VinaCapital: Cố vấn kinh tế hàng đầu của ông Trump sẽ mở đường cho sự bứt phá đầu tư tại Việt Nam
Ông Scott Bessent, cố vấn kinh tế hàng đầu của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, không chỉ là nhân vật quan trọng trong việc định hình cục diện thương mại toàn cầu mà còn mở ra những cơ hội lẫn thách thức đối với Việt Nam.
Vai trò chiến lược của ông Scott Bessent trong chính sách thương mại Mỹ
Sau khi tái đắc cử tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2025-2029, ông Donald Trump  đã bổ nhiệm ông Scott Bessent  giữ chức Bộ trưởng Tài chính. Theo thông báo chính thức, ông Trump mô tả Bessent là một trong những chiến lược gia kinh tế xuất sắc nhất thế giới, với bề dày kinh nghiệm trong quản lý quỹ đầu tư và điều hành chiến lược tài chính.
Scott Bessent là một nhà quản lý quỹ đầu cơ người Mỹ, từng giữ vị trí Giám đốc Đầu tư tại Soros Fund Management và sáng lập Key Square Group, một công ty đầu tư vĩ mô toàn cầu. |
Với trọng tâm là cải cách thuế, thúc đẩy sản xuất năng lượng và nới lỏng các quy định kinh doanh, ông Bessent đã từng nhận định trên Wall Street Journal rằng nền kinh tế Mỹ sẽ bước vào thời kỳ "tăng trưởng bùng nổ" nhờ những cải cách mà chính quyền Trump đề xuất.
Ông Michael Kokalari , Giám đốc Phân tích Kinh tế Vĩ mô tại VinaCapital, nhận xét: "Những cố vấn như ông Bessent giúp giảm thiểu rủi ro từ các chính sách thương mại cực đoan, đồng thời tạo cơ hội đầu tư lớn cho Việt Nam".
Báo cáo "A User’s Guide to Restructuring the Global Trading System" năm 2024 của Hudson Bay Capital cũng nhấn mạnh vai trò của ông Bessent trong việc định hình một hệ thống thương mại toàn cầu cân bằng hơn. Chiến lược này đã góp phần thu hút dòng vốn đầu tư lớn vào Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam.
Cơ hội từ chính sách thuế quan và dòng vốn FDI
Nhìn lại quá khứ, chính sách áp thuế mạnh lên hàng hóa Trung Quốc dưới thời Tổng thống Trump đã mang lại lợi ích lớn cho Việt Nam. Trong giai đoạn 2018-2020, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 7%/năm, chủ yếu nhờ dòng vốn FDI từ các nhà sản xuất quốc tế di dời khỏi Trung Quốc. Các doanh nghiệp từ Hàn Quốc và Nhật Bản đã lựa chọn Việt Nam làm “trung tâm sản xuất mới của châu Á".
Ông Bessent từng khuyến nghị Việt Nam tận dụng ưu đãi thuế quan để củng cố vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, báo cáo từ VinaCapital cảnh báo rằng các kế hoạch như “Plaza Accord 2.0” - dự kiến giảm giá trị đồng USD 20% - có thể tạo áp lực lớn lên chính sách tỷ giá của Việt Nam. Nếu USD suy yếu quá nhanh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể phải điều chỉnh tỷ giá USD/VND hoặc tăng dự trữ ngoại hối để bảo vệ sự ổn định kinh tế.
Bên cạnh đó, dù mang lại nhiều lợi ích, các chính sách thương mại của Mỹ cũng đặt ra không ít thách thức. Theo báo cáo "The Longer Telegram" năm 2021, mối quan hệ Việt - Mỹ cần được duy trì thận trọng nhằm tránh các biện pháp thuế quan trừng phạt từ chính quyền Mỹ.
Ông Michael Kokalari nhận định: "Việt Nam cần một chiến lược đối ngoại và tài chính khéo léo để duy trì lợi thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu". Điều này bao gồm việc phát triển quan hệ chặt chẽ với các đối tác lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản, và EU.
Hướng đi nào cho Việt Nam?
Việt Nam đang nổi lên như một điểm sáng trong chiến lược thương mại toàn cầu của Mỹ. Để tận dụng cơ hội này, Việt Nam cần tập trung cải thiện các yếu tố nội tại, bao gồm quản lý tỷ giá, thu hút vốn FDI, và nâng cấp hạ tầng sản xuất. Theo báo cáo từ VinaCapital, sự phát triển bền vững của Việt Nam không chỉ phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài mà còn dựa vào khả năng tự cường từ bên trong.
Ông Kokalari nhấn mạnh: "Hiểu rõ động lực địa chính trị và kinh tế là chìa khóa để Việt Nam tận dụng lợi thế từ các chính sách thương mại quốc tế". Nếu đi đúng hướng, Việt Nam không chỉ duy trì vị thế hiện tại mà còn có thể trở thành trung tâm sản xuất hàng đầu trong chuỗi cung ứng toàn cầu, thay thế Trung Quốc.
>> Kinh tế Việt Nam trước 'bàn cờ' Trump 2.0: Đường đua mới với những phép thử lớn