Vietnam Airlines lên tiếng về việc cổ phiếu bị hạn chế giao dịch, tương lai thoát nạn vẫn còn 'mịt mờ'?
Vietnam Airlines (HVN) cho biết công ty đang nỗ lực tự thân để cân đối thu chi cùng các giải pháp tái cơ cấu, khắc phục âm vốn chủ sở hữu, xóa lỗ lũy kế, đưa cổ phiếu sớm thoát khỏi diện cảnh báo.
Trong thời gian gần đây, cổ phiếu HVN  của Vietnam Airlines đang nhận sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trên thị trường với màn “cất cánh” đầy ấn tượng. Theo đó, thị giá HVN bật tăng hơn 160% từ vùng 13.x lên 35.x chỉ trong vòng gần 4 tháng. Mức tăng này đưa cổ phiếu trở lại vùng đỉnh được thiết lập vào tháng 7/2019 và chỉ cách đỉnh thời đại hơn 30%.
Lý giải cho đà tăng phi mã của cổ phiếu, ban lãnh đạo công ty cho biết: “Cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines gần đây tăng giá rất mạnh trên sàn giao dịch chứng khoán. Cổ phiếu dựa trên báo cáo tài chính của hãng và hoạt động theo thị trường dựa trên sự đánh giá của cổ đông hay nhà đầu tư quan tâm nên rất công khai, minh bạch.”
Diễn biến giá cổ phiếu HVN |
Bên cạnh đó, câu chuyện cổ phiếu bị hạn chế giao dịch cũng là mối quan tâm của nhiều chứng sỹ trên thị trường. Trả lời cho vấn đề này, tại ĐHĐCĐ thường niên vừa diễn ra vào ngày 21/6/2024, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT của Vietnam Airlines cho biết, nguyên nhân xuất phát từ khách quan khi thời điểm xảy ra đại dịch Covid-19 và xung đột chính trị đã tạo ra hệ lụy rất lớn đến tình hình kinh doanh của hãng bay, giá cổ phiếu theo đó cũng lao dốc.
Ban lãnh đạo công ty chia sẻ thời gian qua hoạt động của Vietnam Airlines đã được cải thiện và thời điểm khó khăn nhất đã qua đến sự hỗ trợ của Nhà nước và nỗ lực tự thân của hãng.
Trước đó, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ các hãng bay do khó khăn đại dịch Covid-19 như giảm phí thuế bảo vệ môi trường, phí cất hạ cánh, đặc biệt Vietnam Airlines cũng nhận được gói hỗ trợ với số vốn 12.000 tỷ đồng.
Dù tình hình tài chính đã khả quan hơn, ban lãnh đạo Vietnam Airlines kiến nghị Chính phủ gia hạn phải trả gói cấp tín dụng 4.000 tỷ đồng trong 3 năm nữa để đảm bảo dòng tiền năm nay và các năm tiếp theo.
Mục tiêu lớn trong năm 2024 của HVN  là giảm lỗ còn lại, tiến tới cân đối được thu chi trong năm 2024. "Hãng đang nỗ lực tự thân để cân đối thu chi, cùng các giải pháp tái cơ cấu, khắc phục âm vốn chủ sở hữu, xóa lỗ lũy kế. Tới đây khi tình hình tài chính thay đổi theo hướng tích cực sẽ bổ sung dòng tiền phục hồi năng lực tài chính lành mạnh như trước dịch. Hy vọng chỉ số tài chính cải thiện, an toàn đủ điều kiện niêm yết sàn chứng khoán HoSE", ông Hòa chia sẻ.
>> HVN giải trình KQKD và đưa ra biện pháp, lộ trình khắc phục tình trạng bị kiểm soát 
ĐHĐCĐ năm 2024 của Vietnam Airlines (HVN) |
Ngoài ra, Vietnam Airlines có kế hoạch phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu hoặc nhà đầu tư riêng lẻ để tăng vốn. Theo doanh nghiệp, việc bổ sung dòng tiền từ các cổ đông sẽ giúp công ty cải thiện quy mô vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu, bổ sung dòng tiền thiếu hụt cho hãng, tạo nguồn vốn dài hạn, đảm bảo các chỉ số tài chính không bị mất cân đối. Từ đó, Vietnam Airlines giảm chi phí, góp phần cải thiện hiệu quả sản xuất kinh doanh, từng bước xóa lỗ lũy kế, sớm thoát khỏi tình trạng bị hạn chế giao dịch.
Được biết, tính đến thời điểm ngày 31/3/2024, công ty còn ghi nhận khoản lỗ lũy kế hơn 36.750 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu của HVN  còn âm 12.556,1 tỷ đồng.
Dù vậy, việc giảm được số lỗ lũy kế còn lại vẫn là câu chuyện khá "mịt mờ" khi mà tình hình kinh doanh của ngành hàng không nói chung và Vietnam Airlines nói riêng vẫn đang gặp khó khi tình trạng thiếu máy bay dự kiến sẽ kéo dài đến hết năm 2025.
Hãng đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất năm nay đạt 105.946 tỷ đồng, nếu hoàn thành kế hoạch này sẽ là thành tích kỷ lục về doanh thu từ trước đến nay của Vietnam Airlines. Tuy nhiên, mức lãi công ty mẹ dự kiến chỉ chiếm khoảng 0,1% doanh thu, khoảng 105 tỷ đồng - thấp dự báo thấp hơn nhiều so với khoản lỗ mà công ty đang ghi nhận.
Liên danh Petrolimex (PLX) trúng thầu dự án trạm dừng nghỉ trên cao tốc 12.100 tỷ đồng 
Liên danh Đèo Cả mở khóa chốt đầu tiên của dự án 14.000 tỷ đồng cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh