Việt - Pháp hợp tác đào tạo những công dân toàn cầu cho nền công vụ hiện đại
Việt Nam – Pháp hợp tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức lãnh đạo theo mô hình 3+1: Học viện Hành chính Quốc gia Việt Nam chọn sinh viên giỏi sau 3 năm đào tạo ở Việt Nam để cử đi học 1 năm ở Pháp và được cấp bằng chuẩn Châu Âu.
Ngày 4/10, trong khuôn khổ chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm  tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức nước Cộng hòa Pháp từ ngày 3 - 7/10/2024, Bộ trưởng Nội vụ Việt Nam Phạm Thị Thanh Trà thăm và làm việc tại Bộ Công vụ, đơn giản hóa và chuyển đổi dịch vụ công Pháp.
110 cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý được bồi dưỡng tại Pháp
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà và Bộ trưởng Bộ Công vụ, đơn giản hóa và chuyển đổi dịch vụ công Pháp Guillaume Kasbarian đã thống nhất nhận định, sau 3 năm triển khai "Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực công vụ và hiện đại hóa nền hành chính giai đoạn 2022-2025" đã đạt được những kết quả toàn diện trên các lĩnh vực.
Trong đó nổi bật là hai bên đã trao đổi các đoàn cấp cao về xây dựng nền hành chính nhà nước, thúc đẩy phân cấp, phân quyền.
Một kết quả nữa phải kể đến là việc hợp tác trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực công. Bộ Nội vụ đã triển khai Đề án “Bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ và cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ của chính quyền địa phương ở nước ngoài giai đoạn 2023-2025.
Trong 3 năm hợp tác, Bộ Nội vụ đã phối hợp tổ chức các khóa bồi dưỡng tại Viện Dịch vụ công Quốc gia và Trường Quản trị EM Normandie Pháp cho khoảng 110 cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ, cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ của chính quyền địa phương, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ của Bộ Nội vụ.
Ngoài ra, hai bên còn phối hợp tổ chức chương trình đào tạo tại Pháp cho khoảng 20 cán bộ lãnh đạo đơn vị thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban này là đại diện chủ sở hữu với chủ đề “Quản trị điều hành cấp cao trong kỷ nguyên bền vững”.
Bên cạnh đó, hai bộ còn phối hợp tổ chức các hội thảo cấp quốc gia, các hội thảo, hội nghị quốc tế; tổ chức các đoàn chuyên gia chuyên sâu để cùng nhau chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm. Trong đó, nhiều chuyên gia hàng đầu của Pháp được cử sang Việt Nam để chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong các lĩnh vực công chức, công vụ, cải cách hành chính, chuyển đổi số, xây dựng vị trí việc làm, tiền lương,...
Hai bên cũng thống nhất hợp tác xây dựng các mô hình hay, cách làm thiết thực để đổi mới các dịch vụ công, phục vụ người dân tốt nhất. Điển hình như mô hình một cửa, một cửa liên thông ở Việt Nam; mô hình "ngôi nhà dịch vụ công thân thiện" của Pháp.
Thông qua các chương trình hợp tác, hai bên cùng chia sẻ kinh nghiệm quốc tế để làm sao nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, quản trị xã hội hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước nói chung và hai Bộ nói riêng.
Những kết quả hợp tác giữa hai bên trong 3 năm giúp Việt Nam có thêm kinh nghiệm, bài học quý áp dụng vào thực tiễn để xây dựng một nền hành chính hiện đại, hiệu lực, hiệu quả hơn.
Đáp ứng yêu cầu "kỷ nguyên vươn mình của dân tộc"
Từ những kết quả đạt được trong 3 năm qua, hai Bộ trưởng thống nhất tiếp tục mở rộng hợp tác trong giai đoạn 2025-2028.
Bộ trưởng Bộ Công vụ, đơn giản hóa và chuyển đổi dịch vụ công Pháp Guillaume Kasbarian khẳng định, việc hai Bộ ký kết Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực công vụ và hiện đại hóa nền hành chính giai đoạn 2022-2025 là dấu mốc quan trọng để hai bên tiếp tục trao đổi, chia sẻ và học tập lẫn nhau trong thời gian tới.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng mong muốn tiếp tục phối hợp với Pháp nhằm thực hiện các nội dung đã thỏa thuận giữa hai Bộ phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của mỗi bên cũng như sự phát triển trong quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Theo đó, hai bên tiếp tục trao đổi các đoàn cấp cao giữa hai Bộ; tăng cường trao đổi kinh nghiệm và thực tiễn tốt trong quản trị công giữa Việt Nam và Pháp thông qua các hội thảo, tọa đàm quốc gia về các lĩnh vực trong ngành.
Hai bộ cũng thống nhất mở rộng hợp tác đào tạo, bồi dưỡng, trong đó ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo nguồn giai đoạn 2025-2030 dự kiến thực hiện theo mô hình 3+1.
Học viện Hành chính Quốc gia Việt Nam lựa chọn sinh viên giỏi sau 3 năm đào tạo ở Việt Nam để cử đi học 1 năm ở Pháp và được cấp bằng chuẩn Châu Âu.
Từ đó Việt Nam có thêm những công dân toàn cầu góp phần xây dựng và phát triển nền công vụ hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ cho hệ thống chính trị Việt Nam, đáp ứng yêu cầu bước vào "kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" như thông điệp mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhiều lần nhấn mạnh.
Hai bộ trưởng cũng thống nhất tiếp tục đào tạo bồi dưỡng mở rộng cho các bộ ngành trung ương và địa phương, trong đó có các chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ, nghiên cứu sinh để phát triển đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý vừa phù hợp với vị trí việc làm, vừa tạo thêm nguồn chuyên gia trong hệ thống nhà nước.
Ngoài ra, hai bên cũng tiếp tục kết nối các chuyên gia đầu ngành và giới hàn lâm để thực hiện nghiên cứu trong lĩnh vực công chức, công vụ, cải cách hành chính, cải cách tiền lương, đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học xây dựng tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, chính quyền địa phương hướng tới nền công vụ chuyên nghiệp, hiện đại.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, hợp tác giữa hai Bộ đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực. Qua đó góp phần làm sâu sắc quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp đi vào chiều sâu, thiết thực, trên cơ sở quan hệ song phương phát triển rất tích cực trong chặng đường hơn 50 năm qua.
Chính thức khai mạc Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 tại Pháp 
Phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại Diễn đàn Doanh nghiệp Pháp ngữ