VietMac - Chuỗi 'cơm kẹp' từng đối đầu McDonald's giờ thế nào?
Chuỗi 'cơm kẹp' VietMac, với định giá tăng gấp 10 lần sau chưa đầy 1 năm ra mắt, từng được kỳ vọng sẽ tạo nên dấu ấn trước các thương hiệu đồ ăn nhanh đình đám trên thế giới như McDonald's, Burger King,...
Tháng 7 năm 2010, VietMac – sản phẩm “cơm kẹp” (rice burger) lần đầu tiên ra đời tại Việt Nam. Sản phẩm là sự kết hợp giữa món cơm nắm muối vừng truyền thống và đồ ăn nhanh phương Tây, hình dáng giống chiếc burger, nhưng dùng vỏ cơm nén thay vì vỏ bánh mì.
Chuỗi VietMac mong muốn truyền tải đến khách hàng thông điệp về sản phẩm tiện lợi, bổ dưỡng và hương vị tươi ngon, nhằm thực hiện tham vọng cạnh tranh trực diện trên thị trường đồ ăn nhanh khi thị trường này còn đang ở giai đoạn sơ khai tại Việt Nam.
Pháp nhân đứng sau món cơm kẹp độc đáo này, CTCP Thực phẩm VietMac, được thành lập vào ngày 26/10/2010. Công ty có 6 cổ đông sáng lập, trong đó, hai cổ đông lớn nhất (cùng chung địa chỉ thường trú) là ông Ngô Trọng Thanh và bà Đặng Thị Thanh Huyền, lần lượt nắm giữ 41,5% và 34,5% cổ phần. Ông Thanh giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Người đại diện pháp luật của công ty. Ngoài ra, ông Nguyễn Thành Dương – Giám đốc điều hành VietMac, sở hữu 9% cổ phần.
Cơm kẹp burger. Ảnh: Internet |
VietMac mở cửa hàng đầu tiên tại số 80 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội từ năm 2010 nhưng chỉ được chú ý nhiều khi khai trương cửa hàng tại TP Hồ Chí Minh vào đầu tháng 2/2012. Truyền thông đưa tin về sự kiện VietMac “Nam tiến” và đặc biệt nhấn mạnh tới mức định giá 2,25 triệu USD của VietMac, cao gấp 10 lần giá trị đầu tư ban đầu chỉ sau chưa đầy một năm ra mắt.
Sau khi 5 cửa hàng tại Hà Nội đạt được thành công, với những ngày cao điểm bán ra đến 1.000 suất ăn, VietMac quyết định mở rộng vào thị trường miền Nam. Xa hơn nữa, công ty đặt mục tiêu địa phương hóa sản phẩm và đưa thương hiệu vươn ra thị trường quốc tế.
“Khi mở rộng vào miền Nam, chúng tôi đã nghiên cứu kỹ lưỡng xu hướng tiêu dùng và nhận thấy gần 70% khách hàng tỏ ra hài lòng,” anh Nguyễn Thành Dương – cựu CEO VietMac cho biết.
Tuy nhiên, tham vọng mở rộng của VietMac nhanh chóng vấp phải khó khăn tại thị trường miền Nam. Với vốn đầu tư ban đầu khoảng nửa triệu USD (tương đương hơn 10 tỷ đồng) từ tiền mặt của các cổ đông, không có sự hỗ trợ từ quỹ đầu tư hay vốn vay ngân hàng, VietMac chịu lỗ khoảng 600 triệu đồng mỗi tháng do mở rộng hàng loạt cửa hàng quá nhanh.
Cửa hàng trên đường Nguyễn Văn Trỗi, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh, không gánh được chi phí thuê mặt bằng 135 triệu đồng/tháng, buộc phải đóng cửa chỉ sau một thời gian ngắn hoạt động.
Trên góc độ tài chính, có hai nguyên nhân cơ bản dẫn đến thất bại của VietMac.
Một là chi phí vận hành cao so với khả năng tài chính hạn chế. Mỗi suất cơm kẹp VietMac có giá từ 20.000 đến 30.000 đồng, nhưng được bán tại các cửa hàng có diện tích lớn với chi phí thuê mặt bằng cao. Điều này khiến chi phí vận hành, đặc biệt khi mở mới cửa hàng, tăng lên đáng kể, trong khi khả năng tài chính của VietMac hạn chế, gây khó khăn cho việc duy trì hoạt động.
Hai là khó khăn trong quản lý hàng tồn kho và nguồn cung. Không giống các chuỗi thức ăn nhanh quốc tế sử dụng thực phẩm cấp đông có thể bảo quản lâu dài, VietMac chỉ bán thực phẩm tươi, chế biến theo nhu cầu hàng ngày. Việc này khiến việc dự đoán lượng khách hàng trở nên khó khăn, dễ dẫn đến tình trạng dư thừa hoặc thiếu hụt hàng hóa nếu dự đoán sai, gây lãng phí hoặc mất cơ hội kinh doanh.
Ảnh: Internet |
Tháng 9/2012, VietMac chuyển hướng sang bán các sản phẩm có thể cấp đông như KFC, sau khi đầu tư gần 1 triệu USD vào dây chuyền sản xuất. Đồng thời, hãng ra mắt thương hiệu mới mang tên AppeRice, tồn tại song song với VietMac.
“Tất nhiên, tình trạng tự cạnh tranh giữa hai thương hiệu xuất hiện, nhưng việc ra mắt nhãn hiệu mới khiến thị trường trở nên sôi động và hấp dẫn hơn. Nếu chỉ có một mình tham gia, việc mở rộng thị phần rất khó khăn”, ông Nguyễn Thành Dương chia sẻ với tạp chí Nhịp cầu Đầu tư.
Không chỉ khó ở thị trường trong nước, kế hoạch đưa cơm kẹp ra thị trường quốc tế của VietMac gặp trở ngại khi bị McDonald’s kiện vì thương hiệu có chữ "Mac".
Để khắc phục vấn đề chi phí và khó khăn trong việc tìm mặt bằng, AppeRice áp dụng chiến lược "bầy sói", tập trung mở các ki-ốt nhỏ có diện tích từ 5–15m2, vốn đầu tư khoảng 50 - 100 triệu đồng. Các ki-ốt được đặt gần các cửa hàng thức ăn nhanh như Lotteria hay KFC nhằm chia sẻ tệp khách hàng. Nhờ chiến lược này, VietMac tạm chuyển bại thành thắng.
Tháng 11/2012, VietMac hòa vốn và bắt đầu có lãi, ông Nguyễn Thành Dương tiết lộ doanh thu và lợi nhuận hàng tháng ở mức “rất cao”. Tốc độ tăng trưởng doanh thu đạt khoảng 100% mỗi năm, vượt xa mức trung bình ngành thức ăn nhanh tại Việt Nam, vốn chỉ đạt 26%.
Năm 2013, lãnh đạo VietMac cho biết công ty đã bán 5% cổ phần cho Tôn Văn, một doanh nghiệp chuyên sản xuất khuy áo tại TP.HCM, và 5% cổ phần khác cho một đối tác ở Đức. Ngoài ra, công ty có dự định bán tiếp cổ phần cho một đối tác tại Czech.
Theo thông tin chúng tôi thu thập, vào tháng 3/2016, 5 trên tổng số 6 cổ đông sáng lập của VietMac đã thoái vốn. Ông Thanh là người duy nhất còn nắm giữ cổ phần VietMac nhưng cũng giảm tỷ lệ sở hữu từ 41,5%xuống còn 34% và không còn ngồi ghế Chủ tịch công ty. Thay vào đó, bà Ngô Thị Kim Thanh được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Người đại diện pháp luật Công ty VietMac.
Sau giai đoạn trên, thông tin về công ty ít xuất hiện hơn, cho đến năm 2018, khi một loạt các thương vụ hợp tác mới được công bố. Theo đó, sau thời gian hợp tác với nhà đầu tư Nhật Bản, VietMac thành công đưa sản phẩm cơm kẹp vào nhiều hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam như Shop and Go (Singapore), Seika Mart (Nhật Bản), Aeon (Nhật Bản), Fivimart, Minh Hoa Mart,…
Đáng chú ý, tháng 3/2018, VietMac hợp tác với CTCP Đầu tư Thương mại Kỹ thuật A&T Việt Nam để phân phối độc quyền sản phẩm tại chuỗi nhà hàng Memos, với 5 điểm bán tại sảnh bay nội địa T1 và quốc tế T2, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
Đến tháng 4/2018, cơm kẹp VietMac có mặt trên kệ chuỗi cửa hàng tiện lợi Vinmart+ (thuộc tập đoàn Vingroup thời điểm đó). Tại đây, VietMac giới thiệu hai dòng sản phẩm chính là cơm kẹp thịt nướng (Vietmac Rice Burger) và xôi kẹp thịt (Vietmac Sticky Rice Burger) với sự kết giữa bánh cơm, rau củ, thịt nướng BBQ cùng nước sốt đặc trưng chế biến theo công thức riêng.
Lãnh đạo VietMac thời điểm đó chia sẻ rằng, việc gia nhập các hệ thống phân phối lớn đòi hỏi nhà sản xuất phải từ bỏ mô hình sản xuất manh mún và lập kế hoạch sản xuất kinh doanh dài hạn 5 đến 10 năm, nếu không muốn bị tụt hậu trên thị trường. Theo đó, VietMac dự tính tự xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, đảm bảo đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về chủng loại, số lượng, chất lượng, giúp công ty chủ động trong sản xuất và kinh doanh.
Cuối cùng, rice burger vẫn bại trận trước burger |
Kế hoạch kinh doanh mở rộng của chuỗi "cơm kẹp" không tương xứng với quy mô vốn điều lệ. Theo ghi nhận của chúng tôi, đến tháng 6/2018, VietMac mới tăng vốn điều lệ từ 6 tỷ lên 8,571 tỷ đồng. Đồng thời, cựu Chủ tịch Ngô Trọng Thanh tiếp tục giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 9,9%.
Đến năm 2019, chi nhánh Công ty CP thực phẩm VietMac tại TP Hồ Chí Minh ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn thành thủ tục đóng MST.
Tháng 4/2020, bà Kim Thanh không còn đảm nhiệm vị trí Chủ tịch VietMac, thay vào đó là ông Phan Thế Tùng (SN 1990), các thông tin khác của công ty không được công bố. Tuy nhiên, với sự thay đổi người đại diện pháp luật, nhiều khả năng VietMac đã một lần nữa chuyển giao chủ sở hữu.
Hiện tại, pháp nhân VietMac đang hoạt động tại địa chỉ Km10+500 Đại Lộ Thăng Long, thôn Phương Viên, Xã Song Phương, Huyện Hoài Đức, TP Hà Nội nhưng thương hiệu "cơm kẹp" từng nổi tiếng một thời đã biến mất khỏi truyền thông.
McDonald’s bất ngờ đóng cửa nhà hàng lâu năm có vị trí đắc địa bậc nhất TP Hồ Chí Minh 
Bị phản ứng dữ dội vì ‘đu trend’ phản cảm, McDonald’s Việt Nam lập tức xin lỗi