Từ ý tưởng tặng món quà "độc và lạ”, Việt Nam đã mang về cơ hội tỷ đô cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Thời gian qua, cùng với việc lãnh đạo cấp cao Việt Nam thực hiện nhiều chuyến thăm nước ngoài, Hà Nội cũng hân hạnh đón tiếp nhiều nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo cấp cao các nước, nhằm thúc đẩy hợp tác song phương trên các lĩnh vực, mở ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp cả hai phía.
Việc tặng quà cho nhau cũng là một nghi thức truyền thống, một thông lệ ngoại giao giữa các nước trong các chuyến công du của các nguyên thủ quốc gia. Thông thường, các món quà tặng nhau mang tầm quốc tế sẽ mang đậm nét văn hóa, biểu tượng của mỗi nước.
Thế nhưng, những món quà đặc biệt trong những dịp đặc biệt lại càng đáng chú ý, ví dụ như món quà Việt Nam vừa tặng các nước bạn đợt vừa qua.
Món quà “độc và lạ” tạo ra cơ hội tỷ USD cho doanh nghiệp Việt
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Romania của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có buổi làm việc song phương với đoàn Tổng cục Vệ sinh dịch tễ, Thú y và An toàn thực phẩm quốc gia Romania (ANSVSA).
“Quà tặng” mà đoàn Việt Nam mang đến nước bạn rất bất ngờ - 10.000 liều vaccine dịch tả lợn châu Phi. Món quà tặng bất ngờ và ý nghĩa này được phía Romania đón nhận. Ông Alexandri Nicolae Bociu - Tổng Cục trưởng ANSVSA - Quốc vụ khanh Romania đã thay mặt nước này cảm ơn Việt Nam.
Chia sẻ thông tin tại buổi gặp gỡ, ông Alexandri cho biết quy mô nền nông nghiệp Romania hiện lớn thứ 6 ở châu Âu, song xuất khẩu nông sản giữa hai bên còn chưa tương xứng tiềm năng.
Liên quan đến món quà tặng bất ngờ, ông Alexandri mong muốn Romania là đầu mối nhập khẩu vaccine dịch tả lợn châu Phi từ Việt Nam để cung cấp cho cả thị trường châu Âu. Romania cũng tin tưởng sau cuộc họp, hai bên sẽ cụ thể hóa việc nhập khẩu vaccine cho cả thị trường châu Âu.
Tại Romania, tình hình dịch tả lợn châu Phi vẫn đang rất căng thẳng khi liên tiếp nhiều ổ dịch lớn được công bố. Số liệu thống kê cho thấy, riêng trong năm 2023 vừa qua, số ca mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi gấp đôi năm 2022. Cả nước có 740 đợt bùng phát được xác nhận, các ca nhiễm phân bổ rộng trên toàn đất nước.
>> Dabaco tổng kết năm 2023, vaccine dịch tả heo châu Phi sắp đi đến ‘hồi kết’? 
Do vậy, ngay sau cuộc gặp gỡ, phía Romania tin tưởng công tác cụ thể hóa việc nhập khẩu vaccine cho cả thị trường châu Âu sẽ sớm hiện thực.
Ảnh minh họa tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi |
Không chỉ Romania, ngày 29/1/2024 – những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn - doanh nghiệp Việt Nam lại đón tiếp tin vui. Tại Lễ ký kết các ghi nhớ hợp tác giữa Việt Nam và Philippines, ông Francisco Tiu Laurel, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines cũng đánh giá cao việc Việt Nam sản xuất được vaccine dịch tả lợn châu Phi và mong muốn học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam trong việc ứng phó với bệnh này.
Cũng như Việt Nam, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại Philippines từ năm 2019 và nhanh chóng lây lan, trở thành nỗi khiếp sợ của người chăn nuôi. Thông tin từ Liên đoàn các nhà sản xuất thịt heo Philippines cho biết, tính đến nay đã có hơn 5 triệu con lợn bị chết vì dịch bệnh này. Do vậy, ngay khi Việt Nam tiên phong thành công trong sản xuất vaccine, Philippines là một trong số những nước đầu tiên muốn thử nghiệm, mua vaccine từ Việt Nam.
Các nước như Philippines hay Cộng hòa Dominica đã thể hiện sự quan tâm rất lớn đối với vaccine của Việt Nam, đã cho thử nghiệm thành công và sẵn sàng đặt hàng.
Lễ ký kết bản ghi nhớ hợp tác giữ Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Việt Nam và Philippines |
Cơ hội vàng cho các doanh nghiệp sản xuất vaccine
Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện từ năm 1921 tại châu Phi và lan nhanh ra các nước, gây thiệt hại nghiêm trọng do tỷ lệ chết đến 100%.
Trong những năm gần đây, dịch tả lợn Châu Phi đã liên tục hoành hành và gây thiệt hại lớn lên thị trường thịt lợn ước tính trị giá 250 tỷ USD trên thế giới.
Năm 2018-2019, tại thời điểm dịch bệnh lan ra toàn Trung Quốc đã gây chết một nửa đàn lợn của nước này, ước tính thiệt hại lên tới 100 tỷ USD. Tính từ năm 2021, dịch bệnh đã lan ra gần 50 quốc gia trên thế giới, trong đó có nhiều quốc gia đứng đầu về sản xuất thịt lợn.
Dịch tả lợn Châu Phi lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam vào năm 2019 và lây lan nhanh chóng trong phạm vi cả nước. Chỉ trong vòng hơn 1 năm, 6 triệu con lợn đã phải tiêu hủy, thiệt hại trên 30.000 tỷ đồng.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, vấn đề vaccine được đặt lên hàng đầu. 3 doanh nghiệp tiên phong và cũng là 3 doanh nghiệp có thành quả tốt nhất là Naveco, AVAC Việt Nam và Dabaco. Những liều vaccine đầu tiên của Navetco và AVAC đã được sản xuất thương mại, Dabaco cũng đang chuẩn bị những thủ tục cuối cùng trong tiến trình cấp phép. Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên giải được bài toán khó trăm năm của thế giới, mở ra cơ hội mới cho ngành chăn nuôi nói chung, và cũng mở cánh cửa vào thị trường tỷ đô cho các doanh nghiệp Việt.
Món quà “lạ” của Việt Nam và cơ hội xuất khẩu, thông qua Romania cung cấp vaccine dịch tả lợn châu Phi cho toàn thị trường châu Âu đã đưa lại cho các doanh nghiệp sản xuất vaccine Việt Nam cơ hội, thị trường to lớn. Việt Nam cũng sẽ là nước tiên phong trong việc cung cấp, phân phối vaccine ra các thị trường.
Bên cạnh đó, sự đánh giá cao Việt Nam về việc sản xuất vaccine của Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines cũng là cơ hội lớn để vaccine Việt Nam thâm nhập thị trường Đông Nam Á.
Ảnh minh họa Vaccine dịch tả lợn châu Phi
Tại Hội nghị Tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023, đặt kế hoạch năm 2024, đại diện Dabaco - một trong 3 doanh nghiệp thành công trong việc nghiên cứu vaccine dịch tả lợn châu Phi cho biết, thương mại vắc xin sẽ mở ra một mảng kinh doanh mới cho Dabaco. Với thị trường vắc xin quy mô hàng tỷ USD tính theo quy mô đàn lợn, việc thương mại được vaccine cho loại dịch bệnh tồn tại hàng trăm năm trên thế giới mở ra cơ hội cho những doanh nghiệp như Dabaco.
Dabaco (DBC) không chỉ có lợi thế của một doanh nghiệp sản xuất vaccine, mở ra cánh cửa tỷ USD, Dabaco còn là doanh nghiệp hàng đầu trong cả nước về phát triển nông nghiệp, chăn nuôi và cung ứng các sản phẩm công nghệ cao theo mô hình khép kín.
Việc nghiên cứu thành công vaccine dịch tả lợn châu Phi bên cạnh việc liên kết với doanh nghiệp sản xuất vaccine lớn của Trung Quốc chính là mảnh ghép hoàn hảo cho chuỗi quy trình khép kín của doanh nghiệp.
Như vậy, từ ý tưởng tặng “món quà độc và lạ”, Việt Nam đã mang về cơ hội tỷ đô cho các doanh nghiệp sản xuất vaccine dịch tả lợn châu Phi. Đây cũng là cánh cửa rộng mở để các doanh nghiệp sản xuất vaccine của Việt Nam vươn tầm thế giới, khẳng định bước tiến vượt trội trong ngành chăn nuôi của nước ta.
Bắt quả tang nữ tiếp viên hàng không nhét gần 1kg vàng trong trực tràng 
FPT Shop mở bán độc quyền HONOR Magic V3 là mẫu gập mỏng nhất hiện nay