Khu kinh Tế Chân Mây - Lăng Cô có tổng diện tích hơn 27.000ha