Nhà máy sữa và trang trại bò sữa của Vinamilk tại Nghệ An vừa đạt chứng nhận về trung hòa carbon theo tiêu chuẩn PAS 2060:2014.
Ngày 26/5 tại Nghệ An, CTCP Sữa Việt Nam Vinamilk đã công bố chính thức lộ trình tiến đến Net Zero 2050 với chương trình hành động "Vinamilk Pathway to Dairy Net Zero 2050" (Vinamilk hướng đến Net Zero 2050). Tại sự kiện, Vinamilk cũng được xác nhận là công ty sữa đầu tiên tại Việt Nam có nhà máy và trang trại đạt trung hòa carbon theo tiêu chuẩn PAS 2060.
Theo báo cáo của Vinamilk, tổng lượng phát thải khí nhà kính đã được trung hòa của 2 đơn vị này là 17.560 tấn CO2 (tương đương với khoảng 1,7 triệu cây xanh). Đây là kết quả của "hành động kép", nỗ lực cắt giảm phát thải trong sản xuất, chăn nuôi của Vinamilk, đồng thời duy trì quỹ cây xanh của công ty để hấp thụ khí nhà kính trong nhiều năm qua.
Việc cắt giảm phát thải, khí nhà kính và tiến tới Net Zero trong ngành sữa được nhận định là rất thách thức, đặc biệt với các trang trại bò sữa có quy mô lớn. Mục tiêu này đòi hỏi việc đầu tư cho các giải pháp công nghệ, chuyển đổi năng lượng xanh, vận dụng kinh tế tuần hoàn... một cách toàn diện.
Là doanh nghiệp lớn, với hệ thống nhà máy, trang trại quy mô công nghệ cao và hàng triệu sản phẩm được cung cấp mỗi ngày, Vinamilk đã xây dựng chương trình hành động tập trung vào 4 lĩnh vực trọng tâm: Nông nghiệp bền vững – Sản xuất xanh – Logistics thân thiện môi trường – Tiêu dùng bền vững.
Vinamilk mới đây cũng đã công bố lộ trình tiến đến Net Zero 2050 với chương trình hành động "Vinamilk Pathways to Dairy Net Zero 2050". Trong đó, Vinamilk đặt kế hoạch sẽ cắt giảm 15% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2027, cắt giảm 55% lượng phát thải vào năm 2035 và tiến đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 – Net Zero vào năm 2050.
Bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Vinamilk chia sẻ: "Nhìn lại hành trình đã đi theo định hướng phát triển bền vững, Vinamilk nhận thấy đây là hướng đi đúng đắn và đã đưa ra các quyết định từ rất sớm. Ngoài việc thể hiện sự cam kết của công ty đối với cộng đồng và người dân Việt Nam, Vinamilk còn hy vọng sẽ góp phần truyền tải mạnh mẽ những thông điệp tích cực đến với cộng đồng doanh nghiệp, chung tay cùng Chính phủ trên hành trình sứ mệnh Net Zero – một hành trình cho một tương lai xanh, bền vững hơn cho chính chúng ta và thế hệ mai sau".
Hiện nay, 13 trang trại và 10 nhà máy của Vinamilk đã được lắp đặt hoàn thiện năng lượng mặt trời, đẩy mạnh các năng lượng xanh như Biomass (tại nhà máy), Biogas (tại trang trại). Vinamilk cũng đầu tư mạnh để xây dựng mô hình trang trại bò sữa như Green Farm định hướng theo nông nghiệp bền vững. Các nhà máy đều được chuyển đổi mạnh mẽ, ứng dụng công nghệ cao, vận dụng kinh tế tuần hoàn từ rất sớm để giảm phát thải.
Hệ thống điện mặt trời tại Nhà máy Sữa Việt Nam là một trong các hệ thống điện mặt trời mới nhất được lắp đặt ở chuỗi nhà máy của Vinamilk. Hệ thống sử dụng 7.542 tấm pin năng lượng mặt trời hiệu suất cao, 27 inverter 110 kW cùng khung phụ trợ và dây dẫn đạt chất lượng cao độ bền thiết kế trên 30 năm. Với tổng công suất 3,394 MWp, hệ thống có thể sản xuất tới hơn 5,5 triệu kWh điện mỗi năm để phục vụ hoạt động sản xuất của nhà máy.
Vinamilk cũng là doanh nghiệp sữa đầu tiên của Việt Nam tham gia vào Sáng kiến toàn cầu của ngành sữa về Net Zero - Pathways to Dairy Net Zero, được sáng lập bởi Liên đoàn sữa thế giới (IDF), Khung phát triển bền vững ngành sữa (DSF), Global Dairy Platform…
Nhà máy chế biến thịt bò 500 triệu USD của Vinamilk (VNM) chính thức đi vào vận hành 
Vinamilk (VNM) sắp trả cổ tức, 'nữ tướng' Mai Kiều Liên sẽ nhận về bao nhiêu tiền?