Việt Nam - Trung Quốc ký kết thêm 4 nghị định thư nông nghiệp, loạt doanh nghiệp tăng tốc xuất khẩu
Với 24 nghị định thư đã ký kết và kim ngạch rau quả lên tới hàng tỷ USD, Trung Quốc đang là thị trường trọng điểm của nhiều doanh nghiệp nông sản Việt Nam.
Việt Nam - Trung Quốc ký kết thêm 4 nghị định thư nông nghiệp
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam, từ ngày 14 đến 15/4, 2 quốc gia đã tiến hành ký các nghị định thư về xuất khẩu ớt, chanh leo, tổ yến, cám gạo từ Việt nam sang Trung Quốc.
![]() |
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Tô Lâm (Ảnh: TTXVN) |
Cụ thể, các nghị định thư được ký kết gồm: (1) Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả ớt xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc; (2) Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả chanh leo xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc; (3) Nghị định thư về yêu cầu an toàn và kiểm dịch động, thực vật đối với cám gạo và cám gạo chiết ly làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi xuất khẩu của từ Việt Nam sang Trung Quốc; (4) Nghị định thư về các yêu cầu kiểm dịch, kiểm tra và vệ sinh thú y đối với các sản phẩm tổ yến thô và tổ yến sạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Bên cạnh các mặt hàng trên, Trung Quốc đang tích cực triển khai thủ tục cấp phép chính thức cho các mặt hàng nông sản Việt Nam như hoa quả có múi, dược liệu đông y có nguồn gốc thực vật. Ngược lại, phía Việt Nam sẽ đẩy nhanh nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc.
Đến thời điểm hiện tại, hai bên đã ký 24 thỏa thuận ghi nhớ và nghị định thư về xuất, nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản. Riêng năm 2024 đã ký 4 nghị định thư bao gồm: Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, xuất khẩu cá sấu, xuất khẩu khỉ (nhân chuyến thăm Trung Quốc, từ 18-20/8/2024 của Tổng Bí thư Tô Lâm) và Nghị định thư xuất khẩu dừa tươi (ký ngày 6/6/2024 nhân chuyến thăm làm việc với Bộ Nông nghiệp và PTNT của lãnh đạo Tổng cục Hải quan Trung Quốc).
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc tại ASEAN. Năm ngoái, người tiêu dùng Trung Quốc chi 4,6 tỷ USD để mua rau quả Việt.
Số liệu từ Cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho thấy trong quý I/2025, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất với rau quả Việt Nam, với khoản chi là 521 triệu USD.
Hiện 14 loại nông sản Việt đã được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường tỷ dân, đem lại doanh thu hàng tỷ USD mỗi năm. Trong đó, 6 mặt hàng hai bên đã ký Nghị định thư xuất khẩu (dưa hấu, măng cụt, thạch đen, sầu riêng, chuối tươi và khoai lang) và 6 mặt hàng truyền thống chưa được chuẩn hóa bằng Nghị định thư xuất khẩu (thanh long, chôm chôm, xoài, vải, nhãn, mít). Riêng mặt hàng chanh leo, ớt đang được xuất khẩu thí điểm.
Loạt doanh nghiệp nông sản tăng tốc xuất khẩu sang Trung Quốc
Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên, CTCP Nafoods Group (HoSE: NAF ) chia sẻ về nhiều khó khăn có thể gặp phải trong năm 2025, bao gồm vấn đề thuế quan từ Mỹ. Đối với hoạt động xuất khẩu, công ty hướng đến việc phát triển thị trường Trung Quốc, Australia và kế hoạch quay lại thị trường Nga.
Trước đó, hồi tháng 11/2023, Nafoods Group và Công ty Guangxi Ant Foreign Goods Supply Chain Management đã ký kết hợp đồng hợp tác chiến lược nhằm mục tiêu phát triển các sản phẩm chủ lực giữa hai bên, tăng cường mối quan hệ giữa 2 doanh nghiệp, hỗ trợ nhau trong các hoạt động kinh doanh ở các thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường lớn như Trung Quốc.
Nafoods Group là cái tên được biết đến nhiều nhất khi đứng số 1 về xuất khẩu các sản phẩm chanh leo tại châu Á, với sản lượng chiếm 10% toàn cầu. Ngoài chanh leo, doanh nghiệp này còn khai thác lợi thế các loại trái cây nhiệt đới như thanh long, xoài, dứa, dừa, đu đủ,… với nhiều sản phẩm đa dạng như trái cây sấy, nước ép trái cây cô đặc và trái cây đông lạnh.
"Trung Quốc là 'gã khổng lồ' tiêu thụ nông sản Việt", ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HAG) ví von, khi nhắc tới thị trường chiếm hơn một nửa kim ngạch xuất khẩu quả chuối tươi của công ty.
CTCP Hoàng Anh Gia Lai của Bầu Đức sở hữu hơn 7.000ha chuối, xuất khẩu hàng trăm nghìn tấn mỗi năm sang Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và cung ứng nội địa. Từ vài container ban đầu, hiện mỗi tuần Hoàng Anh Gia Lai đều đặn xuất khẩu 200 container chuối sang Trung Quốc.
"Khách hàng đặt liên tục, chuối không đủ để giao", ông Đức nói thêm rằng sau 6 năm thâm nhập thị trường tỷ dân, sản phẩm của họ đã xuất hiện tại hầu khắp chuỗi cung ứng, từ chợ cho tới hệ thống siêu thị lớn.
Đặc biệt, mới đây, ông Đức còn báo tin vui đến cổ đông rằng giá chuối xuất khẩu sang Trung Quốc trong tuần qua đã vượt mốc 12 USD/thùng, tăng 10% so với tuần trước. Những nơi có mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói hợp lệ theo GACC - tiêu chuẩn giám sát chất lượng của Hải quan Trung Quốc - được thu mua cao hơn.
Mới đây, ông Võ Phi Nhật Huy – Chủ tịch HĐQT CTCP BigInvest Group (BIG) cho biết, công ty hiện đang có hợp tác chặt chẽ với các đối tác thu mua lớn từ Trung Quốc, tập trung vào mặt hàng sầu riêng và cà phê. Các sản phẩm này đều được kiểm định kỹ lưỡng trước khi xuất khẩu, đảm bảo đáp ứng yêu cầu chất lượng khắt khe từ phía đối tác Trung Quốc.
Trước đó, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Cường từ ngày 12 - 14/10/2024, Tập đoàn PAN đã có dịp giới thiệu các sản phẩm nông sản mang thương hiệu Việt Nam đến Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, cùng các lãnh đạo cấp cao.
Với hàng trăm sản phẩm nông nghiệp – thủy sản – thực phẩm, Tập đoàn PAN đánh giá thị trường hơn 1,4 tỷ dân luôn có sức hấp dẫn đặc biệt. Nhiều thành viên của PAN đã xuất khẩu sản phẩm và thành công ở thị trường này như Bibica (BBC), Lafooco (LAF).