Đây là bước tiến quan trọng của ngành hàng không Việt Nam cũng như Vietnam Airlines "hàng không xanh", hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng về "0" ("Net zero") vào năm 2050.
Tổng CTCP Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (Mã HVN  - HoSE) ngày 27/5 đã thực hiện thành công chuyến bay sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (Sustainable Aviation Fuel - SAF) với số hiệu VN660, hành trình từ Singapore đến Hà Nội.
Ảnh minh họa |
Theo đó, Vietnam Airlines trở thành hãng bay đầu tiên tại Việt Nam sử dụng nhiên liệu bền vững cho các chuyến bay chở khách thương mại.
Đây là một bước tiến quan trọng của ngành hàng không Việt Nam nói chung và Vietnam Airlines nói riêng trong hành trình trở thành "hàng không xanh", góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng về "0" (hay còn gọi là "Net zero") vào năm 2050 như cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26).
Nhiên liệu hàng không bền vững - SAF là loại nhiên liệu được sản xuất từ nguyên liệu tái tạo và có nguồn gốc bền vững, chẳng hạn như dầu ăn đã qua sử dụng và mỡ động vật thải. SAF đáp ứng các tiêu chuẩn hàng không quốc tế nghiêm ngặt và có thể sử dụng an toàn trên các chuyến bay thương mại.
Theo đó, SAF có thể giúp giảm tới 80% lượng khí thải nhà kính trong suốt vòng đời của nhiên liệu, đồng thời giảm thiểu các khí thải độc hại khác như NOx, SO2 và bụi mịn, từ đó góp phần giảm hiệu ứng nhà kính.
Ngoài ra, SAF có thể được lưu trữ và vận chuyển như nhiên liệu hóa thạch truyền thống, có khả năng hoạt động tốt trong điều kiện thời tiết lạnh và giúp cải thiện hiệu suất bay. Những điều này giúp SAF trở thành nguồn nhiên liệu thay thế tiềm năng cho nhiên liệu hóa thạch, góp phần quá trình cắt giảm khí thải carbon cho ngành hàng không.
Sử dụng nhiên liệu SAF là xu hướng được quan tâm trên thế giới hiện nay. Để đạt được mục tiêu này, các viện nghiên cứu, các nhà cung cấp nhiên liệu hàng không đã tích cực đầu tư, phát triển các công nghệ sản xuất nhiên liệu hàng không bền vững.
Tại Việt Nam, lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh đối với lĩnh vực hàng không được quy định rất cụ thể tại Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/07/2022. Ông Lương Thế Tùng - Tổng Giám đốc Công ty Tapetco cho biết mục tiêu từ năm 2035 sẽ sử dụng tối thiểu 10% nhiên liệu bền vững cho một số chuyến bay ngắn; 100% phương tiện chở khách và phương tiện khác trong sân bay đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh.
Tại Việt Nam, ba hãng hàng không lớn gồm có Vietnam Airlines, VietJet Air và Bamboo Airlines cũng là thành viên IATA và theo đuổi mục tiêu Net Zero.
Theo nghiên cứu, ngành hàng không cần có 450 tỷ lít SAF vào năm 2050. Thách thức rất lớn ở chỗ sản lượng SAF trong năm 2023 chỉ đạt 60 triệu lít. Do vậy, sản lượng này cần tăng lên 750 lần trong vòng 27 năm để đạt mục tiêu.
Nhiều ý kiến băn khoăn giá của SAF hiện khá cao có thể khiến giá vé máy bay sẽ đắt đỏ hơn.
Theo ước tính, nếu một chuyến bay sử dụng 100% nhiên liệu SAF thì giá vé máy bay tăng gần 50% so với giá vé máy bay sử dụng nhiên liệu truyền thống. Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng các hãng hàng không cần tăng dần tỷ lệ chuyển đổi SAF để hành khách có thể chấp nhận.
Về vấn đề này, ông Kevin Lee - Phó Giám đốc Hiệp hội Vận tải hàng không thế giới (IATA), cho rằng chính phủ mỗi quốc gia và các hãng hàng không cần nỗ lực nâng cao nhận thức cho hành khách để khách hàng của ngành hàng không có sự thấu hiểu và chia sẻ về ý nghĩa của SAF. Đây là phương pháp mà Singapore đã thực hiện trước khi bắt buộc tỷ lệ nhiên liệu SAF.
>> Cổ phiếu HVN 'bay cao' cùng các họ cổ phiếu Viettel, APEC, Hoàng Huy, An Phát